Doanh nghiệp dệt may kiến nghị không tăng lương và bảo hiểm

Ngày 4/10 tại Hà Nội, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) tổ chức Hội thảo "Tác động của các cơ chế chính sách mới trong lĩnh vực lao động tiền lương, bảo hiểm xã hội đến các doanh nghiệp ngành dệt may".

May hàng xuất khẩu sang thị trường Châu Âu tại Garco 10. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam, hội thảo là dịp để các doanh nghiệp trao đổi về tác động của các cơ chế chính sách mới trong lĩnh vực lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội đến ngành dệt may, những kiến nghị, đề xuất những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo Vitas, mức tăng lương tối thiểu vùng 6,5% được Hội đồng Tiền lương Quốc gia chốt vào phiên họp cuối cùng diễn ra đầu tháng 8 và đang trình Chính phủ quyết định. Nếu được thông qua, mức tăng này sẽ được áp dụng từ 1/1/2018.

Tại hội thảo, Vitas đưa ra kiến nghị nên tạm dừng việc tăng lương tối thiểu vùng trong vòng 1-2 năm để doanh nghiệp lấy sức, thay vì tăng liên tục như hiện nay.

Bởi, trong vòng 10 năm qua từ năm (2007-2017), bình quân hàng năm Việt Nam đã tăng lương tối thiểu ở mức 21,8% đối với doanh nghiệp trong nước và tăng 15% đối với doanh nghiệp nước ngoài. Điều này khiến các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, phải loay hoay tìm giải pháp ứng phó như: giảm tiền lương mềm, sử dụng máy móc thay thế người lao động. Đặc biệt, với các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như ngành dệt may, da giày, việc tăng lương đang gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Việc tăng lương tối thiểu liên tục còn làm giảm khả năng cạnh tranh đầu tư, ảnh hưởng đến thị trường lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, doanh nghiệp không có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, dẫn đến người lao động không có việc làm.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Vitas cho rằng, thực tế việc tăng lương tối thiểu vùng chưa chắc đã giúp nâng cao đời sống người lao động do khi lương tăng sẽ kéo theo tăng giá các sản phẩm, dẫn đến tăng chi phí trong đời sống. Hơn nữa, hiện nay trên thị trường lao động cũng mới chỉ có khoảng 9,4 triệu lao động hợp đồng phải áp dụng lương tối thiểu. Phần lớn người lao động ở các khu vực phi chính thức không được kiểm soát về lương, nên việc tăng lương sẽ gây mất công bằng trên thị trường lao động.

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Công ty cổ phần May Hưng Yên, công ty hiện có 15.000 lao động, với mức tăng lương tối thiểu vùng 6,5% trong năm 2018, theo tính toán, chi phí đóng bảo hiểm xã hội tăng theo. Mỗi tháng, doanh nghiệp sẽ mất thêm gần 100.000 đồng cho 1 lao động. Tính ra, mỗi năm, số tiền tăng thêm khoảng 18 tỷ đồng. Trong khi, Tổng Công ty có 14 doanh nghiệp thành viên, nhưng chỉ có 9 doanh nghiệp là làm ăn có lãi, còn 5 doanh nghiệp lỗ, hoặc hoạt động cầm chừng.

"Cứ đà này thì khó mà bám trụ được. Thực tế, có nhiều doanh nghiệp may khác ở Hưng Yên cũng đã phải đóng cửa.", ông Dương bày tỏ.

Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 (May 10), ông Thân Đức Việt cho rằng, việc tăng lương và tăng ở mức 6,5% vẫn là một gánh nặng lớn cho doanh nghiệp. May 10 kiến nghị, không nên tăng lương liên tục như hiện nay mà nên có thời gian "nghỉ" để các doanh nghiệp ổn định sức sản xuất.


Theo Vitas, hiện nay ngành vẫn gặp một số khó khăn kéo dài, hoặc tháo gỡ không được triệt để vì vậy hiệp hội kiến nghị Chính phủ tiếp tục giải quyết. Cụ thể, Chính phủ xem xét đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu để các doanh nghiệp sử dụng vải trong nước sản xuất hàng xuất khẩu không phải nộp thuế giá trị gia tăng nhằm bình đẳng với vải nhập khẩu để gia công xuất khẩu.

Bên cạnh đó, ngừng tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 và xem xét điều chỉnh tỷ lệ đóng bảo hiểm về mức hợp lý để doanh nghiệp có thể tập trung nguồn lực, nâng cao khả năng cạnh tranh, mở rộng sản xuất giải quyết việc làm cho các vùng nông thôn, miền núi.

Hiện nay, Nhà nước đã giảm tỷ lệ đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp về 0,5% (trước là 1%) và đang xem xét giảm 0,5% (hiện 1%) vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho doanh nghiệp và người lao động, song tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội còn cao so với các nước trong khu vực.

Bên cạnh đó, Bộ luật Lao động năm 2012 đang có rất nhiều bất cập gây khó khăn cho doanh nghiệp. Chẳng hạn như quy định về làm thêm giờ, về trợ cấp thôi việc, trợ cấp thất nghiệp, về tiền lương tối thiểu, về an toàn vệ sinh lao động, về kỷ luật lao động.... Vì vậy, Vitas đề nghị cần đẩy nhanh quy trình sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động 2012 để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Hằng Trần (TTXVN)
Từ ngày 15/8, 8 đối tượng được tăng lương hưu, trợ cấp
Từ ngày 15/8, 8 đối tượng được tăng lương hưu, trợ cấp

Từ ngày hôm nay (15/8), 8 nhóm đối tượng sẽ đươc tăng thêm 7,44% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng (so với tháng 6) theo Nghị định 76/2017/NĐ-CP về điều chỉnh mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN