Tăng cường tuyên truyền
Có thể thấy, tỷ lệ tội phạm mạng cùng nguy cơ bị tấn công bảo mật đang tăng theo cấp số nhân. Trước tình trạng lừa đảo trên mạng xã hội ngày càng gia tăng, các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho người dân, nhất là phụ nữ và trẻ em nhằm phân biệt những thông tin xấu độc trên không gian mạng.
Trung tâm Tư vấn pháp luật cho người nghèo và Phát triển cộng đồng (Hội Luật gia Việt Nam) đã tổ chức nhiều buổi tập huấn với chủ đề "Nâng cao nhận thức và tư vấn pháp luật về an toàn thông tin mạng, giao dịch điện tử đối với phụ nữ, trẻ em, người nghèo, người dân tộc thiểu số" tại nhiều địa phương trên địa bàn ngoại thành Hà Nội.
Chi hội trưởng Phụ nữ xã Thuần Mỹ, Ba Vì (Hà Nội) Nguyễn Thị Hoa cho biết, Hội Phụ nữ ở cơ sở đã phối hợp với các tổ chức, cơ quan chức năng tuyên truyền cho chị em trong xã nhằm nâng cao nhận thức, cảnh giác với những tin nhắn lạ, có dấu hiệu lừa đảo. “Trong tất cả các cuộc họp, chúng tôi đều tuyên truyền để chị em hiểu, không có chuyện tự nhiên người ta tặng quà, hay đem lợi ích đến cho mình. Lớp tập huấn này giúp đỡ rất nhiều cho chị em trong xã Thuận Mỹ nói chung và thôn 3 nói riêng hiểu sâu, rộng hơn về Luật An ninh mạng, giúp chị em hiểu được việc nào cần thiết, việc nào không cần thiết khi truy cập trên mạng xã hội”, bà Nguyễn Thị Hoa cho biết.
Luật sư Nguyễn Văn Chi (giảng viên tại các buổi tập huấn) cho biết, học viên tham gia lớp tập huấn chủ yếu là phụ nữ ở các vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, người dân tộc thiểu số, nhằm giúp họ có kiến thức pháp luật liên quan đến giao dịch điện tử và an toàn thông tin mạng để tránh trở thành nạn nhân. Những lớp tập huấn đã mang lại hiệu quả rất tốt. Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục có những dự định, phối hợp với các đơn vị liên quan để tiếp tục tổ chức những lớp tương tự nhằm tuyên truyền, nâng cao kiến thức của bà con liên quan đến tội phạm công nghệ cao.
Có thể thấy, những chương trình tư vấn pháp luật miễn phí được triển khai trên toàn quốc đã cho hiệu quả thiết thực. Tại các buổi tập huấn, các luật sư giới thiệu quy trình xây dựng mạng lưới truyền thông, tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho phụ nữ, trẻ em, người nghèo, người dân tộc thiểu số trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng, giao dịch điện tử; những quy định của pháp luật về giao dịch điện tử trong giao dịch dân sự như: Trao đổi thư điện tử, giao kết hợp đồng trên mạng, thảo luận, họp trên không gian mạng… Đây cũng là hành động thiết thực, hiệu quả khi chúng ta xây dựng và thực hiện chiến lược xây dựng công dân số, xã hội số và Chính phủ số.
Nâng cao kỹ năng phòng, tránh các thông tin xấu độc
Theo Luật sư Hà Huy Từ, để phụ nữ được an toàn trên không gian mạng, phải triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, có hiệu quả. Ở khía cạnh các cơ quan quản lý nhà nước, phải tăng cường thông tin truyền thông, phổ biến kiến thức liên quan đến đến an toàn thông tin mạng, an ninh mạng, giao dịch điện tử và phải tăng cường việc phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm an toàn thông tin mạng; các hành vi lợi dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi phạm tội. Căn cứ vào tính chất, mức độ, các yếu tố lỗi, các yếu tố khách quan, chủ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc có thể xử lý, truy cứu trách nhiệm hình sự.
Các cơ quan, tổ chức cần giáo dục, phổ biến kiến thức cho người lao động, cán bộ, công nhân viên, các hội viên những kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng phòng tránh các thông tin xấu độc trên mạng xã hội, để biết cách sàng lọc, khai thác những thông tin tốt, có lợi cho học tập và làm việc. Bản thân người dân nói chung cũng như phụ nữ và trẻ em nói riêng cần phải nâng cao cảnh giác đối với các thủ đoạn mới, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vụ khống, làm nhục người khác trên mạng xã hội.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới. Sự phát triển của ngành công nghệ thông tin chính là “chìa khóa” cho sự thay đổi, đóng góp vào sự lớn mạnh của đất nước. Nhưng để có thể khai thác tối đa hiệu quả, hạn chế thấp nhất rủi ro, đảm bảo an toàn khi hoạt động trên không gian mạng, người dân nói chung, phụ nữ và trẻ em nói riêng cần có kiến thức, kỹ năng cơ bản để tránh trở thành nạn nhân của tội phạm trên không gian mạng.
Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cho biết, theo một báo cáo của Ngân hàng Thế giới vào năm 2023, những lời nói mang tính xúc phạm, những hình ảnh mang tính phỉ báng thị nhằm chủ yếu là phụ nữ, nhiều hơn là vào nam giới. Theo bà Nguyễn Thị Minh Hương, đến nay mới có khoảng 3% số nước trên thế giới có những quy định chống xâm hại trên không gian mạng. Nếu phụ nữ không biết tự bảo vệ mình sẽ rất rủi ro khi bị xâm hại trên không gian mạng, không chỉ chuyện lừa đảo mà kể cả xâm phạm về đời tư, cung cấp những thông tin làm giả hình ảnh của mình, đóng phim khiêu dâm.
Những trường hợp như vậy, bản thân phụ nữ và trẻ em gái cần phải nắm được thông tin và hiểu được kiến thức, cách thức để có thể tự bảo vệ mình. Chính vì vậy, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tăng cường các hoạt động tập huấn, cung cấp kiến thức, kỹ năng cho hội viên phụ nữ. Chủ đề công tác năm 2024 là “ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội” nhằm hỗ trợ cho phụ nữ, hội viên ứng dụng công nghệ thông tin một cách an toàn, để có thể tham gia vào xã hội số. Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức các hoạt động để chia sẻ, giao lưu và hướng dẫn trực tiếp giúp cho phụ nữ tham gia vào các nền tảng số, cũng như các dịch vụ công hiện nay đang ở mức độ an toàn và bảo mật nhất…