87,1% số người nghiện ma túy trong nước là tội phạm ma túy
Theo đánh giá của Chính phủ về tình hình sử dụng trái phép chất ma túy tại Việt Nam, cả nước có 129 điểm và 11 tụ điểm phức tạp về ma túy; 2.315 cơ sở kinh doanh có điều kiện và dịch vụ nhạy cảm về an ninh trật tự tiểm ẩn nguy cơ hoạt động của tội phạm và tệ nạn ma túy.
Đến ngày 14/2/2024, toàn quốc có 223.715 người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy và người bị quản lý sau cai nghiện ma túy (chiếm 0,23% dân số cả nước). Số người sử dụng ma túy tổng hợp ngày càng tăng, chủ yếu tập trung ở lứa tuổi lao động.
Đáng chú ý, theo thống kê của Bộ Công an, từ khi triển khai Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 đến nay, số người sử dụng trái phép chất ma túy vi phạm pháp luật bị phát hiện, xử lý vi phạm hành chính là 23.044 người (chiếm 58,4% trên tổng số người sử dụng trái phép chất ma túy); phạm tội là 5.770 người (chiếm 14,6% trên tổng số người sử dụng trái phép chất ma túy). Trong đó, phạm tội về ma túy là 5.061 người (chiếm 87,7%).
“Không thể phủ nhận rằng nhiều năm qua, Thủ đô Hà Nội đã xoá bỏ được hàng loạt tụ điểm tiêm chích ma tuý, bắt giữ hàng loạt đối tượng buôn bán, vận chuyển… nhưng trước diễn biến phức tạp của tội phạm, số người đi cai nghiện tự nguyện tại các Trung tâm gia tăng rõ rệt; mức tăng theo từng năm. Thực tế này cho thấy, bằng nhiều cách thức khác nhau, ma tuý vẫn đang âm thầm len lỏi vào đời sáng hàng ngày”, nhiều cử tri ở cơ sở chia sẻ.
Bà Bùi Lan Hương (Tổ dân phố số 2, phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, số người nghiện ma tuý thực tế cao hơn nhiều so với con số thống kê. Đáng chú ý tội phạm và tệ nạn ma túy đang ngày càng xâm nhập sâu vào học đường, với nhiều loại ma tuý mới được pha trộn vào đồ ăn, thức uống...
Do đó, việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 là hoàn toàn cần thiết; nhưng cần phải đặc biệt quan tâm đến việc tuyên truyền, giáo dục cho lứa tuổi học sinh, sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường về tác hại của ma tuý. Bởi đây là đối tượng được “thụ động”, dễ bị lôi kéo, rủ rê; dễ tìm đến các chất kích thích có hại cho sức khoẻ bản thân và cộng đồng...
Đảm bảo hiệu quả nguồn kinh phí thực hiện Chương trình
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp và cho ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030, với tổng nguồn vốn trên 22.450 tỷ đồng.
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030. Chương trình thực hiện trên phạm vi cả nước, gồm 11 nhóm mục tiêu cụ thể và 20 nhóm chỉ tiêu chủ yếu cần đạt được đến năm 2030; bảo đảm toàn diện, xuyên suốt trên cả 3 lĩnh vực: giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại của ma túy.
Trước những diễn biến của tội phạm ma túy và những hậu quả của hiểm họa khôn lường liên quan đến sức khỏe nhân dân, an ninh quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí về sự cần thiết của chương trình, cơ bản thống nhất với dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8.
Liên quan đến nguồn kinh phí cho Chương trình trọng điểm này, cử tri Đặng Văn Khánh (52 tuổi, trú tại phường Mộ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội) cho rằng, nhìn vấn đề ở góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, số vốn đề xuất dự chi cho chương trình mục tiêu quốc gia còn hạn chế, nhưng ở góc độ cử tri, đề nghị Chính phủ và Quốc hội cân nhắc, tính toán kỹ để sử dụng ngân sách hợp lý, đảm bảo đem lại hiệu quả rõ rệt.
Nhiều cử tri tại phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy); phường Đồng Tâm (quận Hai Bà Trưng) và phường Trúc Bạch (quận Ba Đình) bày tỏ sự quan tâm đến Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 đã có sự thay đổi về bảng lương và phụ cấp cho cán bộ làm việc tại các Cơ sở cai nghiện ma túy công lập hay chưa? Vì thực tế, chế độ lương thưởng cho người lao động tại các đơn vị đặc thù đang thấp, trong khi môi trường lại nhiều nguy hiểm như việc dễ bị hành hung, nguy cơ phơi hiễm HIV...
Từ đó cử tri ở các địa phương cho rằng, Chính phủ và Quốc hội cần có sự điều chỉnh sớm về luật để kinh phí trên đã bao gồm chế độ xứng đáng cho cán bộ cơ sở làm việc tại môi trường đặc thù này. Bày tỏ sự ủng hộ và nhất trí cao về Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030, ông Cao Thanh Sơn (cử tri tại phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, cần giành sự ưu tiên về cơ chế, về luật cho những cán bộ, chiến sĩ tham gia mặt trận đấu tranh phòng, chống tội phạm ma tuý...