Lê Thị Minh Vượng trở thành tân thủ khoa Trường Đại học Y Hà Nội. Nhưng nghĩ đến chuyện lo ăn học cho thủ khoa đầu tiên của dòng họ, cũng là thủ khoa đầu tiên của xã Kim Đường (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) này, cả nhà lại “thở dài”...
Chăm, ngoan, học giỏi
Nói về gia đình mình, cô gái có đôi mắt đen sáng, giọng nói nhỏ nhẹ kể: “Bố mẹ em đều là nông dân. Nhà em có 5 chị em. Chị cả đang là sinh viên năm thứ 3 Đại học Bách khoa. Chị thứ hai đang học năm thứ 2 Đại học Sư phạm Hà Nội 2. Em gái liền sau em sang lớp 8, em trai út năm nay lên 4 tuổi”.
Góc học tập của Vượng (cũng là của mấy chị em gái) rất đơn sơ. Không có giá sách cao mấy tầng, không có những chồng sách tham khảo dày cộp. Chỉ có một chiếc bàn gỗ mặt tròn, thấp, một chiếc ghế nhựa, đặt cạnh chiếc giường ngủ của mấy chị em. Trên bàn, bên cạnh chiếc đèn học bày những cuốn sách giáo khoa đã sờn - hệ quả của việc chị em gái học gối sách của nhau.
Còn bố Vượng, ông Lê Văn Đại tự hào: “So với các chị, Vượng học nhanh hơn. Nếu 10 bài toán, các chị phải giải mất 4 tiếng đồng hồ thì chỉ 2 tiếng là Vượng làm xong”. Lớp 5, Vượng đi thi học sinh giỏi tỉnh (khi đó còn là Hà Tây) và đoạt giải Nhì, được nhận bằng khen, được thưởng 200.000 đồng. “Đó là phần thưởng lớn nhất trong suốt cuộc đời học sinh của em”, Vượng cười bẽn lẽn nhớ lại.
Năm Vượng lên cấp 3 cũng là năm hai chị lần lượt thi và đỗ đại học, vốn đã khó khăn, giờ gánh nặng kinh tế lại càng đè nặng lên đôi vai bố mẹ Vượng. Để có thêm tiền chu cấp cho các con học tập, ông Đại phải xa nhà nhận làm bảo vệ cho một nhà máy ở nội thành Hà Nội, một tuần về 1 lần.
Các chị đi học đại học, bố làm xa, mẹ lại đau ốm, em gái liền kề còn quá nhỏ, bao nhiêu việc nhà từ cơm nước đến gặt hái, làm cỏ lúa, trông em… đều đến tay Vượng. Lên lớp 10, bận nhiều việc nhà hơn nên em đành thôi chức lớp trưởng. Thậm chí, vừa đi thi đại học xong, về nhà, buông sách bút, Vượng đã phải xắn tay đi làm cỏ lúa. “Một buổi đến lớp, một buổi làm việc nhà, đến tối, em cũng không thức được khuya, chỉ học đến khoảng 10 rưỡi đêm. Trong khi làm việc nhà, tranh thủ lúc nghỉ ngơi lúc nào là em ôn bài vở”.
Để bố mẹ bớt được một khoản chi tiêu, Vượng chủ yếu dùng lại sách của các chị, chỉ mua thêm một vài cuốn tham khảo cần thiết.
Tuy eo hẹp thời gian tự học, không có điều kiện đi học thêm, lại nghèo nàn tài liệu tham khảo nhưng nhờ chăm chỉ, chịu khó, biết tận dụng ôn bài mọi lúc mọi nơi nên suốt 3 năm cấp 3, kết quả học tập của Vượng luôn đứng nhất nhì lớp. Điểm tổng kết trung bình năm học của Vượng 3 năm cấp ba lần lượt là 8,1 - 8,4 - 8,4. Lớp 12, Vượng còn đoạt giải khuyến khích môn Hóa cuộc thi học sinh giỏi thành phố.
Vừa chăm ngoan, lại học giỏi, Vượng được các thầy cô giáo và bạn bè yêu mến. Hễ mỗi lần có tài liệu gì hay, các bạn tải được từ internet về, các bạn trong lớp đều in ra và cho Vượng mượn để phô tô. Đợt ôn thi đại học vừa rồi, cô giáo Lan dạy môn Sinh học vì cảm mến cô học trò ngoan đã tận tình dạy ôn mà không lấy một đồng tiền công nào.
Vì quá khó khăn, khi Vượng học lớp 12, bà Phạm Thị Lan (mẹ của Vượng) đã từng nghĩ: “Thôi, chỉ cần tốt nghiệp cấp ba cũng được”. Vì thế, khi biết tin Vượng đỗ đầu trường Y, cả nhà ai cũng vui, bất ngờ. Nhưng…
Băn khoăn tiền học
Vừa là thủ khoa Trường Đại học Y Hà Nội với 29 điểm khối B, Vượng vừa là á khoa Trường Đại học Ngoại thương với 29 điểm khối A. Niềm vui không át được nỗi lo kinh phí trang trải trong mấy năm đại học của cả gia đình thủ khoa.
Bà Lan chẳng giấu giếm: “Vui thì có vui nhưng lo lắm! Năm nào cũng vậy, cứ mùa khai giảng là phải có vài triệu đồng để đưa cho 2 cô con gái đầu giắt túi mang lên trường. Năm nay, thêm 1 cô nữa, cô thứ tư cũng đang học lớp tám, cả nhà phải chuẩn bị tầm 5 triệu đồng cho các con chào năm học mới. Mấy năm nay, tôi bệnh tật, phải vay khắp nơi để lo tiền học cho con, tiền thuốc cho mẹ. Bây giờ, nhà đang nợ hơn 100 triệu đồng! Lại thêm bố các cháu chẳng may bị tai nạn lao động, giờ thất nghiệp. Tôi lo lắm”.
Ông Đại bày tỏ: “Gia đình không biết nhiều về nghề nghiệp sau này nên không biết khuyên con học trường nào. Chúng tôi đang phân vân. Nếu học trường Y thì với kết quả thủ khoa, sẽ có thuận lợi bước đầu và sau này có cái danh giá của nó. Ngặt cái là, học những 6 năm thì hơi lâu, học phí chắc sẽ tốn kém lắm. Hỏi Vượng sẽ chọn học Ngoại thương hay học Y, vẫn với gương mặt trầm tư, em ngẫm nghĩ một lúc lâu, cuối cùng vẫn lắc đầu. Cuối cùng em thổ lộ: “Nếu không phải băn khoăn về kinh tế, em vẫn thích được học đại học Y hơn”.
Chia sẻ về dự định trong năm đầu tiên là tân sinh viên, Vượng nói: “Em sẽ ở ký túc xá và đi làm gia sư để đỡ đần bố mẹ...”.