Đẩy mạnh chuyển đổi số giải quyết về an toàn giao thông

Ngày 26/12, tại Hà Nội, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức hội thảo về chuyển đổi số trong công tác an toàn giao thông.

”Chuyển đổi số trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông là cả một quá trình thay đổi công nghệ, thủ tục quy trình và khái niệm trong quản lý tổ chức xã hội”, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (UBATGTQG) phát biểu tại hội thảo.

Vừa qua, chuyển đổi số trong cả nước ngày càng được đẩy mạnh và có bước đi thực chất như ngành công an đã triển khai nền tảng cơ sở dữ liệu dân cư. Bên cạnh đó, còn có các hoạt động liên quan đến Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số…

Về vấn đề thu thập, xử lý số liệu liên quan đến bảo đảm an toàn giao thông, ông Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng UBATGTQG cho biết, thực tế đòi hỏi cần có một hệ dữ liệu về an toàn giao thông cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác nhằm hỗ trợ đắc lực cho quá trình ra các quyết định quản lý về an toàn giao thông trên phạm vi toàn quốc, các cấp từ Trung ương đến địa phương.

Về định hướng chuyển đổi số của ngành giao thông vận tải, ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (Bộ Giao thông vận tải) cho biết, hiện có tình trạng công tác quản lý dữ liệu phương tiện rời rạc từ đăng kiểm, đăng ký xe, xử phạt,… do đó, cần định danh lại và ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý phương tiện.

Chú thích ảnh
Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách UBATGTQG trao đổi tại hội nghị .

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã hoàn thành số hoá, định danh dữ liệu quản lý 1.570 phương tiện hàng hải; 235.000 phương tiện thuỷ nội địa; 4.616.908 phương tiện đường bộ (xe ô tô); 5.823 phương tiện đường sắt; 264 phương tiện hàng không.

Cùng với đó, thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu cho Bộ Công an khi đăng ký xe trực tuyến; Tổng cục thuế khi thực hiện thu thuế điện tử; 16/63 tỉnh thành phố về số liệu cấp phép; chia sẻ cho các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai...trong thực hiện cửa khẩu số giúp thông quan hàng hóa…

Với người điều khiển phương tiện, đang thực hiện quản lý từ khâu đào tạo sát hạch lái xe, cấp phép bằng lái xe. Hiện Bộ đang kết nối với cơ sở dữ liệu về khám sức khỏe lái xe (Bộ Y tế), xử phạt vi phạm (Bộ Công an) nên thời gian tới việc cấp đổi lái xe rất thuận tiện bởi theo thống kê mỗi năm có khoảng 2 triệu bằng lái xe cấp, đổi.

Chú thích ảnh
Thiếu tá Vương Ngọc Bắc, Phó trưởng phòng Tham mưu Cục CSGT (Bộ Công an) trao đổi tại hội nghị.

Tại hội thảo, đại diện Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), Bộ Công an cũng cho biết, thời gian qua, Cục CSGT đã tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào các mặt công tác nghiệp vụ của lực lượng CSGT, đặc biệt là việc đưa các dịch vụ công lên cổng dịch vụ công quốc gia, triển khai các hệ thống camera giám sát trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên các tuyến cao tốc và quốc lộ.

Hiện nay, Cục CSGT đã có các hệ cơ sở dữ liệu như: xử lý vi phạm, đăng ký xe, tai nạn giao thông và giám sát, xử lý vi phạm TTATGT bằng hình ảnh.

Theo đại diện Cục CSGT, chuyển đổi số trong công tác bảo đảm TTATGT đã giúp cho người dân giảm thời gian, chi phí đi lại khi làm thủ tục, không phải chờ đợi, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về TTATGT.

Lê Phú/Báo Tin Tức
Nhìn lại năm 2022: Tiên phong thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số 
Nhìn lại năm 2022: Tiên phong thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số 

Cùng với xu thế phát triển của các quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển kinh tế số, xem đây là bước "đột phá" trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN