Thời gian gần đây, tỉ lệ trẻ tự kỷ ngày càng gia tăng nhanh chóng. Hiện vẫn chưa có một phương thuốc nào có thể chữa khỏi hoàn toàn tự kỷ, nhưng nếu được phát hiện, can thiệp sớm bằng đúng cách, người tự kỷ sẽ có cơ hội tiến bộ rất cao. Họ có thể đi học, đi làm, sống độc lập, hòa nhập với xã hội và không trở thành gánh nặng cho xã hội.
Trẻ em bị mắc chứng tự kỷ được vui chơi, khám phá thế giới qua những hình ảnh ngộ nghĩnh. Ảnh: Lê Xuân/TTXVN |
Ưu tiên giai đoạn trẻ 24 tháng tuổi
Bác sỹ Thành Ngọc Minh, Trưởng Khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, "cơ hội vàng" để phát hiện và trị liệu cho trẻ tự kỷ là giai đoạn trẻ 24 tháng tuổi. Đây là thời điểm chẩn đoán rõ nhất, khoa ưu tiên điều trị cho trẻ từ 24 - 36 tháng vì để muộn can thiệp rất khó.
Theo số liệu thống kê của Bệnh viện Nhi Trung ương, trong giai đoạn 5 năm (2011-2015), có hơn 15.500 lượt trẻ đến khám được chẩn đoán bị tự kỷ, trung bình mỗi ngày làm việc, tại phòng khám Khoa Tâm thần của bệnh viện có khoảng 10-16 trẻ mắc tự kỷ được khám, đánh giá. Trong đó, đa số trẻ đến khám và đánh giá là dưới 5 tuổi. Đặc biệt, có từ 30-40% trẻ 2 tuổi và dưới 2 tuổi. Điều này cho thấy sự thành công của những nỗ lực truyền thông về tự kỷ, các cha mẹ đã có sự quan tâm và phát hiện từ rất sớm các triệu chứng nghi ngờ tự kỷ để đưa con đi khám. Nhiều trẻ 17-18 tháng tuổi mà chưa biết nói cha mẹ đã cho đến khám.
Tự kỷ được cho là hình thành bởi sự kết hợp của nhiều yếu tố như: Gen, môi trường, độ tuổi sinh con… gây nên rối loạn của hệ thần kinh, ảnh hưởng đến não bộ khiến tự kỷ có nhiều biểu hiện và mức độ. Không một trẻ tự kỷ nào giống nhau, kể cả là trẻ sinh đôi.
Bác sỹ Đỗ Thúy Lan, Giám đốc Trung tâm Sao Mai (Trung tâm tư vấn phát hiện sớm, can thiệp sớm trẻ em khuyết tật trí tuệ, tự kỷ) cho biết, hiện nay, y học hiện đại chưa có thuốc đặc hiệu cho bệnh tự kỷ mà chỉ điều trị các tổn thương não kèm theo như động kinh, tăng động... Chính vì vậy, các hoạt động chủ yếu vẫn là can thiệp sớm cho trẻ với nhiệm vụ của giáo viên đặc biệt, chuyên viên tâm lý, bác sỹ nhi khoa và nhất là phụ huynh bởi yếu tố gia đình vẫn là yếu tố quyết định tới kết quả can thiệp. Nếu được can thiệp sớm trẻ tự kỷ có thể hòa nhập với cộng đồng, tự lập trong cuộc sống. Nếu không được điều trị, trẻ sẽ không nói được, sống lệ thuộc vào sự chăm sóc của người khác, qua 10 tuổi dễ bị tâm thần…
Việc can thiệp cho trẻ tự kỷ thường tập trung vào: Luyện tập, giáo dục cho trẻ các kỹ năng ngôn ngữ, nhận thức, tư duy, giao tiếp, xã hội và kỹ năng tự phục vụ bản thân. Trong quá trình trị liệu cho trẻ tự kỷ cần áp dụng đa dạng các phương pháp khác nhau như: Ứng dụng phân tích hành vi, liệu pháp ngôn ngữ, trị liệu về vận động, trị liệu kỹ năng xã hội, vật lý trị liệu, liệu pháp trò chơi, trị liệu hành vi, các liệu pháp phát triển, các liệu pháp dựa và trực quan, những liệu pháp y sinh học. Nếu như đến khoảng 6 tuổi mới phát hiện để can thiệp thì sẽ không thể giúp trẻ hòa nhập với người bình thường.
Cần sự chung tay của gia đình, nhà trường và xã hội
Giáo viên và phụ huynh là những người có ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển của trẻ tự kỷ. Nếu phụ huynh có kiến thức và giáo viên có kỹ năng chuyên môn tốt, biết can thiệp đúng phương pháp thì sẽ giúp trẻ có nhiều tiến bộ. Còn ngược lại sẽ làm mất cơ hội hòa nhập của trẻ tự kỷ…
Để có thể sớm phát hiện tự kỷ ở trẻ, các bậc phụ huynh có con nhỏ cần tìm hiểu các mốc phát triển theo từng độ tuổi của trẻ ngay từ khi sinh ra để đối chiếu với sự phát hiện của con mình. Nếu thấy có bất thường cần sớm đưa trẻ đi thăm khám, kiểm tra ở các cơ sở y tế uy tín hoặc các nhà chuyên môn, chuyên gia. Bên cạnh đó, giáo viên trong các trường mầm non cũng cần tìm hiểu những thông tin về hội chứng tự kỷ, quan tâm tới sự phát triển hiện tại của trẻ để có thể phát hiện sớm hội chứng. Khi thấy học sinh có dấu hiệu tự kỷ, giáo viên nên sử dụng những kiến thức về dấu hiệu sớm để kiểm tra, sử dụng bảng kiểm Mchat, trao đổi với nhà chuyên môn và phụ huynh.
Bác sỹ Thành Ngọc Minh Trưởng Khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, trẻ tự kỷ được can thiệp ở Khoa Tâm thần tối đa là 5 đợt. Đợt 1- bác sĩ sẽ can thiệp cho trẻ trong 3 tuần. Đợt 2 - cha mẹ được quan sát. Đến đợt thứ 3 cha mẹ được hướng dẫn và đã có thể dạy được con. Sau 5 đợt trị liệu, trẻ được về nhà và cha mẹ chính là bác sĩ của con. Mỗi thứ 3 và thứ 5 hàng tuần Khoa Tâm thần lại tổ chức tư vấn cho cha mẹ.
Bác sỹ Thành Ngọc Minh cũng nhấn mạnh, điều trị tự kỷ đòi hỏi thời gian lâu dài, kiên trì, kiên nhẫn và quan trọng nhất cha mẹ là người can thiệp chính cho con mình. Tuy nhiên, trong thực tế có trường hợp trẻ được điều trị đã có chuyển biến tích cực nhưng khi về nhà do nhiều quan niệm sai lầm, hoặc cha mẹ quá bận rộn, sao nhãng với việc dạy con hay có nhiều người thiếu kiên trì, bỏ cuộc giữa chừng nên ảnh hưởng tới kết quả điều trị của trẻ, khi trẻ có hành vi bất thường quay lại điều trị thì rất khó. Hoặc rất nhiều phụ huynh tưởng con ổn rồi nhưng đến tuổi dậy thì con lại nặng lên hoặc thụt lùi…
Một đứa trẻ không may mắc hội chứng tự kỷ nếu được sinh ra trong một gia đình có cha mẹ hiểu biết, có điều kiện kinh tế sẽ có cơ hội hòa nhập tốt hơn một đứa trẻ sinh ra trong một gia đình mà cha mẹ thiếu hiểu biết và điều kiện kinh tế khó khăn. Vì vậy, để một đứa trẻ tự kỷ được phát hiện sớm, can thiệp sớm, có cơ hội hòa nhập xã hội thì rất cần sự chung tay giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Nếu thiếu một trong ba nhân tố này thì trẻ tự kỷ sẽ mất đi cơ hội được can thiệp sớm – “cơ hội vàng” giúp trẻ tự kỷ tiến bộ và hòa nhập xã hội.