Trên các tuyến đường, nhất là tại các thành phố lớn, người tham gia giao thông thường chứng kiến cảnh những chiếc xe từ 12-45 chỗ được dán đề can kín xe hoặc thay đổi màu sơn xe để quảng cáo cho các nhãn hàng hóa, khu du lịch, vui chơi giải trí, “nhập nhèm” với xe hợp đồng để chở hàng, chờ người...
Nhiều chiếc xe với màu sơn “nhức mắt”, khiến người đi đường mất tập trung, gây mất an toàn giao thông (ATGT).
Chưa kể, bản thân việc đổi màu sơn xe cũng là hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ và Luật Quảng cáo.
Video ô tô dán đề can quảng cáo, đổi màu sơn xe "diễu phố" vi phạm luật giao thông:
Trên các thân xe, đề can quảng cáo, màu sơn được phủ kín. Phần kính hai bên hông, kính hậu... cũng như vậy. Toàn bộ chiếc xe chỉ để hở kính lái và phần cửa lên xuống. Không ít người đi đường chia sẻ: ”Những chiếc xe kiểu này khi tham gia giao thông khiến nhiều người bị thu hút, đang lái xe với tốc độ cao mà bị phân tán, thì dễ mất tập trung và có thể dẫn tới tai nạn giao thông…”.
Ủy ban ATGT Quốc gia đã có công văn đề nghị Ban ATGT TP Hà Nội phối hợp, chỉ đạo các lực lượng chức năng, công an các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp xe ô tô dán decal quảng cáo, thay đổi màu sơn xe; đồng thời chấn chỉnh hoạt động quảng cáo bằng xe ô tô.
Theo lãnh đạo Ủy ban ATGT Quốc gia, việc dùng đề can quảng cáo phủ kín gần như toàn bộ xe, thay đổi màu sơn xe là vi phạm các quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 như: Tự ý thay đổi màu sơn so với đăng ký xe; vô hiệu hóa gương chiếu hậu (đặt trong xe), thay đổi đặc tính kỹ thuật kính xe ô tô, ảnh hưởng tới tầm nhìn, quan sát của lái xe khi điều khiển xe, hạn chế khả năng thoát hiểm của những người trong xe khi xảy ra sự cố…
Phòng Cảnh sát giao thông (Công an TP Hà Nội) cũng đang tham mưu với Ban ATGT thành phố xây dựng, áp dụng mức xử phạt cao nhất đối với hình thức quảng cáo trên xe ô tô để tạo sự răn đe, nhất là đối với đơn vị quản lý, vận hành xe, cũng như các đơn vị quảng cáo.
Qua tìm hiểu, việc quảng cáo trên các phương tiện giao thông đường bộ phải tuân thủ các quy định của Luật Quảng cáo và Luật Giao thông đường bộ. Cụ thể, không được thể hiện sản phẩm quảng cáo ở mặt trước, mặt sau và trên nóc của phương tiện giao thông; sản phẩm quảng cáo không được vượt quá 50% diện tích mỗi mặt được phép quảng cáo của phương tiện giao thông; việc biểu trưng, lô gô, biểu tượng của chủ phương tiện giao thông hoặc hãng xe trên phương tiện giao thông phải tuân thủ các quy định của pháp luật về giao thông.
Mặt khác, chủ phương tiện không được tự thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Như vậy, việc các xe ô tô lưu thông trên đường phố được dán kín bởi decal, thay đổi màu sơn thể hiện hình ảnh quảng cáo là đang vi phạm quy định của pháp luật.
Việc xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động quảng cáo trên phương tiện giao thông hiện nay được thực hiện theo quy định tại Khoản 49 Điều 1 Nghị định 28/2017/NĐ-CP sửa đổi Điều 61 Nghị định 131/2013/NĐ-CP. Người thực hiện hành vi quảng cáo vượt quá diện tích mỗi mặt được phép quảng cáo của một phương tiện giao thông theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 - 5.000.000 đồng và bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo.