Cảnh báo tai biến làm đẹp cuối năm

Dù dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp nhưng nhu cầu làm đẹp vào dịp cuối năm của người dân vẫn tăng cao. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm các bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp biến chứng, thậm chí tử vong do làm đẹp ở những cơ sở thẩm mỹ không an toàn.

Từ biến chứng đến tử vong

Chị N.T.K.L (30 tuổi, ngụ tại Bình Tân) được người quen giới thiệu đến một cơ sở spa ở quận Bình Tân để tiêm filler nâng mũi. Tại đây, chị được chủ spa tư vấn tiêm 2cc filler Hàn Quốc với giá 1.200.000đ/1cc. Tổng cộng, chị L tiêm 2cc filler với giá 2.400.000đ.

Chị K. L. kể, sau khi thỏa thuận xong chi phí, nhân viên spa đã sử dụng một ống tiêm gắn kim dài và tiêm vào vùng mũi của chị. Trong quá trình tiêm, chị thấy tê vùng miệng nên báo cho người thực hiện nhưng người này nói “bình thường” và tiếp tục tiêm.

Chú thích ảnh
Trong thời gian gần đây, các bệnh viện liên tiếp xử lý nhiều trường hợp bị biến chứng làm đẹp ở cơ sở spa không phép. Ảnh: BV

“Khoảng vài giờ sau tiêm, vùng miệng của tôi bị sưng, bầm đỏ, cảm giác đau, tê… Sau đó, tôi liên hệ lại spa nhưng chủ spa báo đây là “biểu hiện bình thường sẽ hết sau vài ngày”. Tuy nhiên, 2-3 ngày sau khi da bắt đầu đỏ nhiều, nổi mủ trắng, tôi liên hệ lại spa và được giải thích “da đang đào thải độc tố”. Do quá lo lắng, tôi đến trực tiếp spa và được tiêm thuốc giải nhưng tình trạng vẫn không cải thiện, da đỏ và mụn mủ nổi nhiều hơn”, chị K. L bức xúc kể.

TS.BS Trần Nguyên Ánh Tú, Phó trưởng khoa Thẩm mỹ da Bệnh viện Da Liễu TP Hồ Chí Minh cho biết, chị L đang có biểu hiện của tình trạng hoại tử da vùng mũi do tiêm chất làm đầy. Nguyên nhân, có thể do tắc mạch khi tiêm một lượng filler khá lớn (2 cc) vào vùng mũi cùng một thời điểm, gây chèn ép mạch máu hoặc tiêm không đúng kỹ thuật, dẫn đến việc chất làm đầy đi vào lòng mạch, gây thuyên tắc. Đó là chưa kể đến, nếu không tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc vô trùng cũng như chất lượng sản phẩm filler không đảm bảo cũng sẽ góp phần làm nặng thêm biến chứng.

Theo Bệnh viện Da Liễu TP Hồ Chí Minh, trung bình mỗi tháng bệnh viện tiếp nhận vài trường hợp tai biến do tiêm chất làm đầy. Đặc biệt, càng gần tới thời điểm cuối năm thì các trường hợp tai biến càng nhiều. Nhiều trường hợp tai biến nặng phải phẫu thuật để lấy hết filler ra, chi phí khá tốn kém và mất nhiều thời gian để phục hồi. Không chỉ thế, di chứng sau phẫu thuật có thể tạo sẹo xấu và mất mô da, gây ảnh hưởng thẩm mỹ.

Chú thích ảnh
Các bác sĩ Bệnh viện Da Liễu TP Hồ Chí Minh xử lý một trường hợp biến chứng sau làm đẹp. Ảnh: BV 

Bệnh viện Nhân dân 115 cũng cho hay, mới đây đơn vị đã tiếp nhận hai trường hợp tử vong sau khi thực hiện dịch vụ thẩm mỹ tại các cơ sở thẩm mỹ trên địa bàn quận Tân Phú và Quận 1. Cụ thể, nữ bệnh nhân (24 tuổi, ngụ Quận 10) vào Thẩm mỹ viện Diep Clinic (quận Tân Phú) để thẩm mỹ vùng lưng. Sau khi được thực hiện phương pháp ủ tê vùng lưng, bệnh nhân đã co giật, khó thở, tím tái. Tại bệnh viện, các bác sĩ đã nỗ lực hồi sức nhưng người bệnh không qua được nguy kịch.

Trường hợp thứ 2 là bệnh nhân H.T.N (31 tuổi, ngụ Quận 8) đến một cơ sở thẩm mỹ trên đường Nguyễn Công Trứ, phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1 để thực hiện hút mỡ bụng. Sau khi hút mỡ bụng xong, đến 17 giờ cùng ngày, chị N. về nhà thì cảm thấy mệt nên đi ngủ. Đến khuya, người nhà phát hiện chị tím tái và được gia đình đưa đến bệnh viện cấp cứu. 

Theo BS.CK2 Trần Văn Sóng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân Dân 115, bệnh nhân N. được đưa đến bệnh viện trong tình trạng đã ngưng tim, ngưng thở, đồng tử giãn, tím tái toàn thân. Các bác sĩ tiến hành ép tim, nhồi tim, hồi sinh tim phổi, dùng thuốc, ngưng tuần hoàn hô hấp nhưng không hiệu quả. Đến khoảng 5 giờ ngày 6/12, bệnh nhân đã tử vong.

Trước đó, giữa tháng 10/2021, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng cấp cứu cho nữ bệnh nhân đến hút mỡ bụng ở Bệnh viện thẩm mỹ Gangwhoo (quận Tân Bình), nhưng người này đã tử vong.

Kiểm tra đột xuất các cơ sở thẩm mỹ

Liên quan đến 3 ca tử vong sau thẩm mỹ, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, Sở Y tế đã phối hợp Phòng Y tế, Cơ quan Cảnh sát điều tra và các ngành liên quan tiến hành kiểm tra các cơ sở xảy ra tai biến sau khi thực hiện dịch vụ thẩm mỹ nói trên.

Liên quan đến trường hợp tử vong tại cơ sở Diep Clinic (quận Tân Phú), cơ quan chức năng xác nhận cơ sở làm đẹp này chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ của các máy laser, thuốc, kem gây tê, mỹ phẩm. Ngoài ra, cơ sở này có thực hiện kỹ thuật laser nhưng chưa có giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh. Theo đó, Thanh tra Sở Y tế đã yêu cầu cơ sở trên lập tức ngưng các dịch vụ thẩm mỹ xâm lấn.

Chú thích ảnh
Chị N.T.K.L đến khám tại Bệnh viện Da Liễu TP Hồ Chí Minh trong tình trạng vùng mũi, miệng bầm tím, vùng nhân trung và môi phù nề, trên mũi xuất hiện các nốt có mủ, đóng mày vàng, bệnh nhân không sốt, than đau, ăn uống kém…

Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, nhằm chấn chỉnh hoạt động trong lĩnh vực thẩm mỹ, từ tháng 3/2021, Sở Y tế đã có công văn gửi Chủ tịch UBND các quận, huyện và thành phố Thủ Đức về việc tăng cường kiểm tra các cơ sở hành nghề không phép trên địa bàn. Bên cạnh đó, Sở Y tế thường xuyên kiểm tra đột xuất các cơ sở có vi phạm theo thông tin phản ánh của người dân qua đơn, qua ứng dụng y tế trực tuyến.

Hiện Sở Y tế đang phối hợp Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an TP Hồ Chí Minh kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh dịch vụ làm đẹp, cơ sở dịch vụ thẩm mỹ có dấu hiệu hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ không phép, thời gian kiểm tra từ ngày 30/11 đến 30/12.

PGS.TS.BS Phạm Hiếu Liêm, Trưởng Đơn vị Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Da liễu TP Hồ Chí Minh cho biết: “Ai cũng mong muốn được làm đẹp, tuy nhiên người dân cần lưu ý tìm hiểu kỹ nơi thực hiện phẫu thuật có hợp lệ về chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động, cơ sở này có thật sự uy tín… hay không? Sau phẫu thuật, nếu thấy có các dấu hiệu lạ tại vùng phẫu thuật, bệnh nhân phải đi khám ngay để được phát hiện sớm và xử lý triệt để nếu có biến chứng xảy ra”.

Còn theo TS.BS Nguyễn Thanh Vân, bất kỳ phương pháp phẫu thuật nào cũng có nguy cơ gây ra các tai biến nguy hiểm. Với những bác sĩ có chuyên môn, tay nghề đã thuần thục và trang thiết bị y tế đúng quy chuẩn thì việc cấp cứu cho người bệnh không khó khăn. Tuy nhiên, những người tay ngang đi phẫu thuật thẩm mỹ, họ không có trình độ chuyên môn cũng như các phương tiện cấp cứu, rủi ro trong phẫu thuật và rủi ro cho người bệnh càng lớn hơn.

Bác sĩ Đỗ Quang Hùng, phó chủ tịch Hội Thẩm mỹ TP Hồ Chí Minh cho biết thêm, sau dịch nhiều người ít vận động, cơ thể sẽ có nhiều khuyết điểm như tăng cân, béo phì sẽ dẫn đến nhu cầu làm đẹp ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 gây nguy cơ tăng động mạch máu xuất hiện. Do vậy, khi làm phẫu thuật bắt buộc phải được tầm soát kỹ như: tầm soát huyết khối, đo huyết khối tĩnh mạch với người trên 40 tuổi... đây là nguyên nhân dễ dẫn đến biến chứng sau khi thẩm mỹ.

Đan Phương/Báo Tin tức
Nhộn nhịp các dịch vụ làm đẹp cuối năm
Nhộn nhịp các dịch vụ làm đẹp cuối năm

Với mong muốn có diện mạo đẹp để đón Tết, nhiều người đã đua nhau đi “tút” lại nhan sắc. Các dịch vụ làm đẹp hiện hoạt động rất nhộn nhịp, từ các tiệm làm tóc, spa, cho đến các thẩm mỹ viện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN