Khoảng 11 giờ trưa chủ nhật hàng tuần, bệnh nhân và thân nhân người bệnh thường xếp thành hàng dài dọc theo hành lang trước Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E (Hà Nội) để mua những suất cơm với giá rất đặc biệt, chỉ 3.000 đồng.
“Em ốm, nằm viện hơn 5 tháng rồi, điều kiện kinh tế của gia đình cũng không dư dật gì. Do đó, việc tuần nào cũng được nhận phiếu mua cơm chỉ với giá 3.000 đồng/suất đã giúp hai mẹ con em vơi bớt khó khăn, giảm chi phí trong quá trình khám chữa bệnh tại Hà Nội”, bệnh nhân Nguyễn Thị Liễu (Nho Quan, Ninh Bình) cho biết trong lúc chờ tới lượt mua cơm 3.000 đồng.
Bệnh nhân và thân nhân người bệnh xếp hàng chờ mua suất cơm 3.000 đ. |
Không riêng gì bệnh nhân Liễu, khi trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, nhiều thân nhân người bệnh đều chia sẻ rằng rất cảm động khi được mua những suất cơm 3.000 đồng, trong khi giá trị thực của những suất cơm đó khoảng 25.000 - 30.000 đồng.
Trao đổi với chúng tôi về lý do tại sao những suất cơm chỉ bán với giá 3.000 đồng, Anh Trần Quốc Tuấn, thành viên ban điều hành Dự án từ thiện Cơm 3.000 đồng cho biết: “Với thông điệp 'Chung tay vì cộng đồng' và xuất phát từ suy nghĩ không để người nhận cơm có cảm giác mắc nợ khi cho không, biếu không nên chúng tôi bán cho họ những suất cơm với giá 3.000 đồng, còn với những trường hợp quá khó khăn, dù đưa 1 nghìn, thậm chí không có tiền chúng tôi cũng sẵn sàng trao những suất cơm từ thiện”.
Ngoài việc hỗ trợ những suất cơm từ thiện cho người bệnh, Dự án từ thiện Cơm 3.000 đồng còn tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như “Áo ấm mùa đông”, “Khăn ấm mùa đông”, quyên góp ủng hộ trẻ em bị dị tât bẩm sinh, hỗ trợ cơm trưa cho thí sinh và người nhà trong đợt thi đại học 2014… |
Cũng theo anh Tuấn, ngoài bệnh viện E, Dự án còn bán những suất cơm 3.000 đồng tại “làng chạy thận”, phố Lê Thanh Nghị, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Những suất cơm dù nhỏ bé nhưng đã phần nào vơi bớt gánh nặng cho nhiều hoàn cảnh kém may mắn trong xã hội. Nhiều bệnh nhân nằm viện thời gian dài, nhờ có cơm từ thiện đã có thêm niềm tin và động lực để chiến đấu với bệnh tật.
“Thời gian đầu, không ít người dân nghi ngại về chất lượng của suất cơm giá 3.000 đồng cũng như mục đích thành lập của Dự án, nhiều người còn đặt câu hỏi: “Đã từ thiện sao còn bán với giá 3.000 đồng, cơm có đảm bảo an toàn và dinh dưỡng không?...” . Vậy nên, những ngày đầu đi phát phiếu mua cơm 3.000 đồng, chúng em phải giải thích rất nhiều. Đến nay, thì những nghi ngại ngày càng ít dần, thay vào đó là những phản hồi tích cực của những người bệnh về chất lượng suất cơm 3.000 đồng”, chị Phạm Thị Nhung, thành viên Dự án cho biết.
Để có thể hỗ trợ được những người bệnh, những sinh viên, người lao động nghèo thông qua những suất cơm 3.000 đồng, Dự án đã nhận được sự đóng góp của nhiều nhà hảo tâm. Đáng mừng là “tiếng lành đồn xa” nên ngày càng có nhiều tấm lòng tham gia ủng hộ và phát triển Dự án từ thiện Cơm 3.000 đồng: 27 số cơm thành công với số lượng suất cơm tăng dần từ 80 lên 250 suất/tuần là minh chứng rõ ràng nhất cho những tấm lòng nhân ái của cộng đồng.
Thành viên Dự án chuẩn bị những suất ăn được bán với giá 3.000 đồng, trong khi giá trị thực là 25.000 - 30.000 đồng |
Được thành lập từ 15/11/2013, đến nay số lượng thành viên tham gia Dự án từ thiện Cơm 3.000 đồng đã lên tới hàng trăm người. Thành viên của Dự án rất đa dạng về lứa tuổi, từ em bé học tiểu học cho tới cụ già 70 tuổi, nhưng nhiều nhất là sinh viên các trường đại học trên địa bàn Hà Nội. Tất cả cùng có chung mong muốn được giúp đỡ, sẻ chia với những hoàn cảnh kém may mắn trong cộng đồng. Nguyễn Thị Thùy Linh, sinh viên năm thứ 5, Học viện Y học cổ truyền Việt Nam cho biết: “Là một sinh viên học y, đi trực ở Viện nhiều nên em hiểu được phần nào nỗi khó khăn, vất vả mà người bệnh phải trải qua. Vì vậy, tôi luôn muốn làm gì đó để phần nào giúp đỡ người bệnh, việc tham gia Dự án là một cơ hội tốt để tôi thực hiện được ý nguyện của mình”.
Chị Hoàng Thị Thu Hà, Phụ trách nhân sự (thành viên sáng lập Dự án từ thiện Cơm 3.000 đồng) cho biết thêm: “Chúng tôi không muốn Dự án từ thiện Cơm 3.000 đồng chỉ bó hẹp trong khuôn khổ một nhóm câu lạc bộ mà mong muốn đây sẽ là tổ chức của tất cả mọi người. Trong tương lai, ngoài việc tăng thêm số lượng suất cơm chúng tôi cũng muốn mở rộng nhiều hoạt động như các chiến dịch quyên góp, ủng hộ đồng bào vùng cao, dạy học cho các em nhỏ…”.
Bài, ảnh: Hà Liên