Đừng để giặc lửa hoành hành

Những vụ cháy nổ liên tiếp xảy ra tại khu dân cư thời gian qua gây hậu quả nghiêm trọng về người và tải sản đang là nỗi lo âu trong xã hội. Ám ảnh hơn khi nguyên nhân "bà hoả" đến thăm là bởi sự bất cẩn trong sử dụng các thiết bị điện gia đình.

Hiểm hoạ tiềm ẩn này không chỉ đã đe doạ an toàn tính mạng của người dân mà còn gây rất nhiều khó khăn, hậu quả khôn lường trong việc tìm kiếm cứu nạn, dập lửa. Từ sự thương tâm, một lần nữa lại đặt ra câu hỏi do đâu cháy nổ liên tiếp xảy ra tại khu dân cư; mỗi khi xảy ra cháy là thương vong, mất mát to lớn và làm thế nào để "giặc lửa" không còn hoành hành, gây ra những hậu quả đau lòng?

Chú thích ảnh
Lực lượng chức năng có mặt tại hiện trường vụ hỏa hoạn tại một cửa hàng bán đồ sơ sinh ở phố Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa, Hà Nội, tối 3/4. Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN

Phía sau những vụ cháy

Tối 2/7, hỏa hoạn đột nhiên xảy ra tại một căn nhà có diện tích khoảnh 40 m2 trong hẻm số 163 đường Đặng Văn Bi, phường Trường Thọ, thành phố Thủ Đức. Đám cháy được dập tắt sau khi lực lượng chức năng xử lý sự số. Tuy nhiên, "bà hỏa" đã cướp đi tính mạng một người bị mắc kẹt trong nhà. Sau vụ cháy nghiêm trọng này, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PC07) Công an TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu người dân nâng cao cảnh giác, phòng ngừa hiểm họa cháy nổ cũng như những cảnh báo về sử dụng an toàn thiết bị điện. Theo PC07, nhu cầu sử dụng hệ thống điện và các thiết bị tiêu thụ điện tăng cao là những nguyên nhân dễ dẫn đến nguy cơ cháy, nổ tại khu vực này.

Trước đó vào rạng sáng 15/6, vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ở đường Đinh Công Tráng, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, cướp đi sinh mạng của 6 người khiến dư luận bàng hoàng. Sau khi sự việc đau lòng xảy ra, Công an tỉnh Nghệ An đã phối hợp với Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) tích cực điều tra, làm rõ vụ cháy. Tuy nhiên sơ bộ thông tin ban đầu về nguyên nhân hoả hoạn được xác định do chập điện ở tầng 1 căn nhà.

Tối 3/4, vụ hoả hoạn tại một cửa hàng bán đồ sơ sinh ở phố Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa, Hà Nội đã khiến 4 người trong một gia đình bị thiệt mạng. Đau lòng, trong số nạn nhân, có một người đang mang thai khoảng 3 tháng tuổi, cùng 1 cháu bé 10 tuổi. Qua kiểm tra hiện trường, kết quả điều tra, xác minh bước đầu cho thấy, nhiều khả năng vụ cháy do chập điện. Nạn nhân đi ngủ, khóa cửa bên trong, khi ngọn lửa bùng phát đã không kịp thoát ra ngoài.

Những vụ cháy gây hậu quả thương tâm tại khu dân cư nêu trên ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Nghệ An hay nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước có cùng nguyên nhân là sự bất cẩn trong sử dụng thiết bị điện, nổi lên những vấn đề đáng ngại.

Vài năm trở lại đây, người dân ở các đô thị lớn thường sử dụng các bóng đèn điện hoặc những cây nhang điện thay thế vật dụng truyền thống. Thiết bị điện này thường được bày, bật liên tục trên ban thờ hoặc "ban thần tài" của những hộ kết hợp nhà ở với kinh doanh, buôn bán. Và đó chính là một trong những nguy cơ tiềm ẩn chập, cháy dẫn đến hoả hoạn.

Thực tế thời gian qua đã cho thấy, đã không ít vụ cháy chợ, nhà ở, kho xưởng xuất phát từ sự bất cẩn, lạm dụng hoặc quá tin tưởng vào các thiết bị điện này.

Cũng do tốc độ đô thị hóa kéo theo nhu cầu về sinh hoạt, phát triển kinh tế tăng cao, số lượng hộ gia đình sử dụng nhà ở, kết hợp kinh doanh, sản xuất chiếm số lượng ngày càng nhiều tại các khu dân cư. Nhiều trường hợp ban đầu xây dựng nhà ở chỉ với mục đích để ở, sau đó chuyển đổi kết hợp kinh doanh, sản xuất nên các điều kiện về đảm bảo phòng cháy, chữa cháy không đảm bảo, tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao. Còn tại khu chung cư cũ và nhà dân xây dựng lâu năm, nguy cơ hỏa hoạn lại nằm ở hệ thống dây dẫn điện vốn thường có "tuổi đời cao". Hệ thống điện có thể được kiểm tra, thay thế, nhưng sự lắp đặt thiếu đồng bộ với toàn hệ thống công trình, công năng sử dụng trong từng hộ gia đình khác nhau, thì sẽ là nguy cơ chập cháy.

Trong khi đó do vào mùa nắng nóng, người dân có xu hướng sử dụng nhiều các thiết bị làm mát công suất cao, thời gian sử dụng kéo dài dẫn đến quá tải, dây dẫn bị nóng quá mức, nguy cơ gây ra chập, cháy. Hơn nữa việc sử dụng thiết bị bảo vệ không phù hợp với phụ tải, thiết bị bảo vệ (cầu dao, cầu chì) hư hỏng, đấu tắt không qua thiết bị bảo vệ đã dẫn đến xảy ra sự cố chập cháy điện.

Nâng lên ý thức tự phòng chống

Theo một cán bộ Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an): Đáng lo hơn là hiện nay hầu hết các gia đình tự trang bị, mua sắm thiết bị phòng cháy, chữa cháy trong gia đình chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Mặc dù trong các cuộc tuyên truyền, khuyến cáo người dân về công tác phòng cháy, chữa cháy, các cán bộ chiến sỹ đã phân tích tầm quan trọng và sự cần thiết của việc có bình chữa cháy trong nhà là cách tự cứu mình...

"Nguyên nhân là nhiều gia đình còn e ngại và có phần "duy tâm" cho rằng "mua về sợ... đen", cán bộ này cho biết.

Đối với lo ngại này, Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cũng cho hay: Có những nguyên nhân cháy rất đơn giản, xuất phát từ những thói quen hằng ngày mà không ai ngờ tới. Điển hình việc quên tắt các thiết bị điện khi ra khỏi nhà; rò rỉ điện từ các thiết bị như tủ lạnh, máy điều hòa, máy giặt, máy nước nóng cũ; dây điện bị trầy xước do chuột cắn gây chập điện; lắp đặt đèn chiếu sáng quá sát với trần nhà...

"Muốn hạn chế tối đa số vụ cháy xảy ra, hơn bao giờ hết ý thức tự phòng của người dân phải được nâng lên. Việc mua sắm các trang thiết bị phòng cháy chữa cháy cho gia đình, cơ quan, xí nghiệp... cũng rất cần thiết và trong mỗi chúng ta, ai cũng nêu cao ý thức phòng cháy chữa cháy thì chắc chắn "giặc lửa" sẽ không thể hoành hành", Đại tá Trần Ngọc Dương nhấn mạnh.

Theo thống kê mới nhất của Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an), tháng 5/2021, toàn quốc xảy ra 450 vụ cháy và sự cố cháy, trong đó có 274 vụ sự cố chạm chập cháy trên cột điện, thiết bị điện trong nhà dân; làm chết 14 người, bị thương 26 người; thiệt hại tài sản ước tính xấp xỉ 29 tỷ đồng và 140,98 ha rừng. So với tháng 4/2021, số vụ cháy tăng 52 vụ, số người chết tăng 10 người, số người bị thương tăng 1 người. So với cùng kỳ năm 2020, số người chết tăng 8 người, số người bị thương tăng 13 người.

Đáng chú ý, 313 vụ cháy và vụ sự cố cháy xảy ra tại khu vực thành thị, chiếm 69,54% tổng số vụ. Trong tháng 5/2021, tình hình cháy trong các khu dân cư, nhà ở kết hợp kinh doanh tiếp tục diễn biến phức tạp.

Về nguyên nhân các vụ cháy, sự cố cháy: Đã điều tra làm rõ 289 vụ, trong đó: Do sự cố hệ thống, thiết bị điện 163 vụ, chiếm 36,2%, gồm 50 vụ cháy và 113 vụ sự cố cháy.

Cũng theo Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ: Để bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy mùa nắng nóng, lực lượng cảnh sát chữa cháy khuyến cáo cá nhân, hộ gia đình không sắp xếp hàng hóa, vật dụng dễ cháy gần nguồn lửa, nguồn nhiệt; cẩn trọng khi đun nấu, thắp hương, đốt vàng mã, sạc các thiết bị điện, điện tử; ngắt các thiết bị điện khi không sử dụng; không tàng trữ chất cháy, nổ; không làm cản trở lối thoát nạn và có lối thoát nạn dự phòng; lắp đặt thiết bị báo cháy; trang bị phương tiện chữa cháy, thoát nạn như: Bình chữa cháy, búa, xà beng, thang dây, dây hạ chậm, mặt nạ phòng độc…; khi có cháy, nổ, sự cố, tai nạn gọi ngay 114.

Hạnh Quỳnh (TTXVN)
Nắng nóng kéo dài đề phòng xảy ra cháy nổ, hỏa hoạn ở khu vực dân cư
Nắng nóng kéo dài đề phòng xảy ra cháy nổ, hỏa hoạn ở khu vực dân cư

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của rìa Đông Nam vùng áp thấp nóng phía Tây kết hợp với hiệu ứng phơn nên ngày 17/6, ở Bắc Bộ và Trung Bộ có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ C, có nơi trên 38 độ C.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN