Từ thực tế đáng lo ngại này, việc bảo vệ thế hệ trẻ trước làn sóng "tấn công" của các loại ma túy tổng hợp, các chất hướng thần mới trở thành một nhiệm vụ cấp thiết.
Thiếu hiểu biết, tâm lý đám đông tác động lớn đến việc giới trẻ
Gần đây, liên quan đến vụ việc ở Đêm nhạc hội Mùa thu, diễn ra tại Công viên nước Hồ Tây, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ (Hà Nội), cuối giờ sáng 17/9, cơ quan chức năng xác định đã có 7 người tử vong; hiện còn một số nạn nhân khác trong tình trạng hôn mê vẫn đang được cấp cứu.
Theo điều tra ban đầu, số nạn nhân trên đều dương tính với ma túy. Qua khám nghiệm hiện trường khu vực khuôn viên tổ chức Đêm nhạc hội, lực lượng Công an phát hiện có nhiều “bóng cười” và một số vật chất nghi là ma túy. Cơ quan điều tra đang tiếp tục làm rõ sự việc.
Đáng chú ý, những nạn nhân của vụ việc này đều đang trong độ tuổi 18 - 28. Vụ việc gióng lên một hồi chuông cảnh báo về "làn sóng tấn công" của các chất ma túy, chất hướng thần đến giới trẻ hiện nay.
Theo các chuyên gia về phòng, chống ma túy và cai nghiện ma túy, việc thanh niên sử dụng ma túy có ảnh hưởng lớn từ các yếu tố: Tâm lý học đòi, bắt chước; muốn khẳng định mình; tư tưởng muốn chống lại các quy định, nguyên tắc, khuôn phép... và một nguyên nhân quan trọng nữa là áp lực nhóm, tâm lý đám đông.
Trong quá trình triệt phá nhiều vụ sử dụng ma túy tại các tụ điểm giải trí, quán bar, vũ trường, các buổi sinh nhật, liên hoan... nhiều đối tượng sử dụng ma túy thường khai báo rằng mình dùng ma túy, chất kích thích chỉ để "vui" cùng bạn bè. Một số người trẻ ban đầu không có chủ định sử dụng những chất đó, nhưng do những lời rủ rê, kích bác của bạn bè nên đã thử sử dụng. Một số khác lại thấy tò mò không biết các chất gây nghiện đó mùi vị như thế nào nên muốn thử cho biết.
Hiện nay, không ít thanh niên có quan điểm sai lầm rằng: "để hòa nhập vào nhóm, tôi phải sử dụng ma túy"; "dùng ma túy không vấn đề gì miễn là tôi không mắc nghiện"; "ma túy có thể giúp giải quyết được những vấn đề, khúc mắc cá nhân" hay "ma túy không giết được tôi và tôi có thể ngừng dùng nó bất cứ lúc nào"... Chính vì những quan điểm sai lầm này, cùng sự tò mò và thiếu hiểu biết, sự thiếu quan tâm của gia đình, việc dễ dàng tiếp cận các chất ma túy, chất kích thích đã khiến nhiều người trẻ sa vào con đường nghiện ngập, bên cạnh đó gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc cho gia đình và xã hội.
Theo các chuyên gia y tế, trong một số loại ma túy thường gặp, heroin là loại dễ gây nghiện nhất, khó cai nhất và dễ bị sốc gây tử vong. Trước đây, các bệnh viện thường tiếp nhận các trường hợp ngộ độc Heroin. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, với sự xuất hiện càng nhiều các loại ma túy tổng hợp, các chất hướng thần mới, thường được gọi với tên "lóng" là: đá, thuốc lắc, viên nữ hoàng, ngọc điên, cỏ Mỹ…, tình trạng ngộ độc những loại ma túy tổng hợp ngày càng tăng lên. Đáng báo động, các trường hợp phải nhập viện chủ yếu là người trẻ, thanh niên, cả học sinh, sinh viên. Đặc biệt thời gian qua, "bóng cười" được sử dụng khá phổ biến và công khai trong giới trẻ. Tuy không nằm trong danh sách các loại chất ma túy, nhưng loại khí trong "bóng cười" cũng là một hóa chất gây mê, nếu dùng một lượng lớn khí cười có thể dẫn đến hôn mê.
Đặc biệt, sử dụng ma túy và các chất kích thích trong điều kiện chật chội, ngột ngạt như các tụ điểm giải trí, tiệc liên hoan tại phòng kín tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Ở những nơi đông người, khi có sự cố, công tác cấp cứu nạn nhân sẽ gặp nhiều khó khăn, có thể dẫn đến chậm trễ, gây hậu quả đáng tiếc. Nhất là với những người có tiền sử bệnh về tim mạch, huyết áp dễ bị kích thích mạnh, hưng phấn quá mức dẫn đến đột quỵ, ngất tại chỗ. Khi không được cấp cứu kịp thời, người dùng ma túy có thể nhanh chóng tử vong.
Theo lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, các vũ trường, quán bar, tụ điểm giải trí, lễ hội âm nhạc điện tử thường có môi trường, ánh sáng, âm thanh sôi động,... thích hợp cho những đối tượng muốn thử nghiệm cảm giác mạnh, cảm giác lạ... Đây cũng là môi trường cho các đối tượng tổ chức sử dụng, cung cấp ma túy cho đối tượng sử dụng.
Đáng báo động, nhiều bạn trẻ nghĩ rằng các loại ma túy tổng hợp, các chất hướng thần không gây nghiện, mức độ lệ thuộc không cao như ma túy truyền thống (heroin, thuốc phiện). Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây là quan niệm sai lầm, dẫn đến tình trạng sử dụng, lạm dụng ma túy tổng hợp ngày càng gia tăng, đặc biệt có xu hướng trẻ hóa, từ đó gây nhiều hậu quả lớn. Đặc biệt, việc sử dụng các loại ma túy tổng hợp mới có nguy cơ tàn phá cơ thể gấp nhiều lần ma túy thông thường. Nhiều trường hợp bị ngộ độc ma túy tổng hợp tử vong chỉ sau thời gian ngắn, trên đường đến bệnh viện hay sau một thời gian ngắn nhập viện.
Bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm họa ma túy
Từ thực tế đáng lo ngại này, việc bảo vệ thế hệ trẻ trước làn sóng tấn công của các loại ma túy tổng hợp, các chất hướng thần mới trở thành một nhiệm vụ cấp thiết. Năm 2018 này, trong rất nhiều nội dung phòng chống ma túy cần phải triển khai, Chính phủ đã chọn chủ đề “Hãy bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm họa ma túy” cho Tháng Hành động phòng chống ma túy năm 2018 chính là muốn nhắc nhở về hiểm họa ma túy, một lần nữa khẳng định mạnh mẽ sự quan tâm đến thế hệ trẻ của đất nước trong chiến lược phát triển con người Việt Nam.
Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, công tác phòng, chống ma túy trong thời gian tới quan tâm, triển khai tổng thể bốn nhóm giải pháp. Thứ nhất là cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kiến thức về tác hại của ma túy, trong đó đặc biệt với nhóm thanh, thiếu niên và các nhóm người có nguy cơ cao trong việc lạm dụng chất ma túy. Nhóm giải pháp thứ hai là các biện pháp cai nghiện, quản lý giáo dục những người nghiện ma túy, đặc biệt là phối hợp tốt giữa gia đình và xã hội để cai nghiện có hiệu quả và quản lý sau cai nghiện. Nhóm giải pháp thứ ba là kiểm soát ma túy, sớm phát hiện, đấu tranh, xử lý có hiệu quả tội phạm ma túy, trong đó tăng cường trách nhiệm của các lực lượng Công an, Hải quan, Biên phòng và các lực lượng khác. Nhóm giải pháp thứ tư là sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị. Đứng trước những thử thách của cuộc chiến đấu phòng, chống ma túy, các lực lượng chuyên trách cần chủ động phối hợp với các ngành Giáo dục, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội triển khai có hiệu quả nhiều chương trình hành động, nhiều biện pháp công tác để phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm ma túy.