Thời gian qua, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đã chỉ đạo các đơn vị tuyến biển tiếp tục quán triệt nội dung các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch, văn bản hướng dẫn của cấp trên về nhiệm vụ công tác đấu tranh chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Triển khai đồng bộ các biện pháp chống khai thác IUU đối với các đơn vị trong toàn tuyến biển, đảo. Đặc biệt Bộ Tư lệnh đã chỉ đạo tăng cường đợt cao điểm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định nhằm ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Theo thống kê chưa đầy đủ của BĐBP, từ năm 2017 đến nay xảy ra 340 vụ với 579 tàu, 4.738 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý. Riêng từ đầu năm 2021 đến hết tháng 11/2021, ngư dân của ta vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý 35 vụ với 53 tàu, 447 ngư dân. Cụ thể, Malaysia 18 vụ, Indonesia 12 vụ, Thái Lan 5 vụ (giảm 13 vụ, 23 tàu và 64 ngư dân so với cùng kỳ năm 2020).
Tuy nhiên, trên thực tế số lượng tàu cá Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, xử lý vẫn còn diễn biến phức tạp. Tập trung chủ yếu tại một số địa phương như Bình Định, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Trà Vinh, Bạc Liêu, Bến Tre, Sóc Trăng… Đa số các chủ tàu, thuyền trưởng đều vì mục đích lợi ích kinh tế, do khai thác hải sản trên vùng biển Việt Nam hiệu quả không cao (có trường hợp do áp lực trả nợ ngân hàng khi đầu tư phương tiện hành nghề trên biển) nên cố tình đưa tàu cá sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép.
Riêng trong tháng cao điểm (từ ngày 15/10-15/11/2021), số vụ vi phạm giảm hơn so với các tháng trước, chỉ xảy ra 1 vụ với 3 ngư dân, bị lực lượng chức năng Malaysia bắt giữ, xử lý.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Thiện, Phó Tư lệnh BTL BĐBP cho biết: Trong thời gian thực hiện cao điểm, các trường hợp tàu cá Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài đã giảm đáng kể so với thời điểm trước khi thực hiện đợt cao điểm và được giải quyết dứt điểm.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Thiện cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng các tàu cá của ta vi phạm IUU chủ yếu là ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận ngư dân vẫn còn hạn chế. Vì lợi ích kinh tế trước mắt mà cố tình vi phạm để khai thác thủy sản, hải sản và sử dụng nhiều cách thức, thủ đoạn tinh vi để qua mắt lực lượng chức năng, đưa tàu cá sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép. Bên cạnh đó, sự vào cuộc của một số cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị chưa quyết liệt, còn có sự nể nang.
Việc xử lý vi phạm chưa thống nhất giữa các địa phương, nơi thì thực hiện quyết liệt, nơi thì chưa đủ mạnh, chưa đủ sự răn đe. Đã có dấu hiệu xuất hiện các đường dây móc nối đưa tàu cá của ngư dân Việt Nam sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép mà lực lượng chức năng đã điều tra làm rõ, triệt phá.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Thiện cho rằng trong thời gian tới lực lượng BĐBP cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia công tác đấu tranh chống khai thác IUU để thực sự tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của nhân dân. Cần nêu cao vai trò tham mưu của một số đơn vị BĐBP với cấp ủy, chính quyền địa phương tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, xử lý vi phạm để đủ sự răn đe.
Tích cực tuần tra, kiểm soát quản lý tàu cá trên các địa bàn. Làm tốt công tác phối hợp, nhất là quản lý đối với tàu cá thường xuyên di chuyển ngư trường dài ngày trên các địa phương. Các đơn vị BĐBP cần tập trung chú trọng vào kiểm tra, kiểm soát, quản lý tại các cửa sông, cửa lạch, các chốt, trạm cố định. Đặc biệt chú trọng quản lý, kiểm tra, kiểm soát đối với tàu cá neo đậu ở cá bãi ngang, các vùng vịnh; điều tra cơ bản phân loại tàu cá có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài để có biện pháp quản lý, kiểm soát chặt chẽ các phương tiện vi phạm.