Chung tay phòng chống bạo lực gia đình

Theo Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), Luật Phòng chống bạo lực gia đình có hiệu lực từ 7/2008 nhưng tình trạng bạo lực gia đình vẫn diễn biến phức tạp. Thống kê cho thấy, trên cả nước cứ khoảng 3 ngày lại có một vụ án liên quan đến bạo lực gia đình.

Những vụ án đau lòng

Câu chuyện về cô gái 22 tuổi Nguyễn Thùy Dung ở xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, Hà Nội bị chồng tưới xăng đốt vào đầu năm 2016 khiến dư luận vô cùng căm phẫn. Từ một cô gái xinh đẹp hơn người, chị Thùy Dung trở nên biến dạng vì những vết bỏng xăng nặng, khiến người nhìn không tránh khỏi thương tâm.

Theo câu chuyện chị Dung kể lại, sự việc bắt nguồn từ mâu thuẫn trong cuộc sống giữa hai vợ chồng. Dung và anh Nguyễn Văn Thành (SN 1991, trú thôn Bạch Thạch, xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai, Hà Nội) lấy nhau sớm và đã có hai mặt con. Từ khi lấy nhau, Thành sinh chứng ăn chơi và thường xuyên đánh vợ. Không chịu đựng được, Dung đã quyết tâm ly hôn nhưng chồng không chịu. Trong lúc cãi vã, Thành đã lấy xăng đốt vợ.

Bạo lực gia đình để lại nhiều hậu quả đối với phụ nữ và trẻ em gái. (Ảnh minh họa).

Còn với trường hợp của chị Nguyễn Tuyết L, 36 tuổi (phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội) mới đây bị người chồng cũ chặn đường đánh đập khiến chị phải nhập viện cấp cứu khâu 7 mũi. Chị Nguyễn Tuyết L kết hôn năm 2007 và có 2 người con. Tuy nhiên, suốt quãng thời gian chung sống, chị L thường xuyên bị chồng đánh đập. Năm 2015, chị L đã gửi đơn ly hôn ra tòa và được chấp thuận cho ly hôn và phân chia tài sản và quyền nuôi con. Tuy nhiên, không chấp nhận phán quyết của tòa, chồng chị L vẫn thường xuyên đe dọa khiến chị L luôn nơm nớp lo sợ.

Theo thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, trung bình một năm, trên cả nước có tới 8.000 vụ ly hôn mà nguyên nhân do bạo lực gia đình. Thống kê từ tòa án một số địa phương cho thấy, số vụ ly hôn xuất phát từ nguyên nhân bạo lực gia đình hằng năm chiếm trên 60%. Đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm bởi có những vụ án người trong cuộc không khai thật những hành vi bạo lực mà họ phải gánh chịu trong gia đình, mà chỉ nói chung chung "tính tình không hợp".

Những khảo sát chuyên ngành gần đây cho thấy, có 48% phụ nữ nông thôn và 38% phụ nữ thành thị bị bạo hành thể chất trong đời. Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2008 - 2015 xảy ra không dưới 250.000 vụ bạo lực gia đình.

Nhiều trường hợp cam chịu

Theo một nghiên cứu mới đây về bạo lực gia đình của Tổng cục Thống kê, gần 60% phụ nữ từng bị bạo lực đã biết về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Thế nhưng, đến 87% phụ nữ bị bạo lực chưa hề tìm đến sự hỗ trợ từ các dịch vụ, hoặc những người có thẩm quyền giúp đỡ; 50% trong số đó thì chọn giải pháp an toàn là im lặng.

Còn theo khảo sát của Trung tâm Ứng dụng khoa học về giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên (CSAGA), hơn 37% phụ nữ được khảo sát cho biết họ bị ép quan hệ tình dục trong giai đoạn từ 1 - 3 năm chung sống cùng nhau. Tuy nhiên, 83% phụ nữ bị bạo lực chấp nhận và cam chịu, chỉ 13% chị em là phản ứng quyết liệt và cương quyết cự tuyệt khi bị ép quan hệ, 49% trong số đối tượng khảo sát đã từng có ý nghĩ sẽ tự tử vì phải chịu đựng các hình thức bạo lực gia đình...

Một số ít người bị bạo hành nghiêm trọng mới tìm đến sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và các cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, việc xử lý và can thiệp của chính quyền tại các địa phương cũng chưa hiệu quả, không hỗ trợ cho phụ nữ mà thậm chí còn đổ lỗi cho họ, mang nặng định kiến giới, giải quyết vụ việc theo quan điểm cá nhân mà không áp dụng các chế tài pháp luật khi tiến hành can thiệp, hòa giải, thiếu các kỹ năng và kiến thức khi xử lý vụ việc. Điều này khiến cho người bị bạo lực không tin tưởng vào hệ thống trợ giúp tại địa phương, lại tự loay hoay giải quyết. Việc người gây bạo lực khi không bị xử lý hoặc xử lý không nghiêm khiến các hành vi bạo lực vẫn tiếp diễn.

Ông Phạm Ngọc Tiến, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, cho biết: “Nguyên nhân khiến bạo lực gia đình với phụ nữ và trẻ em diễn biến phức tạp do quan niệm truyền thống Á Đông bén rễ lâu đời, như vợ phải biết nghe lời chồng, “một điều nhịn, chín điều lành”... tác động không nhỏ đến các vụ bạo lực gia đình. Quan niệm này tồn tại nhiều đời tại khu vực nông thôn và lao động di cư, dẫn đến tình trạng bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái khu vực trên diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, bạo lực về tinh thần, kinh tế cũng đang gia tăng”.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra nguyên nhân phổ biến của tình trạng bạo hành gia đình chủ yếu xuất phát từ nhận thức của người dân. Trong khi rất nhiều người đàn ông không biết rằng, bạo lực gia đình là vi phạm pháp luật thì nhiều bà vợ bị bạo hành vẫn âm thầm chịu đựng nỗi đau thể xác và tinh thần.

“Nhiều phụ nữ nông thôn không dám nói ra chuyện mình bị bạo hành, bởi họ sợ mọi người chê cười, sợ họ hàng dè bỉu, con cái xấu hổ với bạn bè...”, ông Phạm Ngọc Tiến cho biết.

Hệ thống pháp luật của Việt Nam được xem là bảo đảm quyền bình đẳng và không phân biệt đối xử trên cơ sở giới. Hiến pháp của Việt Nam năm 2013 tiếp tục khẳng định quyền bình đẳng giữa nữ và nam về mọi mặt, nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới. Trong thực tế, nhiều văn bản pháp luật khác trên cơ sở đó cũng đã thể hiện được tinh thần bình đẳng giới của Hiến pháp, như: Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình...”. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn khoảng cách giữa luật pháp, chính sách và thực thi pháp luật liên quan đến bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình”, bà Astrid Band, Trưởng đại diện UNFPA (Quỹ dân số Liên hiệp quốc) tại Việt Nam nhận xét.

Bà Nguyễn Thu Giang, Viện Phó Viện Ligth:

Theo khảo sát tại 9 xã tại huyện Kiến Xương (Thái Bình), trong số các vụ bạo lực gia đình thì bạo lực tinh thần chiếm 61%, về thể xác chiếm 19%, bạo lực về tình dục chiếm 6% và bạo lực về kinh tế chiếm 14%. Có nhiều nguyên nhân như: 76% cho rằng từ nghèo đói, 38,1% cho rằng chồng có hành vi sống không lành mạnh, chỉ có 10,6% cho rằng đó là nguyên nhân về bình đẳng giới và 7,5% cho rằng là do thiếu hiểu biết về pháp luật. Từ khảo sát này, nhóm tư vấn kiến nghị để giảm bạo lực trong phụ nữ và trẻ em gái cần nâng cao nhận thức của các đối tượng thông qua tư vấn về pháp luật, trong đó có cả đối tượng nam giới.

Bà Nguyễn Thúy Hạnh, chuyên gia tư vấn về giới:

Nhiều phụ nữ di cư là nạn nhân của bạo lực gia đình. Tính chất công việc bấp bênh và sự bất ổn trong cuộc sống của lao động di cư là nguyên nhân khiến gia đình thường xảy ra mâu thuẫn. Vì bị bạo hành gia đình, nhiều phụ nữ buộc phải di cư nhưng cũng có phụ nữ di cư trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình. Bên cạnh đó, phụ nữ di cư cũng phải đối diện với các hình thức bạo hành khác, trong đó có bạo lực tình dục tại nơi làm việc.


Xuân Cường
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN