Dự án 'đội' dự án,người dân mong tái định cư tập trung để giữ tình làng

Bốn dự án lớn đang và sẽ được triển khai trên địa bàn xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) chiếm trọn tổng diện tích toàn xã. Gần 2.300 hộ dân với hơn 8.700 nhân khẩu nơi đây đứng trước nguy cơ phải di dời nhà đất, sống phân tán ...

Đoàn công tác của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi đánh giá mức độ thiệt hại tại khu vực đất sản xuất bị bồi lấp của dân. Ảnh: Phước Ngọc/TTXVN

Lo ngại "dính' dự án

Ông Đỗ Văn Bình- cán bộ địa chính xã Bình Thuận thông tin với phóng viên, trên địa bàn xã có nhiều dự án đăng ký đầu tư gồm: Dự án tuyến đường liên cơ cảng vụ nằm trong phạm vi thôn Tuyết Diêm 1; dự án đầu tư xây dựng các tuyến đường trục trong Khu công nghiệp phía Đông Dung Quất (gọi tắt là tuyến số 6) nằm trong phạm vi thôn Tuyết Diêm 3; dự án di dời các hộ bị ảnh hưởng bởi nhà máy Bio Ethanol tại thôn Đông Lỗ (10 hộ).  Mỗi dự án khi được khởi động gây ảnh hưởng đến hàng chục hộ dân.

Đáng kể nhất là "siêu" Dự án thép Hòa Phát mở rộng sẽ được triển khai tại 2 thôn Đông Lỗ và Thuận Phước vào năm 2019 với gần 200 hộ bị ảnh hưởng. Riêng, đối với Dự án tuyến số 6 kể trên (đang thi công), đã có 7/10 hộ bị ảnh hưởng bốc thăm đất và được bố trí đến phía Tây sông Trà Bồng để tái định cư.

Ông Bình cho biết thêm, giai đoạn 2020- 2030, toàn bộ diện tích đất tự nhiên trên địa bàn xã (gần 1.900ha) sẽ được quy hoạch phục vụ cho các dự án này và không có phương án quy hoạch khu dân cư giữ lại dân nên tương lai, địa giới hành chính Bình Thuận sẽ bị “xóa sổ” và người dân sống phân tán.

Vậy nên, những ngày này, về xã Bình Thuận, nơi đâu cũng nghe người dân bàn tán xôn xao về việc nhà mình “dính” dự án. Ông Phạm Trung Thành, thôn Đông Lỗ bộc bạch, từ ngày nghe các dự án mở rộng triển khai, tôi và các hộ dân rất lo lắng.

Còn bà Lê Thị Din ngày nào cũng ngồi trước nhà, nhìn nhà máy thép Hòa Phát đang xây dựng rầm rộ cách đó không xa mà rầu rĩ. Bà kể, biết bao đời cha ông gắn bó với mảnh đất Đông Lỗ rồi, đâu phải nói đi là đi được. Nhưng dù gì, chủ trương của nhà nước đưa ra, mình vì cái chung mà chấp thuận. Nếu có dời đi, bà con chúng tôi chỉ mong muốn chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ xây dựng khu tái định cư tập trung để giữ lại nếp nhà, tình làng nghĩa xóm. Tận tâm can, không ai muốn làm dân của xã khác đâu.

Ngôi nhà của bà Din cũng đã xuống cấp trầm trọng, nhưng bà vẫn giữ nó để làm chốn an cư, bởi lẽ lỡ đập đi xây lại xong, chính quyền buộc di dời thì phí,...

Chị Nguyễn Thị Khỏe vừa tất bật thu gom số lúa đang phơi ngoài sân vừa chia sẻ mong muốn được tái định cư ngay trên đất Bình Thuận và có ruộng, vườn canh tác, có kế sinh nhai. Nếu người dân phải di dời đi nơi khác nếu không có đất đai canh tác, những người gắn bó với sản xuất nông nghiệp biết sống bằng nghề gì.

Mong mỏi được hỗ trợ xây dựng khu dân cư tập trung

Ông Ngô Văn Vương, Bí thư Đảng ủy xã Bình Thuận cho hay, Đảng ủy xã luôn xác định, việc hiến đất để mở rộng Khu kinh tế Dung Quất là cần thiết nên đã vận động người dân chấp hành tốt chủ trương này. Tuy nhiên, hệ lụy từ các dự án đó cũng không nhỏ, gây chia cắt dân cư, mất đi sự gắn bó gia đình, cộng đồng. Thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân,  xã cũng mong muốn cấp trên nghiên cứu, hỗ trợ xây dựng khu dân cư tập trung cho người dân mang tính chất ổn định, lâu dài...


Ông Đỗ Thiết Khiêm, Phó Bí thư Huyện ủy Bình Sơn thông tin, thực tế hiện nay, một số khu tái định cư trên địa bàn Khu kinh tế Dung Quất đã xuống cấp nặng, không đảm bảo để dân cư sinh sống. Về vấn đề này, huyện đề nghị tỉnh nên có cơ chế hỗ trợ vốn để duy tu, sửa chữa lại toàn bộ các khu tái định cư này.

“Cấp có thẩm quyền cũng nên xây dựng khu tái định cư tại chỗ, không nên di dời người dân từ xã nọ sang xã kia vì người dân sẽ gặp khó khăn rất nhiều trong cuộc sống. Đây là bài học được huyện rút ra từ việc tái định cư  không hiệu quả các hộ dân nằm trong vùng dự án Nhà máy lọc dầu trước đây. Chúng ta cũng cần nghiên cứu phương án xây dựng khu tái định cư theo kiểu khu đô thị mới để người dân được hưởng các phúc lợi xã hội và để dễ dàng hơn cho công tác quản lý của chính quyền địa phương”- ông Khiêm nói.

Điều nghịch lý ở chỗ, năm 2017, Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi đã ra Quyết định số 277/ QĐ- BQL về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu dân cư phục vụ di dời dân xã Bình Thuận (giai đoạn 1). Khu vực nghiên cứu lập quy hoạch thuộc thôn An Cường, xã Bình Hải, với tổng diện tích hơn 60 ha. Tuy nhiên, đến nay, quy hoạch này bị “treo” vì tất cả số đất ấy được trao lại cho nhà đầu tư...

Thiết nghĩ trong quá trình phát triển đi lên công nghiệp hoá, hiện đại hoá, việc triển khai các dự án mới là cần thiết và tất yếu. Tuy nhiên dù kinh tế có phát triển thế nào cũng cần "không để ai bị bỏ lại phía sau", nhất là cuộc sống của chính những người dân đã nhường lại phần nhà đất gắn bó bao đời nay cho việc xây mới các dự án. Vì thế việc đầu tiên các nhà đầu tư và chính quyền các cấp cần làm là lo chỗ tái định cư ổn định và khả thi cho người dân, đồng thời đảm bảo công khai, tránh để tâm lý lo lắng bao phủ vùng quê được chọn làm dự án.

Vĩnh Trọng (TTXVN)
Phê duyệt Khung chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư Dự án đầu tư xây dựng đoạn Cao Bồ - Mai Sơn
Phê duyệt Khung chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư Dự án đầu tư xây dựng đoạn Cao Bồ - Mai Sơn

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Dự án đầu tư xây dựng đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, tỉnh Nam Định và Ninh Bình thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN