Tạo sự tự lập cho trẻ tự kỷ

Những ngày này, các trẻ tự kỷ tại Trung tâm Giáo dục kỹ năng cho trẻ có nhu cầu đặc biệt Akari (Trung tâm Akari) khá hào hứng với tiết học làm bao lì xì.

Mang đến cho các em khái niệm Tết


Cô Nguyễn Hà Ly, Giám đốc Trung tâm Akari (Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam) cho biết: "Với những người làm việc trong lĩnh vực này, chúng tôi gọi là trẻ có nhu cầu đặc biệt, bao gồm: trẻ tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ, tự kỷ kèm tăng động, đa tật...  Tuy nhiên, tại các lớp học can thiệp của Trung tâm hiện nay, trẻ tự kỷ chiếm phần lớn".


Hiện theo học tại trung tâm Akari (Cầu Giấy) có 11 em với nhiều lứa tuổi học bán trú. Dịp cuối năm, các em đang cùng các cô tham gia tiết học làm bao lì xì. “Để tô vẽ và làm những chiếc lì xì là một kỳ công. Với trẻ em bình thường đã khó nhưng với trẻ tự kỷ còn khó bội phần”, cô Nguyễn Hà Ly, chia sẻ.

Cô Nguyễn Hà Ly hướng dẫn trẻ tô lì xì dịp Tết Mậu Tuất.

Ý tưởng ban đầu về làm lì xì cũng chỉ là môn học vào dịp cuối năm để cho các em có khái niệm Tết sắp đến. Tuy nhiên, khi nhìn những nét vẽ và cách làm bao lì xì của trẻ em trong lớp học, một số người bạn cô Ly đặt mua và từ đó Trung tâm triển khai ý tưởng làm lì xì dịp Tết. Năm nay, Trung tâm tiếp tục làm với mong muốn tạo thành một hoạt động hướng nghiệp nghề nghiệp cho trẻ có nhu cầu đặc biệt. Với những học sinh lớp lớn, Tết được các em hiểu là thời gian nghỉ dài ngày, được ở nhà. Do đó, việc tổ chức làm lì xì như là bài tập cuối năm để các em hiểu là Tết sắp đến. Về lâu dài, Trung tâm hướng nghiệp một công việc tạo dựng nghề cho các em với sự tự lập cho bản thân.


Để làm lì xì, các cô thiết kế mẫu, in trên trên giấy và lựa chọn theo khả năng của từng em để các em làm. Em thì tô màu, em thì dập dấu… “Chúng tôi vẫn coi đây là một môn học kỹ năng sống để rèn luyện nên chỉ nhận đơn hàng vừa đủ khả năng làm. Số tiền tích lũy được, chúng tôi mua quà Tết cho mỗi em và  gói bánh chưng vui Tết. Có như vậy Tết với trẻ em có nhu cầu đặc biệt sẽ là những kỷ niệm đẹp”, cô Ly tâm sự


Tiếp cận hành vi cá nhân để can thiệp kịp thời


Hiện có nhiều quan niệm khác nhau về trẻ tự kỉ, nhưng trong quan niệm của nhiều người, trẻ tự kỉ sẽ không làm được gì. Tuy nhiên thực tế nếu được can thiệp kịp thời thì các em đều có thể cải thiện hành vi.


Được đào tạo chuyên ngành sư phạm về giáo dục trẻ nhu cầu đặc biệt, cô Nguyễn Hà Ly tham khảo các tài liệu nghiên cứu trong và ngoài nước, cũng như chương trình dạy học của Bộ Giáo dục đào tạo để xây dựng can thiệp theo hành vi cho từng trẻ.

Các trẻ tự kỷ đang phân loại, để gấp các bao lì xì.

Với các trẻ tự kỷ có thể phân biệt nhiều thể loại khác nhau. Tuy nhiên, về lý thuyết hội chứng thì giống nhau nhưng can thiệp hành vi khác nhau với từng trường hợp cụ thể. Đơn cử như tại Trung tâm, em gái Nguyễn Phan 14 tuổi, bị mắc tự kỷ kèm tăng động . Dù lứa tuổi cấp 2 và cũng đã từng học ở các trường công học hết lớp 5 nhưng thực tế qua kiểm tra thực tế trình độ của Phan chỉ đạt lớp 2.


Qua tư vấn, phân loại, cô Ly xây dựng mục tiêu can thiệp cụ thể vào từng hành vi của Phan như việc tự phục vụ bản thân từ việc tắm, rửa, gội đầu đến ghi nhật ký, tính toán. Cụ thể, với học toán, dù đã học đến lớp 5 nhưng căn cứ trên thực tế, cô Ly đưa những bài tập toán dạng mua bán như đưa số tiền thì biết trả lại bao nhiêu… “Thực tế, bố mẹ em Phan cũng biết thực lực học của Phan và mong muốn của gia đình cũng muốn qua những lớp học kỹ năng để dần uốn nắn hành vi để tự lo cho bản thân”, cô Ly chia sẻ.


Đến Trung tâm quan sát lớp học, có thể thấy mỗi bạn một dạng tật không ai giống ai, bạn Tiến (10 tuổi) có đặc điểm đến đúng giờ 10 là tự gào lên, cào cấu vào mặt, nắm chặt tay, gào thét… Cô Dương Thị Thu Huệ, phụ trách lớp với em Tiến tâm sự: Tiến là dạng tự kỷ điển hình. Qua quan sát, dạy Tiến từ kiến thức được học và kinh nghiệm trao đổi với các cô tại trung tâm, cô Huệ đã xây dựng kế hoạch can thiệp cụ thể như đến đúng giờ lên “cơn” của Tiến thì chuẩn bị sẵn dây mũ bảo hiểm để Tiến bật ra bật vào, hoặc chuẩn bị vật nặng vừa phải để bạn xách đi bộ dọc cầu thang. Khoảng 15 phút khi “cơn” bứt rứt giảm xuống lại được các cô bố trí vào lớp học các kỹ năng khác.

Clip trẻ Trung tâm Akari làm lì xì cùng cô giáo:


Cô Dương Thị Thu Huệ chia sẻ: “Để dạy trẻ có nhu cầu đặc biệt, trước hết là có lòng yêu trẻ, đồng thời phải phải hiểu tâm lý, hành vi để có sự can thiệp kịp thời”.


Gắn bó với nghề dạy trẻ có nhu cầu đặc biệt hơn 10 năm, cô Ly nhận thấy mỗi trẻ em có một khả năng, thiên hướng. Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy, càng can thiệp sớm, nhất là giai đoạn vàng của đứa trẻ từ 0 đến 3 tuổi sẽ giảm được đáng kể tình trạng tự kỷ của trẻ sau này.


Hằng ngày tiếp xúc với trẻ có nhu cầu đặc biệt, nhất là trẻ tự kỷ, từ việc làm lì xì chỉ đơn thuần xuất phát từ một tiết học thực hành kỹ năng sống nhưng với cô Ly và các cô tại Trung tâm Akari mong muốn hướng nghiệp để các em sau này có thể tự lo cho mình tương lai, có thể là nghề thủ công hay phụ giúp bán hàng để các em tự lo cuộc sống cho bản thân sau này.

XC/Báo Tin tức
Cần can thiệp sớm đối với trẻ tự kỉ
Cần can thiệp sớm đối với trẻ tự kỉ

Phát hiện sớm tự kỉ sẽ giúp trẻ có nhiều cơ hội trở thành người bình thường. Tuy nhiên, phần lớn các bác sỹ nhi khoa của Việt Nam chưa hiểu rõ về tự kỉ và không có kỹ năng chẩn đoán sớm. Vì vậy, nhiều trẻ được phát hiện muộn sau 36 tháng và gây khó khăn cho việc điều trị.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN