Chiều 28.2, phóng viên đã trao đổi với chuyên gia Nguyễn Lân Hùng về ý tưởng thú vị này.
Xin Giáo sư nói rõ thêm về cách thức lập "trại dưỡng lão" cho rùa hồ Gươm?
Chúng ta cần làm một thùng bằng kim loại rộng khoảng 10m2 và có đáy sâu 2-3m. Bên trong thùng đựng đầy cát khô. Thùng nên để ở giữa hồ, càng xa bờ càng tốt. Ta kê để miệng thùng cao hơn mặt nước khoảng nửa mét và có đường dẫn thoai thoải từ dưới nước lên mặt thùng để rùa có thể bò lên đó.
Phía trên, ta có một cái ô lớn trùm lên toàn bộ khu vực này. Trên nóc ô, có thể đặt hệ thống sưởi để giữ nhiệt độ từ 30-35 độ C, và cũng nên lắp camera theo dõi. Nơi đó vừa kín đáo, yên tĩnh, sạch sẽ và thoáng mát, thế nào rùa cũng bò lên đó và rúc mình xuống dưới cát để nằm. Lúc nào đói, rùa sẽ lại bò xuống nước để đi kiếm ăn.
Vậy dự kiến chi phí cho giải pháp này là bao nhiêu?
Tôi nghĩ, thiết bị này chắc chỉ độ 10-15 triệu đồng thôi.
UBND TP.Hà Nội cũng đã thống nhất với Ban chỉ đạo khẩn cấp bảo vệ rùa hồ Gươm về phương án cứu chữa cho rùa hồ Gươm. Là chuyên gia về vấn đề này, sao ông không trực tiếp nêu ý kiến tại các hội thảo vừa rồi?
Họ có mời tôi dự đâu, chắc họ quên. Nhưng tôi thấy mình có trách nhiệm phải đóng góp ý kiến để Hà Nội giải quyết vấn đề đó một cách nhẹ nhàng, đơn giản, ít tốn kém mà lại hiệu quả hơn. Rất mong thành phố tham khảo thêm ý kiến của chúng tôi. Phương án nào rẻ và hiệu quả hơn thì ta nên làm. Có gì vội vàng đâu, rùa đã sống như vậy mấy trăm năm rồi cơ mà.
Nhưng liệu có phải là điều đáng báo động khi gần đây rùa hồ Gươm ngoi lên mặt nước nhiều lần?
Nên hiểu, rùa ngoi lên mặt nước là chuyện bình thường vì nó thở bằng phổi là chủ yếu. Cũng có thể, nước hồ bị ô nhiễm quá nên việc hấp thụ oxy trong nước qua cơ quan hô hấp phụ của nó bị hạn chế, nên phải ngoi lên để thở. Vấn đề này không quá quan trọng.
Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng trao đổi với phóng viên chiều 28.2 |
Là một chuyên gia sinh học đã có nhiều kinh nghiệm trong việc nuôi ba ba cũng như nhiều loài khác, ông có ý kiến gì đối với việc đưa rùa hồ Gươm lên bờ chữa bệnh?
Rùa là loài bò sát hô hấp bằng phổi là chính. Vì vậy, nếu đưa rùa lên cạn để xem xét và chữa trị thì càng thuận lợi. Nhưng nên lưu ý, năm 1993, ở Hòa Bình cũng đã bắt được một con rùa khổng lồ nặng hơn 1 tạ ở đầm Quỳnh Lâm. Họ đưa lên cạn được một vài hôm thì rùa chết. Hà Nội nên rút kinh nghiệm. Ai biết làm thì hãy nên phát biểu để người điều khiển khỏi bị rối.
Xin cảm ơn ông!
Theo DânViet