Doanh nghiệp muốn tiếp cận người lao động xuất khẩu phải chi 'cái gì gì đó'

Đó là phản ánh của một số doanh nghiệp xuất khẩu lao động tại Hội nghị “Nâng cao chất lượng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài” do Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội (LĐTBXH) tổ chức tại Hà Nội, ngày 8/3.

Lớp đào tạo điều dưỡng, hộ lý đi Nhật. Ảnh: CTV

Ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Xuất khẩu lao động Thanh Hóa cho biết: “Nguồn lao động để đi xuất khẩu lao động không thiếu, nhưng doanh nghiệp gặp phải khó khăn khi tiếp cận nguồn lao động, do phải xin giấy phép con của cấp huyện, xã. Theo quy định, doanh nghiệp được cấp phép thì được tiếp cận với người lao động tại các địa phương, tuy nhiên, như ở Thanh Hóa, trong khi cấp tỉnh tạo điều kiện, thì xuống xuống huyện, xã thì bị hành”.


“Người của công ty chúng tôi từng xuống xã gặp người lao động để ghi nhận nhu cầu muốn xuất khẩu lao động, nhưng bị lực lượng công an xã bắt giữ, phải chạy vạy đủ kiểu mới được thả người. Đúng là “trên rải thảm, dưới rải đinh”, ông Nguyễn Văn Minh cho biết.


Còn ông Đàm Công Bắc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần dịch vụ nhân lực toàn cầu cho biết: “Doanh nghiệp muốn tiếp cận người lao động phải qua huyện, xã; nhưng khi qua các cổng này thì nảy sinh một loạt giấy phép con khống chế về thời gian, số lượng tuyển. Có huyện chỉ cho phép tuyển tại 2-3 xã nhất định, muốn sang tuyển người ở xã khác cũng không được. Hoặc huyện chỉ cấp phép tuyển 6 tháng, nhưng từ lúc đào tạo cho đến lúc xuất cảnh đã vượt thời gian này, do đó muốn tiếp tục lại phải lên xin phép, mà muốn có giấy phép con này phải có cái "gì gì đó" mới được cấp”.


Ông Nguyễn Văn Minh cho rằng, có tình trạng “bảo kê” sân sau của một số doanh nghiệp, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh. Tình trạng này khiến phí bị đẩy lên cao hoặc phát sinh “cò” lao động.


Ông Đàm Công Bắc cho biết: “Tôi đã kiến nghị đến Sở LĐTBXH, nhưng lãnh đạo Sở cho biết để giải quyết giấy phép con này thì thuộc thẩm quyền của lãnh đạo tỉnh”.


Bên cạnh đó, ông Đàm Công Bắc cho biết: “Ngay cả mở trung tâm đào tạo tại địa phương cũng bị chính quyền địa phương đến hành về giấy phép, điều kiện mở trung tâm. Trong khi giấy phép của hoạt động xuất khẩu lao động có ghi rõ điều kiện phải có trung tâm đào tạo”.


Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu: Bộ LĐTBXH xem xét từng kiến nghị cụ thể của doanh nghiệp, nếu vấn đề nào thuộc thẩm quyền của Bộ LĐTBXH thì Bộ có văn bản giải quyết. Vấn đề nào thuộc Chính phủ, Chính phủ sẽ có văn bản chỉ đạo. Như việc mở trung tâm đào tạo nghề tại các doanh nghiệp, nay lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đã do Bộ LĐTBXH quản lý, Bộ cần sớm có văn bản gửi các địa phương để quy định về việc này.


Để giải quyết vấn dề giấy phép con của chính quyền địa phương, Bộ LĐTBXH cần có văn bản thống nhất với địa phương về quá trình xuống tiếp cận tại huyện, xã của doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo.


Xuân Cường
Cảnh báo tình trạng lừa đảo tiền của người xuất khẩu lao động
Cảnh báo tình trạng lừa đảo tiền của người xuất khẩu lao động

Lợi dụng nhu cầu đi xuất khẩu lao động của nhiều người dân ở các tỉnh Bắc miền Trung, thời gian qua các đối tượng cò xuất khẩu lao động đã tung nhiều chiêu trò để lừa đảo. Tại Quảng Bình, hàng chục hộ dân đã bị các đối tượng lừa đảo khiến tiền mất tật mang, gia đình lâm vào cảnh nợ nần, khốn đốn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN