Câu chuyện buồn về bạo lực gia đình ở Phú Yên

Ở tỉnh Phú Yên vẫn còn những câu chuyện buồn về tình trạng bạo lực gia đình, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Mỗi lần nhắc đến chồng mình, chị N.T.H ở xã Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa đều bật khóc. Đã ngoài 50 tuổi nhưng chồng chị không chí thú làm ăn mà tối ngày nhậu. Khi đã say khướt, người chồng lại trút hết những trận đòn, những lời chửi mắng lên thân thể hao gầy của chị. Hai người con trai của chị vì cảnh gia đình đã phải tìm đến cửa nhà chùa nương náu...

Theo thống kê, năm 2016 tỉnh Phú Yên có 216 vụ bạo lực gia đình được xử lý. Trong 6 tháng đầu năm 2017 con số này là 97 vụ. Hầu hết nạn nhân bị bạo lực là phụ nữ và trẻ em gái. Đây cũng mới là con số bề nổi. Còn rất nhiều trường hợp bạo hành khác chưa được báo cáo hay thừa nhận.

Tại Phú Yên, mô hình câu lạc bộ "5 không 3 sạch" ở các vùng nông thôn bước đầu đã đem lại hiệu quả trong tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình. "5 không" là không đói nghèo; không vi phạm pháp luật; không có bạo lực gia đình; không sinh con thứ ba trở lên; không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học. Nội dung "3 sạch" là sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ.

Bà Huỳnh Thị Đức, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Hòa Quang Nam, huyện Phú Hòa cho biết: Mỗi khi có câu lạc bộ sinh hoạt, việc tuyên truyền “không bạo lực gia đình” được chú trọng nhất. Bản thân gia đình các chị tham gia câu lạc bộ đã nói không với bạo lực gia đình. Các trường hợp gia đình có xảy ra mâu thuẫn vợ chồng đều được các thành viên câu lạc bộ tới giúp đỡ, hòa giải. Ngoài ra, chị em còn được phổ biến các kiến thức về luật hôn nhân gia đình; chia sẻ bí quyết giữ gìn hạnh phúc gia đình; trao đổi việc nấu ăn, chi tiêu trong gia đình;..

Bên cạnh những mô hình truyền thông như thế này, nhiều quy định của pháp luật đã giúp cho việc hạn chế tình trạng bạo lực gia đình. Tuy nhiên, xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, nhiều chế tài xử lý vẫn chưa hợp lý. Ví dụ như, quy định về xử phạt hành chính còn ở mức quá thấp; chưa xem xét trách nhiệm của tổ chức có thẩm quyền để xảy ra bạo lực...

Bà Phạm Thị Minh Hiền, Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên cho rằng, hiện nay trong Luật còn một số điều khoản, một số khái niệm chưa được làm rõ. Ví như khái niệm: bạo lực trên cơ sở giới là gì? Nếu không hiểu rõ được vấn đề này thì hiệu quả truyền thông trong cộng đồng rất kém. Với vai trò là một đại biểu dân cử và là người trực tiếp làm công tác chuyên môn liên quan đến trẻ em và phụ nữ, bà Hiền kiến nghị sửa đổi những điểm trong Luật còn chưa phù hợp với thực tiễn đời sống. Từ những điều chỉnh về luật pháp cộng với hiệu quả công tác truyền thông thì phụ nữ và nhất là trẻ em gái mới được bảo vệ.

Ngoài việc tăng cường truyền thông và các giải pháp về pháp luật, cộng đồng xã hội cần lên án mạnh mẽ những hành vi bạo lực. Bản thân người phụ nữ cần có kiến thức cũng như kỹ năng phòng tránh.

Xuân Triệu (TTXVN)
Ngược đãi con - hành vi bạo lực gia đình đáng lên án
Ngược đãi con - hành vi bạo lực gia đình đáng lên án

Thời gian qua, tại một số địa phương đã xảy ra nhiều vụ bạo hành trẻ em mà những người gây ra vụ bạo hành lại chính là bố, mẹ của các em.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN