Các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Thừa Thiên - Huế thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn về người và tài sản; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ chủ động ứng phó với mưa dông, mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, lốc, sét, gió giật mạnh; các tỉnh, thành phố ven biển chủ động ứng phó với gió mạnh, sóng lớn, mưa dông trên biển; các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ chủ động ứng phó với nắng nóng và nắng nóng gay gắt.
Các địa phương duy trì lực lượng trực ban, thường xuyên tổng hợp, báo cáo tình hình về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
Theo báo cáo, sáng 3/8, mưa kèm giông, lốc, sét tại tỉnh Hà Giang đã làm một người chết (do sét đánh); 53 nhà bị tốc mái; một nhà lưới rau màu bị tốc mái; 2,4 ha cây lâm nghiệp bị gẫy đổ; gãy 10 m kênh dẫn; trên 20 m3 đất bùn tràn ra mặt đường (khu vực thị trấn Vinh Quang, huyện Hoàng Su Phì)... Ngoài ra có 4 điểm trường, 1 chợ, 1 nhà văn hóa, 1 hội trường thôn bị tốc mái. Ước thiệt hại khoảng 2 tỷ đồng.
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền địa phương đã kịp thời đến thăm hỏi, động viên gia đình có người bị chết và huy động lực lượng hỗ trợ, di dời, sửa chữa nhà ở để sớm ổn định đời sống nhân dân.