Ngày 27/8 được công nhận là Ngày Tem Việt Nam |
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông (TTTT) Trương Minh Tuấn, cách đây 70 năm, nhân kỷ niệm một năm ngày Cách mạng tháng Tám thành công 19/8 và ngày Quốc khánh 2/9, ngày 27/8/1946, thừa uỷ quyền Chủ tịch Chính phủ, quyền Chủ tịch Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Huỳnh Thúc Kháng đã ký Sắc lệnh số 172 cho phép Nha Bưu điện Việt Nam in và phát hành bộ tem đầu tiên của nước Việt Nam độc lập.
Bộ tem gồm 5 mẫu thể hiện chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người có vinh dự được vẽ mẫu tem đầu tiên này là cố họa sĩ Nguyễn Sáng, lúc này mới 23 tuổi, quê ở Mỹ Tho, Tiền Giang. Họa sĩ đã tập trung tài trí vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, đúng yêu cầu tem thư: chi tiết, đặc trưng và chính xác cao, đúng chất đồ hoạ, phù hợp với điều kiện in khó khăn, thiếu thốn của những ngày đầu dựng nước. Đây là lần đầu tiên chiếc tem của nước ta mang hai chữ “Việt Nam” cùng với vị lãnh tụ vĩ đại đã sáng lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Vì vậy, những chiếc tem thư này càng có ý nghĩa về nhiều mặt: kinh tế, chính trị, văn hóa, nghệ thuật…đánh dấu một mốc lớn đối với ngành Bưu điện nói riêng và đối với đất nước nói chung.
Với ý nghĩa lịch sử, giá trị tinh thần, bộ tem bưu chính cách mạng đầu tiên của Việt Nam và ngày 27/8/1946 được coi là ngày mở đầu cho dòng tem bưu chính Cách mạng Việt Nam. Trải qua 70 năm kể từ ngày ra đời, tem bưu chính Cách mạng Việt Nam, ngoài chức năng là phương tiện thanh toán cước phí trên mạng lưới bưu chính, là đối tượng tìm kiếm của người sưu tập tem, còn là công cụ tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần vào công cuộc đấu tranh giải phóng đất nước và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
“Với 1.072 bộ tem gồm 3.672 mẫu tem được phát hành, tem bưu chính Việt Nam đã làm tốt sứ mệnh và vai trò lịch sử của mình, đồng thời vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế”, ông Trương Minh Tuấn cho biết.
Ngày Tem Việt Nam được tổ chức nhằm khẳng định vai trò lịch sử của tem bưu chính Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng, đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời tôn vinh giá trị, tầm quan trọng và ý nghĩa của con tem trong đời sống xã hội.
Ngày Tem Việt Nam cũng sẽ góp phần vào việc giáo dục truyền thống cách mạng, nâng cao dân trí, ý thức chính trị, xã hội đối với thanh, thiếu nhi, hướng thế hệ trẻ vào sở thích lành mạnh, sáng tạo, bổ ích. Đây cũng là dịp để tri ân các thế hệ thiết kế, sản xuất, phát hành tem; khuyến khích việc sử dụng và quảng bá tem bưu chính Việt Nam; thúc đẩy phong trào sưu tập tem trong các tầng lớpnhân dân; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội đối với việc phát triển tem bưu chính Việt Nam.
“Xã hội ngày càng phát triển, người dùng có thể thường xuyên viết thư và gửi email qua mạng Internet, nhưng tem bưu chính vẫn không hề mất đi giá trị của mình. Mỗi con tem đều là sự khẳng định về chủ quyền của quốc gia thông qua việc thể hiện quốc hiệu, quốc ngữ, đơn vị tiền tệ trên tem. Tem cũng là phương tiện tuyên truyền, giới thiệu về truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc, đất nước, con người cũng như các sự kiện lớn của đất nước. Đây cũng là món ăn tinh thần bổ ích và là tác phẩm nghệ thuật thu nhỏ, độc đáo đề cập đến mọi lĩnh vực trong cuộc sống và được nhiều người yêu thích, tìm kiếm sưu tập”, ông Đinh Như Hạnh, Chủ tịch Hội tem Việt Nam cho biết.