Con đường hoàn lương của một 'lâm tặc'

Từng vào tù ra tội vì hành nghề khai thác trái phép gỗ rừng, ông Nguyễn Văn Minh (57 tuổi, ngụ thôn Thọ An, xã Bình An, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) đã đứng dậy sau lầm lỗi để tái hòa nhập cộng đồng và bắt đầu gây dựng lại cơ ngơi của mình bằng cách trồng rừng làm kinh tế từ hai bàn tay trắng.

Việc làm của ông vừa để tăng thu nhập gia đình vừa để “ trả nợ” rừng sau thời gian dài tham gia triệt phá. Ông đã biến vùng đất cằn cỗi tại quê mình thành khu trọng điểm trồng rừng của huyện, được nhiều người mến phục bởi ý chí hoàn lương, vươn lên trong cuộc sống.

Từ năm 14 tuổi, ông Minh tham gia vào đội du kích ở địa phương, từng vào sinh ra tử trong các trận chiến khốc liệt suốt một thời trai trẻ. Tương lai của ông sẽ tự hào, đẹp đẽ biết bao nếu ông không dính vào vết nhơ phá rừng trái phép. Mảnh đất khô cằn đá chồng lên đá, nơi ông sinh ra và lớn lên rất khó cho sản xuất nông nghiệp.

Trong khi đó, 1 vợ và 5 con của ông đang rất cần sự chở che từ người chồng, người cha từng ngày. Túng quẫn khoác lên lưng ông gánh nặng và ông đã liều mình chọn cái nghề vô rừng đốn gỗ, lo miếng cơm manh áo cho cả gia đình, dù biết đó là cái nghề bất đắc dĩ, không được pháp luật cho phép.

“Ông bà ta có câu "đói ăn vụng, túng làm liều", thật ứng với hoàn cảnh của tôi. Lúc đó, không có nghề này chắc vợ con tôi không sống nổi. Biết là sai phạm nhưng không còn cách nào khác”, ông Minh tâm sự.

Trong một lần khi đang đốn hạ gỗ trong rừng sâu thì ông Minh bị lực lượng kiểm lâm phát hiện, bắt giữ. Sau đó, Tòa án nhân dân huyện Bình Sơn xét xử, tuyên phạt ông Minh 18 tháng tù, phải thi hành án tại Trại giam công an tỉnh (xã Nghĩa Kỳ, thành phố Quảng Ngãi).

Giờ khắc ấy bây giờ nghĩ lại, ông vẫn còn rùng mình vì theo suy nghĩ của ông thì không gì lọt được mắt trời cả, ngày ấy (ngày sa vào lưới công lý) rồi sẽ đến nhưng ông không ngờ nó lại đến nhanh như vậy khi vợ con ông còn chưa đủ cái ăn, cái mặc.

Sau khi chấp hành xong án phạt tù, năm 2003, ông Minh về với gia đình. Thời gian đầu tái hòa nhập cộng đồng, ông thấy khó khăn lắm. Ông bộc bạch: “Lúc đó, tôi chẳng biết đi đâu, về đâu khi bản thân mang nhiều điều tiếng. Càng buồn hơn gấp bội khi cái nghèo, cái đói vẫn chưa chịu buông tha”.

Trong cái khó ló cái khôn, ông Minh nghĩ đến việc trồng rừng, vừa để phát triển kinh tế hộ gia đình, vừa để trả món nợ quá đắt mà mình từng gây ra. Từ bàn tay trắng, ông bắt đầu khai hoang đất để trồng trọt kết hợp chăn nuôi.

Thế nhưng, con đường ông chọn cũng không được bằng phẳng, suôn sẻ cho lắm khi diện tích bình địa quá ít, không đủ để đầu tư quy mô, hầu hết là đất đồi dốc cao nên rất khó canh tác. Ông liều chọn khu đất sau nhà để khởi đầu nghiệp hoàn lương.

May mắn thay, vùng đất ấy ngày càng phủ màu xanh, trở thành vùng đất lành nuôi dưỡng quyết tâm làm lại cuộc đời của một “lâm tặc” từng một thời khét tiếng.

Cơ duyên đổi đời được đánh dấu từ khi ông Minh tiếp cận được nguồn vốn của chương trình phủ xanh đất trống đồi trọc (chương trình 327) của Chính phủ. Nhờ đồng vốn quý này, vợ chồng ông có thêm động lực phấn đấu thay đổi số phận.

15 ha keo dần phát triển mạnh trên chính mảnh đất khai hoang ấy, đến năm 2006, diện tích tăng lên 60 ha. Năm 2007, gia đình ông khai thác lứa keo đầu tiên và thu về hơn 700 triệu đồng từ cây trồng “xóa đói” này. Điều này nằm ngoài mong ước của ông.

Ông Minh phấn khởi: “Trước đây, do suy nghĩ nông cạn nên tôi phải chịu sự trừng phạt thích đáng của pháp luật. Nay nhìn những gì mình đang có, cảm giác vui lắm, như phần nào trả được món nợ cứ đè nặng trong tôi bấy lâu. Tôi sẽ quyết tâm hơn nữa để đem lại mầm xanh cho núi rừng nơi mình sống”. Từ nguồn vốn đó, ngoài việc trồng keo, ông Minh còn đầu tư trồng mì (sắn), đào ao thả cá… nên hằng năm nguồn lãi thu về rất lớn.

Ông Minh luôn tâm niệm bản thân không được tự mãn với thành công, mà tận đáy lòng của người từng lầm lỗi này vẫn nung nấu mơ ước cháy bỏng khác là được góp sức gìn giữ rừng. Đều đặn mỗi tháng, ông cùng với lực lượng kiểm lâm địa phương băng rừng, lội suối để canh giữ và đấu tranh chống lại những đối tượng đang ngày ngày làm rừng chảy máu.

Nỗ lực của ông trên con đường hướng thiện đã làm nhiều người cảm động. Ông còn vinh dự hơn khi được công nhận là hộ sản xuất kinh doanh giỏi.

Ông Lê Quốc An, Phó Chủ tịch UBND xã Bình An, huyện Bình Sơn, cho hay: “Địa phương đã quyết liệt tìm mọi cách để ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật bảo vệ rừng. Nhờ những người đồng hành như ông Minh mà tình trạng phá rừng có phần giảm đáng kể. Ông Minh là một tấm gương sáng trong việc trồng, bảo vệ rừng và phát triển kinh tế hộ gia đình.


Lê Phước Như Ngọc (TTXVN)

Nơi hoàn lương những mảnh đời lầm lỡ
Nơi hoàn lương những mảnh đời lầm lỡ

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tỉnh Sơn La hiện có 8.299 người nghiện ma túy, trong đó hơn 3.000 đối tượng là thanh niên. Thực trạng này cho thấy, công tác đấu tranh phòng chống "cái chết trắng" ở Sơn La vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN