Đất nước vào xuân

* Ngày 15/2 (tức mùng 6 Tết Quý Tỵ), tất cả các đơn vị trong Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đã đồng loạt ra quân sản xuất và trồng cây đầu Xuân.


 

Ngư dân cửa biển Sa Huỳnh, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) ra quân đánh bắt hải sản đầu năm. Ảnh: Thanh Long - TTXVN

 

Ông Phạm Văn Mật, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn, kiêm Giám đốc Trung tâm Điều hành sản xuất tại Quảng Ninh: Ngày đầu ra quân sản xuất đầu xuân toàn Tập đoàn đặt mục tiêu sản xuất 100.000 tấn than, tiêu thụ 120.000 tấn, đào 800 m lò, bóc xúc 500.000 m3 đất đá. Các công tác chuẩn bị, củng cố, thông gió, thoát nước được quan tâm để phục vụ tốt nhất cho sản xuất đảm bảo an toàn, năng suất, hiệu quả.


Cũng trong ngày đầu xuân ra quân sản xuất, các đơn vị trong Vinacomin đã tổ chức trồng 30.000 cây xanh.


Theo kế hoạch, năm 2013, Vinacomin phấn đấu sản xuất và tiêu thụ 43 triệu tấn than, tăng 3,8 triệu tấn so với năm 2012, trong đó tiêu thụ nội địa 27 triệu tấn, tăng 2,2 triệu tấn so với năm 2012.


* Những ngày đầu năm mới, tại Nhà máy Đạm Cà Mau thuộc Cụm công nghiệp khí-điện-đạm Cà Mau. Gần 300 cán bộ kỹ sư, công nhân nhà máy luân phiên trực ca 24/24 giờ, vừa vui Xuân, đón Tết, vừa đảm bảo tuyệt đối an toàn quy trình kỹ thuật vận hành sản xuất.


Tết Quý Tỵ 2013, gần một nửa cán bộ, kỹ sư và công nhân Nhà máy Đạm Cà Mau không về quê ăn Tết, tự nguyện ở lại nhà máy vừa đón Tết, vừa trực ca, để duy trì ổn định hoạt động sản xuất theo đúng kế hoạch. Ngày mùng 1 Tết, ban lãnh đạo cùng hàng trăm kỹ sư, công nhân nhà máy đón nhận niềm vui lớn, với mẻ phân đạm đầu tiên ra lò suôn sẻ, đạt mốc sản lượng 2.400 tấn urê/ngày.


Trong những ngày Tết, tất cả đội ngũ kỹ sư, công nhân đều nhiệt tình, hăng hái làm việc với tinh thần trách nhiệm cao. Kỹ sư Nguyễn Thanh Tùng - Trưởng ban Quản lý Vận hành sản xuất Nhà máy Đạm Cà Mau phấn khởi: Anh em chúng tôi đón Tết tại nhà máy thật vui tươi, đầm ấm, nhưng vẫn đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ ca trực cả ngày và đêm. Các ca trực tuân thủ tốt vấn đề an toàn trong sản xuất, phòng cháy chữa cháy, kiểm soát chặt chẽ từng công đoạn sản xuất, không để xảy ra sự cố làm ảnh hưởng đến hoạt động của nhà máy.


Ngày 15/2, tại công trình trọng điểm Quốc gia Cụm công nghiệp khí - điện - đạm Cà Mau, Nhà máy Đạm Cà Mau đã xuất bán lô hàng đầu tiên ra thị trường, mở đầu cho hoạt động kinh doanh vào ngày đầu xuân. Dự kiến trong hai tháng đầu năm nay, nhà máy Đạm Cà Mau phấn đấu duy trì ổn định tiến độ sản xuất để thu được sản lượng 130.000 tấn urê hạt đục, góp phần bình ổn thị trường phân bón trong nước, phục vụ vụ mùa sản xuất hè-thu của nông dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long.


* Trong những ngày Tết này, khi mọi người dân và các gia đình đang đoàn tụ để đón Tết, thì anh em công nhân của công trình cầu đường bộ Đồng Nai (TP Biên Hòa, Đồng Nai) đang tất bật trên công trường.


Ông Bùi Văn Liêm, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Tổng công ty Công trình đường sắt, đơn vị thi công phần đúc hẫng cầu Đồng Nai (từ bờ phía phường Bửu Hòa qua cù lao Hiệp Hòa) cho biết: Cán bộ, công nhân ăn Tết tại công trường chỉ được nghỉ ngơi trong ngày mùng 1 Tết ngay tại công trường. Đúng 7 giờ sáng mùng 2 Tết, cán bộ, công nhân công trường lại vào ca như ngày thường trong tất cả những ngày Tết còn lại. Theo ông Liêm, để anh em an tâm làm việc, công ty tạo điều kiện miễn phí vé xe lửa và bố trí nơi ăn ở riêng biệt cho cán bộ, công nhân có gia đình muốn đưa vợ con vào cùng ăn Tết.


Được biết, hầu hết những cán bộ, công nhân đang thi công cầu đều quê ở miền Trung nhưng anh em đều chấp nhận ăn Tết xa nhà để bảo đảm tiến độ xây cầu. Theo kỹ sư Nguyễn Bình Phương, phụ trách kỹ thuật, quê ở TP Huế, cuối buổi làm việc anh em công nhân cùng ăn uống, quây quần bên nhau nên cũng đỡ buồn. Tổ trưởng kỹ thuật Trần Văn Đạo quê ở Diễn Châu, tỉnh Nghệ An cho biết, anh được đơn vị tạo điều kiện cho vợ và 2 con ở quê vào Biên Hòa cùng ăn Tết ở công trường nên cũng yên tâm.


Giám đốc Liêm cho biết thêm, cán bộ, công nhân phải làm việc 3 ca liên tục mỗi ngày để bảo đảm việc đổ bê tông nhịp cầu đúng yêu cầu kỹ thuật. Mỗi lần đúc được chiều dài 3 mét, sau 3 ngày bê tông đặc biệt đã đông cứng đạt cường độ 90% và khuôn đúc phải được trượt ra để đúc nối tiếp nhịp cầu.


Ông Nguyễn Vũ Thành, Giám đốc Ban quản lý Dự án đường sắt khu vực 3, đơn vị chủ đầu tư công trình cho biết: Hiện nay các nhà thầu đang tập trung cao độ nhân lực, máy móc thiết bị thi công tổ chức làm việc 3 ca liên tục để đẩy nhanh tiến độ, thi công đồng thời phải đảm bảo an toàn lao động.


Hiện dự án đã hoàn thành khoảng 80% khối lượng công trình và với tốc độ thi công gấp rút của các nhà thầu như hiện nay, dự kiến cuối tháng 3 sẽ thông xe kỹ thuật và đến ngày 30/4, công trình cầu đường bộ Đồng Nai sẽ được khánh thành.


* Tại Nghệ An, trong các ngày 13 và 14/2 (tức mùng 4 và mùng 5 Tết) có nhiều đơn vị ra quân sản xuất đầu năm.


Tại Cảng Cửa Lò, từ ngày mùng 4 Tết đến chiều mùng 5 Tết, hàng chục công nhân làm việc với tinh thần khẩn trương, sôi nổi bốc, đón hàng từ các tàu đến ăn hàng tại cảng; khí thế làm việc không khác gì những ngày thường.


Trong ngày mùng 5 Tết, Nhà máy phân bón Sao Vàng (thuộc Tổng công ty vật tư nông nghiệp Nghệ An) huy động trên 100 công nhân làm việc liên tục các ca từ 7 giờ đến 17 giờ, với mục tiêu đề ra mỗi ngày sản xuất khoảng 200 tấn phân bón, kịp cung cấp cho thị trường phân bón đang rất cần cho sản xuất vụ xuân năm 2013.
Trên công trình thủy điện Hủa Na (huyện Quế Phong) và Nhà máy thủy điện Bản Vẽ (huyện Tương Dương), công nhân làm việc liên tục để kịp tiến độ trong thi công và sản xuất, cung cấp điện cho lưới điện Quốc gia.


Chiều mùng 5 Tết, tranh thủ thời tiết hết mưa phùn, bớt lạnh hơn những ngày trước, nông dân một số địa phương trong tỉnh Nghệ An cũng đã ra đồng sản xuất. Trên cánh đồng ở xóm 3 và 4, xã Nghi Trung (huyện Nghi Lộc) có hàng chục hộ nông dân gác lại việc vui Tết để ra đồng làm cỏ lạc, cỏ lúa và xuống giống cây trồng vụ xuân.


* Ngày 14/2 (tức mùng 5 Tết), tất cả 9 nhà thầu thi công dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ18 (đoạn Uông Bí - Hạ Long, Quảng Ninh) đã đồng loạt ra quân triển khai thi công. Đây là dự án theo cam kết của chủ đầu tư là Công ty cổ phần BOT Đại Dương sẽ hoàn thành trong năm 2013.


Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn TP Uông Bí - TP Hạ Long có chiều dài khoảng 30 km, quy mô dự án là đường cấp III đồng bằng, 4 làn xe, tốc độ thiết kế 80km/h, nền đường rộng 20,5 m. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.317 tỷ đồng. Dự án hoàn thành sẽ góp phần cải thiện giao thông đi lại giữa khu du lịch quốc tế vịnh Hạ Long với các địa phương lân cận như Hải Phòng, Hà Nội...


Sau khi ra quân, tranh thủ thời tiết thuận lợi, các nhà thầu thi công xây lắp phần đường tập trung vào phần việc thi công đào đắp hữu cơ, đào đắp nền đường để phấn đấu đến trước ngày 30/4, cơ bản hoàn thành thi công nền đường; đến cuối tháng 10/2013 xong phần móng cấp phối đá dăm. Các nhà thầu thi công 3 gói thầu về cầu trên tuyến tập trung thi công khoan cọc nhồi; mố, trụ và đúc dầm..., phấn đầu hoàn thành các dự án vào cuối năm 2013.


* Ngày 15/2, gần 5.000 công nhân của Tổng Công ty Cổ phần Dệt may Nam Định (tỉnh Nam Định) đã làm lễ mở máy đầu Xuân trong không khí thi đua sôi nổi, phấn đấu hoàn thành vượt kế hoạch đề ra ngay từ những ngày đầu năm mới.


Trong năm 2013, Tổng Công ty Cổ phần Dệt may Nam Định sẽ thực hiện dự án di dời xưởng sản xuất từ nội thành thành phố Nam Định ra Khu công nghiệp Hòa Xá (thuộc địa bàn phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định) với tổng mức đầu tư trên 100 tỷ đồng; đầu tư dây chuyền sản xuất sợi với số vốn trên 14 tỷ đồng và dây chuyền may gần 28 tỷ đồng. Tổng Công ty Cổ phần Dệt may Nam Định đang phấn đấu đạt tổng doanh thu trên 1.200 tỷ đồng trong năm 2013.


* Sáng 17/2 (tức mùng 8 Tết), tại Đền thờ cá Ông, xã An Hải, Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã tổ chức lễ ra quân đánh bắt hải sản đầu năm 2013. Năm nay, Nghiệp đoàn phấn đấu đánh bắt từ 18.000 đến 20.000 tấn hải sản các loại, đạt tổng doanh thu trên 170 tỷ đồng.


Ngay sau lễ tế các vị thần linh phù hộ cho ngư dân quanh năm mạnh khỏe, trời yên biển lặng, tôm cá đầy khoang và sau hồi trống lệnh của lãnh đạo địa phương và của vạn chài, hàng chục tàu cá Nghiệp đoàn nghề cá An Hải với đầy đủ ngư cụ, nhiên liệu..., đồng loạt rẽ sóng ra khơi, bắt đầu mùa biển mới.


Ngư dân Lê Khởi, thuyền trưởng tàu cá QNg 96697 TS, ở thôn Tây, xã An Hải, chuyên tham gia khai thác hải sản tại ngư trường Hoàng Sa mong ước: Trong mùa biển mới 2013 này, chúng tôi chỉ cầu mong được trời yên biển lặng, thuận buồm xuôi gió, tàu về tôm cá đầy khoang, vừa làm giàu cho gia đình và đất nước, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thân yêu.


* Ngày mùng 6 tết Quý Tỵ, ngư dân tỉnh Phú Yên bắt đầu ra quân câu cá ngừ đại dương. Đến trưa cùng ngày đã có 37 tàu của ngư dân thành phố Tuy Hòa xuất bến đầu năm tại bến cá phường 6. Các tàu đều chuẩn bị đủ nhiên liệu, lương thực, thực phẩm đảm bảo cho một chuyến hành nghề trên biển khoảng một tháng với chi phí từ 140 triệu đến trên 200 triệu đồng.


Trong dịp Tết, Trạm kiểm soát biên phòng Đà Rằng thuộc Đồn biên phòng Tuy Hòa đã làm thủ tục xuất bến cho 44 phương tiện với 437 lao động ra khơi. Theo thông lệ, đến ngày 12 Tết Quý Tỵ (tức ngày 21/2), tất cả tàu cá của ngư dân Phú Yên sẽ ra khơi.


* Lễ phát động Tết trồng cây xuân Quý Tỵ 2013 được thành phố Hải Phòng đồng loạt tổ chức vào sáng 18/2 (tức mồng 9 Tết Quý Tỵ).


Tết trồng cây Đời đời nhớ ơn Bác Hồ đã trở thành phong trào sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân Hải Phòng từ nhiều năm qua, góp phần mang lại màu xanh, bảo vệ các công trình hạ tầng cơ sở, bảo vệ đất đai, phòng hộ sản xuất nông nghiệp, tạo ra các sản phẩm hàng hóa cho xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái bền vững cho thành phố.


Theo kế hoạch, các địa phương, đơn vị phải lựa chọn và bố trí vị trí trồng phù hợp đảm bảo tỷ lệ cây sống tốt; từng cây trồng, từng khu vực trồng phải có người chịu trách nhiệm quản lý bảo vệ cụ thể, gắn với công tác phòng chống cháy rừng mùa hanh khô.


Sau lễ phát động Tết trồng cây xuân Quý Tỵ 2013, các địa phương tiếp tục thực hiện kế hoạch trồng cây phân tán năm 2013 theo Đề án phát triển trồng cây lâm nghiệp phân tán trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2012 - 2020 đã được UBND thành phố phê duyệt.


* Ngày 15/2, tất cả 6/6 huyện, thành phố của tỉnh Hà Nam đã đồng loạt phát động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ, mừng Đảng, mừng xuân Quý Tỵ 2013 với mục tiêu trồng hơn 300.000 cây các loại, bao gồm: cây bóng mát được trồng trên các đường phố, trường học, bệnh viện, công sở; cây ăn quả trồng tại vườn của các hộ gia đình, khu chuyển dịch kinh tế.


Để đảm bảo tỷ lệ cây sống cao, UBND tỉnh Hà Nam yêu cầu các địa phương trong tỉnh phải chọn giống cây phù hợp, có chất lượng; tổ chức trồng cây theo quy hoạch nhằm nâng cao thu nhập, tạo cảnh quan xanh, sạch đẹp, bảo vệ môi trường; đồng thời giao chỉ tiêu trồng cây xanh cụ thể cho từng xã, phường, thị trấn. Các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về mục đích, ý nghĩa của Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ, động viên các cấp, các ngành và nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng và bảo vệ rừng để quê hương ngày càng xanh, sạch và đẹp hơn. 

 

Những năm qua, phong trào trồng cây vào dịp đầu xuân đã được phát động mạnh mẽ ở tất cả các địa phương và được nhân dân nhiệt tình tham gia. Việc trồng cây ở các khu công nghiệp, các khu đô thị, các công sở được các đơn vị tổ chức thực hiện nghiêm túc, ý thức bảo vệ và chăm sóc cây cũng được nâng lên.


* Bắt đầu từ ngày 16 và 17 tháng 2 (tức ngày 7 và 8 tháng Giêng), các địa phương trong tỉnh Lào Cai như huyện Bảo Thắng, Bắc Hà đã phát động Tết trồng cây. Ngay sau ngày phát động 2 địa phương này đã trồng trên 400 ha cây các loại.


Theo ông Lê Quang Minh, Chủ tịch UBND huyện Bảo Thắng, năm 2013, huyện sẽ phủ xanh 1.600 ha diện tích đất trống, trong đó tập trung phát triển mạnh diện tích cây cao su và rừng phòng hộ, rừng cảnh quan. Huyện Bắc Hà trồng 200 ha cây công nghiệp và rừng kinh tế, cây ăn quả các loại. Các huyện Mường Khương, Văn Bàn, Bát Xát, Sa Pa tập trung trồng cây phòng hộ đầu nguồn, rừng kinh tế như cây cao su, chè, cây ăn quả. Thành phố Lào Cai tập trung trồng cây cảnh quan bóng mát dọc trên các tuyến phố và cây ăn quả ở các xã ven đô.


Năm 2013, Lào Cai xây dựng kế hoạch trồng 6.750 ha cây các loại, bao gồm cây công nghiệp, cây cảnh quan, cây ăn quả và trồng cây gây rừng, nâng độ che phủ rừng toàn tỉnh lên 60%. Riêng dịp đầu năm, thực hiện Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ, mừng Đảng, mừng Xuân Quý Tỵ 2013, trên 70% diện tích nằm trong kế hoạch sẽ được trồng tại các địa phương.

 

Nhóm PV

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN