Đến ngày 19/12, Đắk Lắk có 1.040 ha cây trồng bị ngập, trong đó có 644 ha lúa nước, 211 ha cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả và hàng trăm ha hoa màu; hàng nghìn gia súc, gia cầm bị cuốn trôi theo dòng nước lũ. Toàn tỉnh cũng có gần 100 ngôi nhà bị ngập nước sâu gần nửa mét, 215 hộ dân bị nước lũ cô lập, 7 điểm trường mẫu giáo tại huyện M’Drắk bị ngập nước phải cho học sinh nghỉ học.
Người dân huyện Krông Ana (Đắk Lắk) cắt lúa tận thu. Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Mưa lớn làm sạt lở, hư hỏng chia cắt hàng chục km đường giao thông nông thôn tại các huyện: Ea Kar, M’Drắk, gây ách tắc giao thông cục bộ. Hầu hết các công trình thủy lợi tại các huyện Ea Kar, M’Drắk, Krông Pắk đã quá tràn từ 0,5 đến 1,0m; trong đó có 2 công trình thủy lợi là đập đội 36, xã Ea Mlây (M’Drắk) và đập C19 xã Ea Riêng (Krông Pắk) bị xói lở tràn xả lũ, nguy cơ mất an toàn khi mưa lớn tiếp tục diễn ra.
Ghi nhận của phóng viên tại xã Ea Păl, huyện Ea Kar, toàn xã có 532 ha cây trồng (chủ yếu cà phê, hồ tiêu, ngô lai) bị nước lũ gây thiệt hại. Hàng chục ngôi nhà của các hộ dân tại các thôn 8, 13, 5, 6c, 4, 12 bị ngập sâu trong nước lũ. UBND xã Ea Păl đã huy động người dân gia cố các cầu tạm, đường giao thông bị hư hỏng để người dân lưu thông an toàn.
Tại huyện M’Drắk, chính quyền địa phương đã chủ động di dời 31 hộ dân vùng có nguy cơ bị sạt lở, ngập lụt đến nơi an toàn.
Ông Mai Trọng Dũng, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk cho biết: Để ứng phó với diễn biến phức tạp của thời tiết, ngành nông nghiệp của tỉnh đã kịp thời kiểm tra đôn đốc các địa phương tổ chức trực ban 24/24h, huy động lực lượng sẵn sàng tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn theo phương châm 4 tại chỗ; giám sát chặt chẽ công tác điều tiết nước tại các công trình thủy lợi, vận động người dân tại các vùng có nguy cơ bị sạt lở, ngập lụt đưa tài sản đến nơi an toàn, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ gây ra.