Thời gian nghỉ Tết Nguyên đán bắt đầu từ ngày 29 tháng Chạp (ngày 8/2/2024) nhưng theo tập quán, người dân thường có nhu cầu về quê sum họp gia đình trong dịp Tết sớm hơn so với ngày nghỉ theo quy định. Dự báo lượng hành khách sẽ bắt đầu tăng từ ngày 23 - 28 tháng Chạp (từ ngày 2 - 7/2/2024).
TP Hồ Chí Minh có 5 bến xe liên tỉnh, lượng khách đi lại tập trung nhiều nhất ở Bến xe miền Tây, Bến xe miền Đông, Bến xe miền Đông mới. Tổng Công ty Cơ khí Giao thông vận tải Sài Gòn (Samco) cho biết, số liệu phục vụ bình quân dịp Tết Nguyên đán các năm trước, có gần 1 triệu lượt hành khách xuất bến tại các bến xe trên địa bàn. Trong đó, sản lượng phục vụ hành khách trong 10 ngày trước Tết đạt hơn 600.000 lượt hành khách; ngày phục vụ đông nhất ước có hơn 80.000 lượt hành khách thông qua các bến xe.
Năm nay, lượng khách qua các bến xe dự kiến tăng hơn cùng kỳ năm ngoái. Dự báo trong 20 ngày phục vụ Tết Nguyên đán 2024, Bến xe miền Đông mới (thành phố Thủ Đức) đón 106.000 lượt khách, với 6.490 lượt xe qua bến, tăng khoảng 18% lượt xe và 20% lượt khách so với Tết năm trước. Bến xe miền Đông (quận Bình Thạnh) có khoảng 181.000 khách với 9.510 xe xuất bến. Trong khi đó, Bến xe miền Tây (quận Bình Tân) có khoảng 30.590 xe và 782.560 hành khách qua bến.
"Samco và các đơn vị vận tải quyết tâm sẵn sàng phục vụ hành khách trong mọi thời điểm, đảm bảo hành khách được phục vụ chu đáo, an toàn; phấn đấu không để bất kỳ người dân nào không thể về được do thiếu phương tiện vận chuyển", đại diện Tổng Công ty Samco cho biết.
Dự báo của Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh cho thấy, dịp Tết Nguyên đán 2024, các bến xe bình quân mỗi ngày có 71.946 hành khách với 3.030 chuyến xe qua bến. Phà Cát Lái bình quân phục vụ 197 chuyến phà/ngày với 54.000 lượt hành khách/ngày. Tại ga Sài Gòn, sản lượng khách qua ga bình quân khoảng 4.600 hành khách/ngày.
Ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ (Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh) cho biết, thành phố đảm bảo đủ xe phục vụ hành khách, khi cần cũng có thể huy động xe hợp đồng để cung ứng kịp thời. Đến nay có 32/52 đơn vị đề xuất tăng giá vé dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Riêng, tuyến đi Tây Ninh và tuyến miền Tây tăng không quá 40%; trong khi các tuyến đi miền Trung trở ra tăng khoảng 60%.
Đến thời điểm hiện tại, chỉ có Bến xe miền Đông hiện hữu (quận Bình Thạnh) đã bán được khoảng 80% vé Tết, còn lại các bến xe khác mới bán được chưa tới 50% vé theo kế hoạch. Do đó, các bến xe còn khá nhiều vé phục vụ hành khách đi lại dịp Tết.
Tuy nhiên, ông Đỗ Ngọc Hải cũng nhìn nhận, một số tuyến từ TP Hồ Chí Minh về miền Trung như Phú Yên, Khánh Hòa… thì trong giai đoạn 23 - 29 tháng Chạp (ngày 2 - 9/2/2024) đang thiếu vé xe giường nằm. Nguyên nhân là các nhà xe đầu tư xe giường nằm số lượng ít hơn, do đó quay vòng không kịp. Dù vậy, hành khách có thể yên tâm bởi vé xe ghế ngồi các tuyến này vẫn còn rất nhiều.
Trong khi đó, theo kế hoạch ban đầu, ngành đường sắt cung ứng khoảng hơn 200.000 chỗ, với 390 chuyến tàu phục vụ hành khách Tết Nguyên đán 2024. Gần đây, ngành đường sắt đã có các đợt bổ sung vé, với khoảng 14.000 vé cho các chặng có nhu cầu đi lại tăng cao, nhất là khu vực đi về các tỉnh miền Trung.
Tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, giai đoạn phục vụ cao điểm Tết Nguyên Đán Giáp Thìn 2024 (từ ngày 26/1 đến 24/2/2024), dự kiến mỗi ngày sân bay có khoảng 860 - 900 chuyến bay đi và đến, lượng khách trung bình khoảng 135.000 - 140.000 hành khách/ngày.
Ông Đỗ Ngọc Hải chia sẻ, theo thông tin mới nhất thì lượng hành khách qua sân bay Tân Sơn Nhất ngày cao điểm có thể tăng cao, từ 140.000 - 150.000 hành khách/ngày. Sở đã có hai cuộc họp với các đơn vị vận tải (taxi, xe hợp đồng) phục vụ sân bay Tân Sơn Nhất để đảm bảo phương tiện cho hành khách. Sân bay cũng đã cung cấp cho các đơn vị vận tải các slot bay, giờ bay để phối hợp, bố trí phương tiện tốt nhất.