Bên lề Quốc hội, đại biểu Phan Văn Quý (Nghệ An) trao đổi với phóng viên Tin tức về việc cần chú trọng công tác dạy nghề để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó có việc thu hút các doanh nghiệp vào dạy nghề tại vùng nông thôn, miền núi:
Đại biểu Phan Văn Quý (Nghệ An) |
Ông đánh giá như thế nào về công tác dạy nghề hiện nay?
Vấn đề dạy nghề là 1 trong 3 khâu đột phá mà Đảng, Nhà nước đề ra: Đột phá thể chế, hạ tầng cơ sở và nhân lực.
Hiện nay, chất lượng nguồn lao động Việt Nam thấp hơn so với các nước trong vực do công nghệ còn lạc hậu, kỷ luật lao động và quản trị. Theo tôi, công tác dạy nghề Việt Nam yếu kém vì người lao động không đào tạo cơ bản và giáo trình xa rời thực tiễn, không gắn với thị trường.
Do đó, để nâng cao chất lượng dạy nghề, hệ thống dạy nghề cần được tổ chức hệ thống từ Trung ương đến địa phương và được quản lý chặt chẽ và được đầu tư về cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, giáo trình dạy nghề gần với thực tế đào tạo lao động đáp ứng thị trường.
Để thu hút doanh nghiệp, theo ông cần phải làm gì?
Theo tôi phải sửa đổi một số điều trong Luật Thuế sửa đổi. Tôi có góp ý vào 2 vấn đề: Khuyến khích doanh nghiệp nào có điều kiện đầu tư vào lĩnh vực dạy nghề được miễn giảm thuế như đầu tư vào công nghiệp phụ trợ.
Thứ hai là doanh nghiệp tham gia hỗ trợ đào tạo nghề cho vùng nông thôn, miền núi được khấu trừ vào thuế như một dạng hỗ trợ cho người nghèo, vào công tác khuyến học để xã hội hóa đầu tư.
Là doanh nghiệp, tôi nhận thấy nhà đầu tư khi quyết định đầu tư dựa vào 4 tiêu chí: cơ chế chính sách; chính trị ổn định; hạ tầng giao thông; lao động giá rẻ gắn với tay nghề.
Các nhà đầu tư nước ngoài nhận xét, lao động Việt Nam giá rẻ nhưng thiếu chuyên nghiệp, do đó khi tuyển lao động đều phải đào tạo lại. Do đó, việc đào tạo nghề của Việt Nam cần được tổ chức bài bản, việc sửa đổi Luật Dạy nghề phải tạo sự đột phá cho công tác dạy nghề, đồng thời Luật Thuế sửa đổi cũng có chính sách để doanh nghiệp đầu tư vào công tác dạy nghề. Có như vậy mới đột phá trong công tác đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề, kỹ năng.
Theo ông, thì người lao động đã quan tâm đến công tác học nghề?
Đối với nhiều vùng quê thì người dân đã quan tâm đến công tác học nghề. Hiện nhiều người cũng đã nhận thấy học xong đại học cũng khó xin việc. Trong khi đó, người dân quan tâm có công việc, thu nhập ổn định. Muốn vậy, học nghề đang được nhiều bạn trẻ có xu hướng lựa chọn. Vấn đề là việc đào tạo nghề cần phải được nâng cao về chất lượng, từ giáo trình đến giảng viên, vấn đề thực hành để sát với thực tiễn.
Người dân cũng nhận thấy, nếu học đại học thì đầu tư khoảng 10 năm sau mới có việc làm ổn định. Trong khi, học nghề sau 2 năm có thể ra trường làm việc. Do đó, người dân, nhất là tại khu vực nông thôn chọn vào học trường nghề có tiếng, đào tạo kỹ năng làm việc để ra trường có việc làm ngay.
Thực tế khi tham gia hỗ trợ dạy nghề, ông thấy các trường nghề cần cải thiện vấn đề gì?
Doanh nghiệp của tôi có tham gia hỗ trợ một trung tâm dạy nghề ở Yên Thành (Nghệ An) và vấn đề tôi nhận thấy là việc bổ xung giáo án, giáo trình từ thực tế của các doanh nghiệp vào dạy nghề để người lao động có có kiến thức thực tế.
Sau khi có sự tham gia của các doanh nghiệp, trường nghề tại Yên Thành đã có các khóa học đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu của doanh nghiệp. Việc đào tạo nghề thực tế giúp người có thể bắt tay vào làm việc luôn, tạo ra sản phẩm cụ thể.
Xin cám ơn ông!
Xuân Cường (thực hiện)