Nhằm chia sẻ với những khó khăn của tầng lớp lao động thu nhập thấp, trong đó có công nhân, các địa phương, đoàn thể đã triển khai nhiều chương trình giúp họ ổn định cuộc sống.
Nhà trọ không tăng giá
Hiện nay, TP Hồ Chí Minh có khoảng 168.000 lao động nhập cư (chiếm 65% tổng số lao động đang làm việc tại các KCN- KCX). Để giúp người lao động nhập cư ổn định cuộc sống, UBND TP Hồ Chí Minh đã đưa ra nhiều biện pháp tập trung chăm lo, cải thiện đời sống cho công nhân, người lao động nhập cư.
Để tiết kiệm chi tiêu, nhiều gia đình công nhân thường chọn những sản phẩm có giá rất rẻ. |
Đơn cử như, các cấp công đoàn thuộc Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh đã tích cực phối hợp với các ngành chức năng vận động 59.071/65.400 chủ nhà trọ đăng kí không tăng giá thuê phòng đến cuối năm 2012, góp phần giúp đỡ 1.100.406 người lao động. Đồng thời, vận động 1.637 cơ sở trẻ tư thục, nhóm gia đình không tăng giá giữ trẻ cho 166.954 người lao động. Hỗ trợ tiền nhà ở từ 100.000 - 300.000 đồng/tháng và các khoản như phụ cấp xăng xe góp phần hỗ trợ cho 308.315 lao động có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống...
Nhà trọ không tăng giá là sáng kiến của Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh. Đến nay, sau hai năm phát động, phong trào lan rộng. Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện nay, Hải Phòng, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương cũng đã triển khai chương trình này.
Theo ông Nguyễn Tấn Định, Phó Trưởng Ban quản lý các KCN-KCX TP Hồ Chí Minh, TP là nơi tập trung nhiều lao động nhập cư, vì vậy nhu cầu về nhà ở, chỗ lưu trú, chỗ gửi trẻ là rất lớn. Đời sống của công nhân lao động còn nhiều khó khăn do giá cả tăng cao cho nên việc xây dựng nhà lưu trú, nhà trẻ chính là biện pháp hỗ trợ công nhân thiết thực, giúp họ yên tâm lao động sản xuất, đồng thời giúp doanh nghiệp ổn định lao động, góp phần thu hút đầu tư vào KCN-KCX, từ đó đẩy mạnh phát triển công nghiệp.
Do đó, thành phố đã có 7 dự án nhà lưu trú công nhân được đưa vào sử dụng đáp ứng khoảng 6.058 chỗ ở, 9 khu lưu trú và căn hộ cho công nhân đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện, đáp ứng khoảng 12.000 chỗ ở...
Quan tâm đến bữa ăn cho công nhân
Các địa phương có các KCN, KCX cũng có nhiều hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động. Công đoàn nhiều địa phương (TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Hà Nội) đã đứng ra thương lượng, đàm phán với chủ sử dụng lao động để đưa vào Thỏa ước lao động tập thể những điều khoản đảm bảo cho cuộc sống người lao động tốt hơn, như: Các khoản phụ cấp, trợ cấp đi lại và cải thiện bữa ăn giữa ca cho lao động sao cho bữa ăn có chất lượng, bảo đảm sức khỏe. Tùy theo khả năng thương lượng của công đoàn, nhiều doanh nghiệp đã tăng mức chi cho bữa ăn giữa ca, từ 10.000 đồng lên 12.000 đồng/suất, có nơi tăng lên 15.000 đồng/suất. Một số doanh nghiệp còn quan tâm đến bữa ăn sáng của người lao động, như: Công ty cổ phần đầu tư Thương mại thủy sản (KCN Tân Tạo, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) tổ chức nấu bữa sáng cho công nhân với 12.000 đồng/suất; Công ty cổ phần in số 7 thuộc Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn phát tiền cho công nhân ăn sáng cũng với giá trị 12.000 đồng/suất.
Là một địa phương có lượng lao động nhập cư cao nhất cả nước, thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã có nhiều nỗ lực trong việc hỗ trợ người lao động hội nhập, ổn định cuộc sống. “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động các đơn vị, doanh nghiệp tập trung hỗ trợ người lao động nhập cư, cụ thể là vận động cải thiện bữa ăn giữa ca, tăng lương và tăng trợ cấp… để người lao động an tâm làm việc và khi người lao động ổn định cuộc sống, việc làm thì doanh nghiệp mới ổn định sản xuất, kinh doanh”, bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh khẳng định.
Đưa hàng bình ổn giá đến lao động nghèo
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các công đoàn cơ sở đã có nhiều hoạt động nhằm san sẻ với những khó khăn trong đời sống của người lao động nghèo. Cụ thể, công đoàn nhiều địa phương có các KCN tập trung như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hà Nội, Hải Phòng tổ chức các siêu thị bán hàng cho công nhân với giá gốc, liên hệ với các trang trại cung cấp thực phẩm trực tiếp cho công nhân, giảm được giá so với các chợ. Công đoàn còn liên hệ với các đơn vị bán hàng bình ổn giá để đưa hàng bình ổn giá tới các siêu thị trong các KCN bán trực tiếp cho công nhân.
Trong tháng 9, các mặt hàng thiết yếu như gạo, đường, sữa, dầu ăn, mì ăn liền… sẽ được đưa đến bán trực tiếp cho công nhân lao động nhập cư với giá ưu đãi thông qua 6 phiên chợ. Những phiên chợ này diễn ra tại KCN Tân Thới Hiệp, KCN Vĩnh Lộc, tại địa bàn quận 8 và quận Tân Bình, Ký túc xá Đại học Nông lâm và ĐH Công Nghiệp TP Hồ Chí Minh với quy mô từ 50 - 60 gian hàng. Thành phố Hồ Chí Minh còn huy động 25 doanh nghiệp tham gia bán hàng lưu động phục vụ công nhân và người tiêu dùng vùng sâu vùng xa, để giảm bớt khó khăn cho người lao động có thu nhập thấp tại các khu vực ven, ngoại thành, KCN-KCX…
Riêng TP Hồ Chí Minh, nơi tập trung nhiều KCN, KCX nhất cả nước, bên cạnh các biện pháp quan tâm về điều kiện nhà ở cho công nhân, thành phố đang chỉ đạo các tổ công tác kiểm soát thị trường tăng cường kiểm soát giá cả trên địa bàn để ngăn ngừa tình trạng đầu cơ tăng giá bất hợp lý cũng như hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng và đẩy mạnh bán hàng khuyến mãi tới tay người lao động.
Mạnh Minh - Hoàng Tuyết