Đề xuất nghỉ thai sản 6 tháng

Tăng thời gian nghỉ thai sản cho lao động nữ, không những góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực mà còn đảm bảo lợi ích lâu dài cho nền kinh tế. Nhận định này được nhiều đại biểu nhất trí tại Hội thảo lấy ý kiến về chính sách thai sản 6 tháng trong Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tổ chức sáng qua (19/9) tại Hà Nội.

Cai sữa cho con sớm vì phải đi làm

Hiện nay, ngành y tế và các chuyên gia dinh dưỡng đều khuyến cáo phải thực hiện cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. “Gốc rễ của việc có cho trẻ bú sữa mẹ được hoàn toàn trong 6 tháng đầu hay không, nằm ở quy định thời gian nghỉ chế độ thai sản đối với lao động nữ”, bà Phạm Thị Thanh Hồng, Trưởng ban Nữ công của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khẳng định. Tuy nhiên, với chế độ nghỉ sinh cho lao động nữ là 4 tháng theo quy định hiện hành, chuyện này rất khó thực hiện.

Tháng 8/2011, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Viện Dinh dưỡng Quốc gia tiến hành nghiên cứu về việc nuôi con bằng sữa mẹ đối với 1.500 lao động nữ trong độ tuổi sinh đẻ, đặc biệt là đối tượng nuôi con nhỏ của 59 doanh nghiệp (DN) cả nước. Kết quả cho thấy tỷ lệ các bà mẹ cho con bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu là rất thấp và đặc biệt có 5,5% số lao động nữ cai sữa cho con khi trẻ chưa được 6 tháng tuổi.

Theo dõi sức khỏe thai phụ tại Bệnh viện Phụ sản Quốc tế Sài Gòn (TP.HCM). Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN


“Lý do khiến lao động nữ cai sữa cho con sớm hoặc không cho con bú đầy đủ trong 6 tháng đầu chủ yếu là phải đi làm. Đây là câu trả lời của 41% số lao động nữ được hỏi”, bà Hồng kết luận. Theo bà Hồng, với chế độ nghỉ thai sản 4 tháng, hầu hết các bà mẹ bắt buộc phải đi làm, vì nếu tiếp tục nghỉ, một là sẽ bị mất việc, hai là không có thu nhập. Thậm chí, nhiều chị em công nhân ngành cao su sau khi sinh 3 tháng đã đi làm.

Cũng theo khảo sát này, có gần 90% số lao động nữ được hỏi đều có nguyện vọng nâng thời gian nghỉ thai sản lên 6 tháng. Số còn lại, chị em ủng hộ giữ nguyên chế độ nghỉ 4 tháng nhưng đề xuất hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ và hỗ trợ chế độ xây nhà trẻ tại doanh nghiệp.

Có doanh nghiệp đề nghị nghỉ 7 tháng

Chuyện tăng thời gian nghỉ thai sản đã được trao đi đổi lại nhiều năm nay. Tại hai cuộc hội thảo do Bộ LĐ - TB&XH tổ chức ở cả hai miền Nam Bắc để lấy ý kiến nhiều bên cho nội dung này đều cho thấy: Đa phần doanh nghiệp đồng tình tăng thời gian nghỉ thai sản cho lao động nữ từ 4 tháng hiện nay lên 6 tháng.

Tổng công ty may Hưng Yên có trên 12.000 lao động, 70% là nữ. Góp ý với đề xuất của Bộ LĐ - TB&XH, ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tổng công ty nói: “Hiện nay, sau thời gian nghỉ sinh đúng chế độ, lao động nữ vẫn xin nghỉ thêm”. Theo ông Dương, lý do là: Họ đi làm thì phải, thuê giúp việc 2 - 2,5 triệu đồng/tháng, số tiền quá cao so với thu nhập nên không có cách nào khác, phải nghỉ. “Nếu họ có nhu cầu nghỉ không lương, chúng tôi vẫn giải quyết cho nghỉ” - ông Dương nói. Ông Dương còn phân tích theo quan điểm để phát triển dân tộc, giống nòi thì nên tăng thời gian nghỉ thai sản cho lao động nữ.

Cùng quan điểm với ông Dương là bà Phan Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Công ty Đầu tư gieo trồng, chế biến nông sản tại thành phố Hòa Bình (100% vốn của Nhật Bản), doanh nghiệp sử dụng 95% lao động nữ. Bên cạnh việc đồng tình, bà Hương còn đề xuất: “Nên chăng, trích một phần Quỹ Bảo hiểm xã hội để xây dựng nhiều nhà trẻ công lập, có đầu tư thích đáng cho việc thuê một đội ngũ trông trẻ có chuyên môn. Chứ hiện nay, nếu yêu cầu doanh nghiệp lo xây nhà trẻ cho công nhân nữa thì không thể nào kham nổi, nhất là trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn”.

“Cũng còn có những ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, không phải là doanh nghiệp phản đối mà chẳng qua, họ chưa đồng thuận, chưa thông suốt”, ông Hà Đình Bốn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ - TB&XH) cho biết. Còn đa số ý kiến doanh nghiệp, theo ông Bốn, rất đồng tình với việc này. “Phía Nam, có doanh nghiệp không những đồng tình mà còn cho rằng nên tăng thời gian nghỉ sinh cho lao động nữ lên 7 tháng”, ông Bốn nói.

Theo ông Hà Đình Bốn, việc tăng thời gian nghỉ thai sản cho lao động nữ cũng là vì chính sách ưu việt của chúng ta: Bảo vệ phụ nữ và trẻ em. Điều này cũng vì lợi ích kinh tế. Nếu trẻ không được chăm lo đầy đủ, không được bú sữa mẹ, trẻ phải đi viện thì những đầu tư cho chữa trị ấy tốn kém rất lớn.

Ông Nguyễn Hùng Cường, Phó Trưởng Ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm xã hội Việt Nam): Quỹ Bảo hiểm xã hội vẫn đảm bảo
Quỹ Bảo hiểm xã hội vẫn đảm bảo chi, nếu tăng thời gian nghỉ thai sản. Từ 2007 đến hết năm 2010, còn tồn 7.000 tỷ đồng quỹ ốm đau, thai sản. Nếu giữ nguyên mức hưởng các chế độ và chỉ thay đổi tăng thời gian nghỉ hưởng trợ cấp khi sinh con thì dự tính từ năm 2011 - 2030, tổng chi bằng 92% thu. Như vậy, quỹ dự phòng vẫn còn 8%.

Ông Hà Đình Bốn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ - TB&XH): Không nên “tham bát bỏ mâm”
Trên thế giới, Thụy Điển, Na Uy, nhiều nước phát triển khuyến khích các gia đình sinh con, cho lao động nữ nghỉ sinh hẳn 1 năm. Việt Nam tuy chưa phải là nước phát triển nhưng không thể vì thế mà chúng ta không chăm lo. Có thể trước mắt, lương người mẹ thấp đi, xã hội phải đầu tư hơn, các doanh nghiệp có thể kém phát triển hơn nhưng không thể lấy đây là nguyên nhân chính. Điều quan trọng phải tính đến là chất lượng giống nòi, chất lượng nguồn nhân lực, vì thế hệ tương lai. Để đảm bảo xu thế hiện nay là chăm lo an sinh xã hội, mục đích cuối cùng là phát triển thế hệ trẻ, chúng ta phải hy sinh những cái lợi trước mắt. Tôi nghĩ rằng chúng ta không nên tham bát bỏ mâm, chúng ta phải vì lợi ích lâu dài, lợi ích toàn diện để thông qua chính sách.

Mạnh Minh


Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN