Chi trả BHYT tai nạn giao thông: Thoát "nạn” chạy vạy

Luật Bảo hiểm y tế có hiệu lực thi hành đã gần 2 năm nhưng đến nay việc giải quyết quyền lợi cho người bị tai nạn giao thông vẫn còn nhiều bất cập.

Nguyên nhân là một số điểm trong Thông tư hướng dẫn thực hiện luật chưa phản ánh đúng tinh thần và nội dung của Luật Bảo hiểm y tế, gây nhiều phiền hà cho người dân. Do vậy, Bộ Y tế đang chủ trì, phối hợp với các bộ Tài chính và Công an để soạn thảo thông tư mới hướng dẫn chi trả bảo hiểm y tế cho người bị tai nạn giao thông.

Điều trị cho người bị tai nạn giao thông tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội). Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN


Dự kiến, trong tháng 3 này, Dự thảo thông tư liên tịch về hướng dẫn thanh toán chi phí khám chữa bệnh đối với người tham gia bảo hiểm y tế bị tai nạn giao thông sẽ được hoàn tất để trình Chính phủ phê duyệt, giúp người bệnh sẽ không phải lo việc đi khắp nơi xin giấy xác nhận về tình trạng vụ tai nạn giao thông như quy định hiện hành.

Theo bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế (BHYT), Bộ Y tế, điểm mới nhất của Dự thảo thông tư liên tịch về hướng dẫn thanh toán chi phí khám chữa bệnh đối với người tham gia BHYT bị tai nạn giao thông (TNGT), là người có thẻ BHYT bị TNGT khi đi khám, chữa bệnh dù chưa có đủ căn cứ xác định có vi phạm pháp luật giao thông, vẫn được cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) thanh toán chi phí khám, chữa bệnh.

Cơ quan BHXH có trách nhiệm phối hợp với cơ quan công an trên địa bàn xác minh nguyên nhân xảy ra TNGT để xử lý theo quy định của Luật BHYT. Trong 24 giờ, kể từ khi người bị TNGT tới cơ sở y tế để khám, chữa bệnh, cơ quan BHXH phải thông báo cho cảnh sát giao thông hoặc cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội trên địa bàn, để có thông tin xác nhận tình trạng vi phạm pháp luật về giao thông đối với người tham gia BHYT bị TNGT.

Sau 6 tháng kể từ ngày nhận thông báo lần đầu của cơ quan BHXH về vụ TNGT nhưng vẫn chưa thể xác minh được tình trạng vi phạm pháp luật về giao thông, khi cơ quan BHXH có yêu cầu xác minh lần cuối thì lực lượng cảnh sát có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho cơ quan BHXH về việc chưa (hay không) xác minh được tình trạng vi phạm pháp luật về giao thông.

Tóm lại, với những quy định tại dự thảo thông tư mới, tới đây người tham gia BHYT khi bị tai nạn giao thông không còn phải chạy vạy khắp nơi để xin giấy xác nhận là mình không vi phạm luật giao thông như hiện nay. Phải có dự thảo thông tư mới này vì Thông tư 09 mà liên Bộ Y tế và Tài chính xây dựng, ban hành năm 2009 có những hướng dẫn gây hiểu nhầm.

Thông tư này quy định rằng: Để được thanh toán BHYT, người bị tai nạn giao thông phải có giấy xác nhận không vi phạm pháp luật về giao thông của cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, Thông tư 09 lại không nêu rõ "cơ quan có thẩm quyền" là cơ quan nào, ai là người đưa ra giấy xác nhận này. Cách quy định như vậy dẫn đến sự hiểu nhầm là người bệnh phải tự đi xin giấy xác nhận về hành vi không hoặc có vi phạm luật giao thông, gây phiền hà cho người bệnh tham gia BHYT không may bị TNGT.

Bởi vậy, trong năm 2010, Thông tư 09 đã 2 lần bị Bộ Tư pháp nhắc nhở về tính thống nhất trong văn bản quy phạm pháp luật do không phản ánh đúng tinh thần của Luật Bảo hiểm y tế.

Ngành bảo hiểm “gánh” nhiều trách nhiệm

Bệnh nhân tai nạn giao thông điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức (Hà Nội). Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN


“Trong quá trình bệnh nhân nằm viện, nếu công an xác nhận đây là trường hợp bị tai nạn vì bệnh nhân đã vi phạm pháp luật thì bệnh nhân sẽ phải tự chi trả chi phí khám chữa bệnh”, bà Tống Thị Song Hương cho biết.

Trường hợp xác định nguyên nhân gây ra TNGT là do hành vi vi phạm luật về giao thông của người bệnh nhưng họ đã ra viện thì BHXH có trách nhiệm thông báo cho người bệnh, yêu cầu hoàn trả lại toàn bộ chi phí mà quỹ BHYT đã thanh toán (?).

Theo bà Tống Thị Song Hương, nếu như các dự thảo trước đây không quy định cơ quan nào chịu trách nhiệm về khoản tiền mà quỹ BHYT đã thanh toán nhưng không thu hồi lại được thì tại dự thảo thông tư mới quy định rõ: Nếu sau 6 tháng kể từ ngày cơ quan BHXH gửi công văn đề nghị xác minh lần cuối mà cơ quan công an có thông báo chưa hoặc không xác minh được tình trạng vi phạm pháp luật về giao thông của người bị TNGT thì khoản tiền đó coi như không thu hồi được (quỹ BHYT chi trả).

“Quy định này có cái hay là tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh tham gia BHYT nhưng cũng làm nảy sinh một vấn đề là nếu các cơ quan không làm hết trách nhiệm, sẽ có trường hợp kéo dài thời gian xác minh, thậm chí không tiếp tục điều tra nữa…”, bà Tống Thị Song Hương thừa nhận.

Như vậy, tới đây ngành BHXH sẽ phải “gánh” thêm khá nhiều việc, đó là chỉ đạo BHXH các cấp phối hợp với lực lượng cảnh sát trong việc điều tra, xác minh tình trạng vi phạm pháp luật về giao thông để giải quyết BHYT cho người bệnh; hướng dẫn việc thông báo và thu hồi quỹ BHYT đã thanh toán cho người bệnh được xác nhận là vi phạm pháp luật về giao thông.

Đặc biệt, ngành BHXH sẽ càng phải nỗ lực hơn nữa trong việc duy trì ổn định và phát triển của quỹ BHYT, có khả năng nhiều trường hợp không thể thu hồi được khoản phí mà quỹ BHYT đã thanh toán trước cho người bệnh nhưng sau này mới xác định được là họ vi phạm pháp luật về giao thông.

Phương Liên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN