Đâu là nguyên nhân khiến việc giải ngân tiền hỗ trợ lao động thuê nhà trọ còn chậm?

Ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho biết: Tiền hỗ trợ lao động thuê nhà trọ đã về các địa phương từ trung tuần tháng 7. Giờ là trách nhiệm các tỉnh, thành hoàn tất các thủ tục sớm giải ngân cho người lao động.

Chú thích ảnh
Một khu nhà trọ của công nhân làm việc tại khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội). Ảnh: HQ.

Về vấn đề chậm giải ngân, trao đổi với báo chí chiều ngày 11/8, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết, một số địa phương, đơn cử như ở TP Hồ Chí Minh, yêu cầu xác nhận chỗ trọ có đúng chủ nhà từ cấp chính quyền địa phương; trong khi Quyết định 08 không có quy định này. Nhiều nơi khác cũng thêm thủ tục, nên việc phê duyệt bị chậm. Việc nộp hồ sơ chậm nhất theo quy định là ngày 15/8, nhưng giải ngân có thể lùi một vài hôm.

Theo báo cáo của Cục Việc làm, đến ngày 11/8, số hồ sơ UBND cấp huyện đã tiếp nhận là 56.351 doanh nghiệp, với 2.844.944 lao động, kinh phí đề nghị hỗ trợ hơn 1.883,8 tỷ đồng (tương đương với 29,03 % so với số kinh phí dự kiến của địa phương).

Số hồ sơ đã được thẩm định, có quyết định phê duyệt danh sách và số tiền hỗ trợ  là 29.399 doanh nghiệp, với1.927.252 lao động, kinh phí hơn 1.233,8 tỷ đồng (tương đương với 65,5 % so với số kinh phí đề nghị)

Số hồ sơ đã được giải ngân là 16.436 doanh nghiệp với 1.004.472 lao động, kinh phí hơn 728,5 tỷ đồng (đạt 11,23% so với dự kiến).

Tính đến thời điểm hiện tại, có 56/63 tỉnh, thành phố thực hiện giải ngân cho người lao động. Tuy nhiên, có 4 địa phương đã có đối tượng đề nghị và quyết định phê duyệt nhưng chưa thực hiện giải ngân: Hà Giang, Bắc Kạn, Sơn La, Phú Yên.

Các địa phương đã phê duyệt kinh phí và giải ngân hỗ trợ nhiều người lao động nhất hiện nay là: Bình Dương phê duyệt 503,5 tỷ, giải ngân 84,8 tỷ đạt 6,15% so với dự kiến; Đồng Nai phê duyệt 218,7 tỷ , giải ngân 174,7 tỷ đạt 24,27%; TP Hồ Chí Minh - phê duyệt 181,2 tỷ giải ngân 126,8 tỷ đạt 7,13%; Bắc Giang phê duyệt 81,9 tỷ giải ngân 54,4 tỷ, đạt 39,42%; Long An - phê duyệt 79,9 tỷ giải ngân 21,9 tỷ, đạt 6,03%; Hà Nội phê duyệt 48 tỷ,- giải ngân 47,5 tỷ, đạt 12,32% so với dự kiến

Ngoài 4 địa phương chưa có thực hiện giải ngân nêu trên thì còn một số tỉnh, thành phố đã giải ngân nhưng tiến độ rất chậm như: An Giang giải ngân 72,5 triệu chiếm 0,08% so với dự kiến; Hải Phòng giải ngân 232 triệu đồng chiếm 0,2% so với dự kiến; Kiên Giang giải ngân 253 triệu chiếm 0,23% so với dự kiến.; Bình Định giải ngân 319,5 triệu chiếm 0,47%. Còn rất nhiều tỉnh tỉ lệ giải ngân trên dưới 1% như: Quảng Ngãi, Nghệ An, Vĩnh Long, Thanh Hoá….

Đặc biệt, một số địa phương có số lượng dự kiến đối tượng rất lớn nhưng việc giải ngân vẫn đang rất thấp như: Kiên Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Long An…

Clip ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm thông tin về tiến độ giải ngân tiền hỗ trợ lao động thuê nhà trọ:

Theo ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH), các tỉnh, thành phố sớm ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chính sách, tổ chức hội nghị hướng dẫn, đôn đốc các doanh nghiệp lập hồ sơ hỗ trợ người lao động, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố.

Ông Vũ Trọng Bình nhấn mạnh: Hơn 1 tuần từ khi có chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ và nêu rõ các địa phương làm tốt và chưa tốt cụ thể trong họp Chính phủ thì tình hình chuyển biến rất nhanh. Từ tỉ lệ giải ngân hơn 5% lên khoảng gần 30%. Đây là tín hiệu rất tốt, chứng tỏ nguyên nhân cơ bản của việc giải ngân chậm là nhận thức và chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các địa phương. Khi Thủ tướng chủ đạo các địa phương vào cuộc quyết liệt, toàn bộ hệ thống chính trị, đặc biệt các địa phương có lãnh đạo tỉnh, chủ tịch UBND cấp tỉnh quan tâm và tổ chức tốt, nhất là chính sách đúng theo Quyết định 08, bố trí nhân lực thực hiện thì tỉ lệ giải ngân rất cao.

"Đến nay, tuy đã đạt được những kết quả nhất định, song kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động còn chậm, số lượng hồ sơ tiếp nhận, tiến độ phê duyệt, giải ngân thấp. Việc triển khai chậm, tỉ lệ thấp được Cục Việc làm lý giải do một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức, tinh thần trách nhiệm chưa cao; chưa quyết liệt trong việc triển khai chính sách; việc ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện chính sách còn chậm; công tác thông tin, tuyên truyền chưa đầy đủ, kịp thời", ông Vũ Trọng Bình cho biết thêm.

Cùng với đó, trình tự, thủ tục thực hiện đã được đơn giản hóa nhưng trong thực hiện tại một số địa phương, người sử dụng lao động yêu cầu người lao động cung cấp các giấy tờ bổ sung để chứng minh về tình trạng ở thuê, ở trọ như hợp đồng thuê nhà, giấy đăng ký kinh doanh của chủ nhà trọ, giấy đăng ký tạm trú,…; kéo dài thời gian thẩm định hồ sơ để xác minh tình trạng cư trú của người lao động.

Người sử dụng lao động lập và gửi hồ sơ đề nghị muộn do muốn gộp 3 tháng vào làm thủ tục 1 lần, nên đến tháng 7/2022 hầu hết người sử dụng lao động mới tiến hành các thủ tục đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; Người sử dụng lao động sợ bị thanh, kiểm tra, liên đới trách nhiệm nên không thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn và lập danh sách đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.

Một số người lao động e ngại khi lập đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà sẽ gặp khó khăn trong việc cư trú vì liên quan đến việc đăng ký tạm vắng, tạm trú. Nhiều cán bộ, công chức tiếp nhận, thẩm định hồ sơ cấp huyện còn lúng túng, chưa nắm vững chuyên môn trong việc hướng dẫn doanh nghiệp, có tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ trách nhiệm trong việc triển khai chính sách.

Việc bố trí, sử dụng kinh phí để triển khai thực hiện chính sách chậm nên kinh phí hỗ trợ không kịp thời đến được với người lao động.

Ngoài ra, tỉ lệ người nộp hồ sơ, tỷ lệ giải ngân thấp là do số tỷ lệ được tính trên số rà soát, dự kiến nhu cầu của các địa phương tại thời điểm tháng 5/2022 trong khi đến thời điểm hiện nay sau khi thực hiện rà soát lại thì số đối tượng được hỗ trợ và nhu cầu kinh phí giảm đi nhiều, ví dụ như Đồng Nai (giảm 285 tỷ đồng (39,58%), Hà Tĩnh, ĐăkNông, Hải Dương…

XM/Báo Tin tức
Công đoàn Hà Nội đã chuyển 175 hồ sơ khởi kiện nợ BHXH sang Toà án
Công đoàn Hà Nội đã chuyển 175 hồ sơ khởi kiện nợ BHXH sang Toà án

Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng, tính đến nay, tổ chức Công đoàn Hà Nội đã nhận được 592 hồ sơ doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH), với số tiền nợ 475,6 tỷ đồng và có 175 hồ sơ Công đoàn khởi kiện đã được chuyển sang Tòa án nhân dân cùng cấp thụ lý.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN