Trong đó, Thủ đô Hà Nội ghi nhận nhiều nhất số điểm đo ở mức cao với 9 điểm, tỉnh Thái Nguyên có 1 điểm. Các điểm đo có chất lượng không khí ở mức có hại cho sức khỏe tại Hà Nội gồm: xã Phú Đông, huyện Ba Vì, có chỉ số 154; thôn Nghe, xã Vân Hòa, huyện Ba Vì, có chỉ số 151; xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây, có chỉ số 193; Trường Trung học Cơ sở Bình Phú, huyện Thạch Thất, có chỉ số 167; Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam, huyện Chương Mỹ, có chỉ số 169; Thư viện Đại học Quốc gia Hà Nội, quận Cầu Giấy, có chỉ số 155; Trường Mầm non Thực hành Hoa Sen, quận Ba Đình, có chỉ số 168; đường Nguyễn Chế Nghĩa, quận Hoàn Kiếm, có chỉ số 155; thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, có chỉ số 155. Tại Thái Nguyên, điểm đo ở Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên, thành phố Thái Nguyên, cho chỉ số 155.
Tại mức chỉ số chất lượng không khí từ 151-200, tất cả người dân có thể bắt đầu cảm nhận được các ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhóm người nhạy cảm với ô nhiễm không khí bị ảnh hưởng nặng hơn.
Theo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), tình trạng ô nhiễm bụi trong không khí tại một số địa phương có diễn biến xấu, đồng thời do ảnh hưởng của các điều kiện thời tiết giao mùa có nhiều biến động bất lợi, chênh lệch ngày, đêm về nhiệt độ, độ ẩm, hướng và tốc độ gió, bức xạ nhiệt... khiến khả năng khuếch tán các chất ô nhiễm trong không khí bị hạn chế, đặc biệt là bụi. Do đó, các địa phương cần tập trung nguồn lực tăng cường các biện pháp kiểm soát ô nhiễm bụi trong không khí; tổ chức kiểm tra, giám sát, yêu cầu nghiêm các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn thực hiện các biện pháp kiểm soát, bảo đảm xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường...