Hà Nội gắn nhãn rau an toàn

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã triển khai chương trình thí điểm kiểm soát rau an toàn theo chuỗi từ cơ sở sản xuất đến nơi tiêu thụ; đồng thời gắn nhãn nhận diện nguồn gốc xuất xứ sản phẩm rau an toàn Hà Nội, xây dựng các điểm phân phối rau an toàn tại khu dân cư, cơ quan.

Điều này góp phần làm giảm chi phí trung gian, hạ giá thành sản phẩm (giá rau an toàn này chỉ tương đương với giá rau ngoài chợ do không phải thuê địa điểm bán hàng). Đặc biệt, tuyên truyền để người tiêu dùng dần thay đổi thói quen, quen dần với tiêu dùng rau củ quả tươi có nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trồng rau an toàn tại xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì (Hà Nội). Ảnh: Đình Huệ - TTXVN


Nhằm giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận biết, lựa chọn sản phẩm rau an toàn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã chỉ đạo Chi Cục Bảo vệ thực vật phối hợp với các địa phương doanh nghiệp triển khai dán tem nhận diện "Rau An Toàn Hà Nội" cho sản phẩm rau an toàn bán lẻ ở các cửa hàng, siêu thị, chợ...

Trước mắt đã lựa chọn 29 cơ sở sản xuất rau an toàn để thí điểm dán tem nhận diện "Rau An Toàn Hà Nội" (gồm: 10 doanh nghiệp, 10 HTX sản xuất, kinh doanh rau an toàn có sơ chế và 9 xã dán tem đến hộ nông dân bán lẻ, số lượng 12-30 hộ/xã).

Mỗi cơ sở được cấp 01 mã số đóng lên tem nhận diện để phục vụ tra cứu và quản lý nguồn gốc xuất xứ sản phẩm rau an toàn do địa phương sản xuất chống hệ thống mã số này được đưa lên sàn giao dịch cùng với số điện thoại của các cơ sở sản xuất để người tiêu dùng có thể tra cứu, kiểm soát nguồn gốc rau an toàn. Các cơ sở dán tem nhận diện thường xuyên được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ.

Năm 2013, Hà Nội sẽ mở rộng dán tem nhận diện rau an toàn cho các cơ sở sản xuất rau an toàn đủ điều kiện theo nhu cầu và đăng ký của các địa phương.

Hà Nội đã thử nghiệm, hướng dẫn nông dân xử lý tàn dư thuốc bảo vệ thực vật cây trồng trên đồng ruộng bằng chế phẩm sinh học Emina (sản phẩm của Viện sinh học nông nghiệp - Trường ĐHNN Hà Nội) tại các vùng rau an toàn tập trung Văn Đức, Thanh Đa, Duyên Hà... Kết quả sau 15-20 ngày tàn dư phân hủy 95-100%, sử dụng làm phân bón rau. Kết quả thử nghiệm được nông dân đánh giá cao và đang tích cực triển khai xử lý trên diện rộng.

Sau 3 năm thí điểm trồng rau an toàn trên địa bàn Hà Nội đã đem lại hiệu quả về nhiều mặt từ kinh tế, vệ sinh thực phẩm đến sức khỏe và môi trường. Qua trồng rau an toàn cho người nông dân thu nhập cao hơn trồng các loại cây lương thực và các cây rau trồng theo thông thường khác. Bên cạnh đó, trồng rau an toàn đảm bảo an toàn về sức khỏe cho người nông dân, cho người tiêu dùng và bảo vệ môi trường, sinh thái do hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất độc hại.

Một số vùng sản xuất rau an toàn tập trung cho thu nhập bình quân từ 400-500 triệu đồng/ha/năm, thậm chí có vùng cho thu nhập cao đạt từ 700 – 800 triệu đồng/ha/năm như Văn Đức, Lĩnh Nam, Thanh Đa…

Với những lợi thế do rau an toàn đem lại, Hà Nội đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng các vùng sản xuất rau an toàn tập trung gắn với cơ sở sơ chế, chế biến rau an toàn; Đồng thời sớm phê duyệt 31 dự án đã lập; trong đó có 1-2 dự án điểm của ngành để làm mẫu nhân rộng. Hướng dẫn các địa phương lập dự án, tập trung tại các huyện nằm trong quy hoạch vành đai rau xanh.


P.A
Bài cuối: Phát triển điểm bán rau an toàn tại khu dân cư
Bài cuối: Phát triển điểm bán rau an toàn tại khu dân cư

Có một thực tế triển khai vùng rau an toàn (RAT) trong thời gian qua ở Hà Nội là giá thành thường cao hơn rau thường do phải áp dụng đúng quy trình sản xuất, kiểm soát về thời gian khi phun thuốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN