Đẩy nhanh tiến độ lập bản đồ cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các tỉnh miền núi

Ngày 21/5, tại thành phố Lào Cai, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Lào Cai tổ chức Hội nghị chuyển giao kết quả Bộ sản phẩm thực hiện năm 2016-2017 của Đề án "Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam" cho các tỉnh miền núi phía Bắc.

Phìn Ngan, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, là xã có nguy cơ trượt lở đất đá cao trong khu vực miền núi Việt Nam. Ảnh: Hương Thu/TTXVN

Đề án nhằm điều tra về trượt lở đất đá trên diện rộng ở tỷ lệ lớn, phân vùng cảnh báo nguy cơ, giúp Chính phủ, các địa phương nắm bắt về trượt lở đất đá, có định hướng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, có giải pháp phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại về tính mạng và tài sản cho nhân dân.

Trong khuôn khổ thực hiện Đề án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam”, đến nay, các đơn vị chức năng đã hoàn thành bộ Bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá tỷ lệ 1:50.000 khu vực miền núi thuộc 17 tỉnh, Bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá cho 10 tỉnh. 

Các bản đồ này đã xác định, khoanh định được các điểm, vùng nguy hiểm, tiềm ẩn các nguy cơ trượt lở đất đá có thể ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, giao thông, dân cư và kế hoạch phát triển kinh tế của địa phương, đặc biệt là ảnh hưởng đến an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân. Các kết quả này là những dữ liệu quan trọng phục vụ công tác phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại do trượt lở đất đá gây ra trong mùa mưa bão tại các vùng miền núi Việt Nam.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản tiến hành rà soát, xác định các khu vực trọng điểm để điều tra, cập nhật bổ sung thông tin chi tiết tỷ lệ 1:10.000 và năm 2017 đã tiến hành cho khu vực 20 xã trọng điểm thuộc 4 tỉnh Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai và Yên Bái.

Tại hội nghị, ông Trần Quý Kiên, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thành lập các bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các tỉnh miền núi; trong đó tập trung vào các khu vực có nguy cơ cao, có dân cư sinh sống và đang là khu vực trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, đơn vị chủ trì phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị cảnh báo, dự báo thiên tai như: Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, các địa phương để chuyển tải nhanh các thông tin liên quan đến trượt lở đất đá, góp phần nâng cao hiệu quả cảnh báo thiên tai.

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu toàn cầu. Các hiện tượng thời tiết bất thường, trong đó có mưa lớn kéo dài xảy ra ngày càng nhiều, cùng với các hoạt động nhân sinh như phá rừng, khai khoáng, xây dựng các công trình giao thông, nhà cửa… thúc đẩy các quá trình tai biến địa chất, đặc biệt là hiện tượng trượt lở đất đá phát triển mạnh với quy mô ngày càng lớn, mức độ thiệt hại ngày càng tăng, đe dọa đến an sinh cộng đồng.

Mùa mưa bão năm 2017, các thảm họa do trượt lở đất, lũ quét xảy ra đặc biệt nghiêm trọng tại các tỉnh Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình cùng một số địa phương khác, gây nhiều thiệt hại về tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Hương Thu (TTXVN)
Ứng dụng công nghệ, xây dựng bản đồ cảnh báo trượt lở đất đá ở miền núi
Ứng dụng công nghệ, xây dựng bản đồ cảnh báo trượt lở đất đá ở miền núi

Đề án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam”, là đề án đầu tiên xây dựng được một hệ thống bản đồ trực tuyến từ các phần mềm mã nguồn mở.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN