“Hướng tới sự công bằng cho mọi lứa tuổi” - với chủ đề của Ngày Quốc tế người cao tuổi năm nay (1/10), Liên hợp quốc (LHQ) không chỉ muốn nâng cao nhận thức về các vấn đề ảnh hưởng đến người cao tuổi, mà còn muốn xã hội có hành động thiết thực để những người thuộc thế hệ 60+ sẽ không bị bỏ lại phía sau trong bối cảnh tốc độ già hóa dân số thế giới diễn ra nhanh chóng.
Già hóa dân số là một trong những xu hướng và đặc điểm quan trọng nhất của thế kỷ XXI. Ước tính, trên toàn cầu cứ 9 người thì có 1 người từ 60 tuổi trở lên. Dự báo năm 2050, tỉ lệ này sẽ tăng lên cứ 5 người thì có 1. Đến năm 2030, số người ở độ tuổi 60 trở lên sẽ cao hơn so với người ở độ tuổi từ 15-24 và ước tính tới năm 2050, người cao tuổi sẽ chiếm 20% dẫn số thế giới (khoảng 2,1 tỷ người).
Đặc biệt, ở các nước đang phát triển, tốc độ gia tăng người cao tuổi nhanh nhất. Riêng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tỷ lệ sinh giảm nhanh chóng, trong khi tuổi thọ tăng là yếu tố khiến số người cao tuổi tăng nhanh. Theo ước tính, hiện số người từ 65 tuổi trở lên chiếm 8,7% dân số khu vực này, tăng từ 6,1% năm 2000, và đến năm 2050 dự báo lên tới 18,4%.
Trong bối cảnh công nghệ thông tin đang phát triển, thế giới liên tục biến động, tình trạng bất bình đẳng kinh tế và bất bình đẳng ở người cao tuổi đang là vấn đề cản trở sự đi lên của toàn cầu. Lần đầu tiên trong lịch sử, tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra tại Osaka, Nhật Bản tháng 6 vừa qua, các thành viên đã thừa nhận già hóa dân số đang trở thành mối đe dọa toàn cầu. Không chỉ vậy, tình trạng già hóa dân số nhanh chóng, sự thay đổi về cấu trúc xã hội và nhân khẩu học cũng tạo ra thách thức, có thể làm gia tăng sự bất bình đẳng ở người cao tuổi, dẫn đến kinh tế thụt lùi và sự rạn nứt trong xã hội.
Một thống kê của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố năm 2018 cho biết trên thế giới hiện có khoảng 68% số người trong độ tuổi hưu trí được nhận trợ cấp hưu trí hoặc lương hưu. Tính trung bình trên toàn cầu, chi tiêu cho trợ cấp hưu trí và các loại hình phúc lợi khác cho người cao tuổi chiếm gần 7% GDP, trong đó có sự chênh lệch khá lớn giữa các khu vực. Tuy nhiên, mức trợ cấp này còn khá thấp, chưa đủ để người cao tuổi thoát nghèo.
Ở Mỹ, có tới 29% số người trên 55 tuổi không có tiền tiết kiệm hoặc lương hưu. Tại những nước mà chi tiêu công cho trợ cấp hưu trí thấp, như ở Canada, tỷ lệ nghèo đói ở người cao tuổi tăng. Trong số các thành viên Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Hàn Quốc là nước có tốc độ già hóa nhanh nhất, với tỉ lệ người nghèo trong độ 66-75 cao nhất, tới 42,7%, tỉ lệ này ở người trên 75 tuổi lên tới 60,2%. Vấn đề bất bình đẳng đối với người cao tuổi còn liên quan tới lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, tiếp cận mạng lưới an ninh xã hội, bảo đảm hòa nhập xã hội ..., chưa kể tình trạng người cao tuổi bị lạm dụng, bóc lột.
Trước thực trạng này, Quỹ Dân số LHQ (UNFPA) đã có những hoạt động cụ thể để nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề già hóa dân số, khai thác những cơ hội, đồng thời giải quyết những thách thức đặt ra, trước hết là hỗ trợ các nước trong việc đề ra các chính sách, kế hoạch và đảm bảo rằng vấn đề già hóa dân số được lồng ghép vào các chương trình phát triển quốc gia và chiến lược xóa đói giảm nghèo.
Malaysia là một trong những nước đầu tiên ở châu Á-Thái Bình Dương có chính sách riêng cho người cao tuổi với Luật người cao tuổi năm 1983, trước đó là Luật nhà ở cho người cao tuổi năm 1978. Chương trình hỗ trợ xã hội cho người cao tuổi với mức trợ cấp ổn định được triển khai kèm theo nhiều chính sách như giảm 50% vé máy bay và vé đường sắt, giảm thuế thu nhập cho con cháu khi những người chi tiêu y tế trên 5.000 RM cho cha mẹ cao tuổi...
Là một trong những quốc gia phát triển đối mặt với thách thức của vấn đề già hóa dân số, ước tính cứ 1 trong số 3 người dân sẽ ở độ tuổi 65 vào năm 2025, tại Nhật Bản, chi phí an sinh xã hội, trong đó phần lớn dành cho người cao tuổi, chiếm tới 1/3 ngân sách đã chi của chính phủ trong tài khóa vừa kết thúc tháng 3 vừa qua. Chính phủ Nhật Bản cũng chủ trương khuyến khích các công ty bảo đảm công việc cho người lao động tới 70 tuổi bằng việc đưa ra các hình thức như tiếp tục thuê lao động sau khi tới tuổi nghỉ hưu, hỗ trợ người lao động tìm công việc mới tại các công ty khác, hỗ trợ tài chính cho các hợp đồng thuê việc tự do và hỗ trợ doanh nghiệp....
Dự báo trong hai thập niên tới, số người trên 80 tuổi ở Thụy Điển sẽ tăng khoảng 500.000 - 800.000 người. Chính phủ Thụy Điển đã tận dụng sự phát triển của khoa học công nghệ vào chính sách cải thiện chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, như sử dụng các loại thuốc sinh học hiện đại, cung cấp các thiết bị chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Ngoài ra, Thụy Điển còn thực hiện chính sách nhập cư mở cửa, qua đó khuyến khích những người ở độ tuổi lao động đến nước này làm việc, giúp Chính phủ Thụy Điển giải quyết việc thiếu ngân sách để vận hành quỹ chăm sóc sức khỏe và trợ cấp người cao tuổi, đồng thời giải quyết khủng hoảng tài chính ở lĩnh vực dịch vụ cho người cao tuổi. Thêm vào đó, khuyến khích việc nghỉ hưu muộn để duy trì một cộng đồng lao động to lớn cũng là một giải pháp đáng chú ý.
Có thể thấy, thúc đẩy và xây dựng một xã hội công bằng cho người cao tuổi chính là nền tảng cho một xã hội phồn vinh cho mọi lứa tuổi. Đảm bảo thu nhập, đảm bảo quyền tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế có chất lượng, tạo môi trường thể chất thân thiện với người cao tuổi thông qua việc phát triển và ứng dụng các công nghệ tiên tiến cho phép "già hóa" một cách năng động..., để người cao tuổi vẫn là những thành viên tích cực đóng góp trong xã hội... đang được các nước hướng tới, từ đó biến thách thức của vấn đề già hóa dân số thành cơ hội.