Lượng mưa chỉ tính trong 2 giờ (từ 14 - 16 giờ) ngày 8/9 tại một số nơi cao như Hồ Nước Ron ở Quảng Nam là 87,4 mm, Dinh Hòn Ba ở Khánh Hòa là 70 mm, Xã EaTrang tại Đắk Lắk là 51,6 mm, Xã Bok Toi ở Bình Định là 35,6 mm, Đắk Ngô tại Đắk Nông là 16,8 mm.
Tối 8/9, các khu vực trên tiếp tục có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 30-60 mm, có nơi trên 60 mm.
Lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ có nguy cơ xảy ra trên khu vực các tỉnh Nam Trung Bộ, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng và Bình Phước. Nguy cơ cao tại huyện Bắc Trà My, Nam Trà My (Quảng Nam); Ba Tơ (Quảng Ngãi); Hoài Ân (Bình Định); Khánh Sơn, Khánh Vĩnh (Khánh Hòa); Thuận Bắc (Ninh Thuận); MĐrak, Krông Bông (Đắk Lắk); Tuy Đức, Đăk Rlấp (Đắk Nông); Đức Trọng, Lạc Dương (Lâm Đồng); Bù Đăng (Bình Phước).
Theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, lũ quét thường xảy ra bất ngờ tại các sông, suối khu vực miền núi. Lũ lên nhanh và cũng xuống nhanh, có sức tàn phá lớn, thường đi kèm với sạt lở đất, đá. Người dân cũng cần cảnh giác trước các dấu hiệu xuất hiện lũ quét như mưa lớn nhiều ngày ở vùng thượng lưu, nước sông hoặc suối chuyển màu đục, có tiếng động bất thường của đất đá hoặc âm thanh lạ trong lòng đất... Khi thấy các dấu hiệu trên, người dân cần nhanh chóng di chuyển khỏi khu vực có thể xảy ra lũ quét để đến nơi có vị trí cao hơn, sẵn sàng sơ tán theo hướng dẫn của chính quyền địa phương, đảm bảo an toàn tính mạng.
Các chuyên gia khuyến cáo, với việc mưa kéo dài nhiều ngày, nước đã ngấm no trong đất, rất dễ xảy ra các hiện tượng sạt lở, đá rơi trên các tuyến giao thông. Vì vậy, người và phương tiện tham gia giao thông cần hết sức cảnh giác, quan sát kỹ các hiện tượng biến động lạ về địa chất, cây cối trên đường khi di chuyển.