Cận cảnh bất động sản quây tôn 'om đất' để hoang tàn giữa lòng thành phố

Việc các dự án bất động sản (BĐS) quây tôn giữ đất rồi bỏ không, để hoang là thực trạng đáng buồn hiện nay giữa lòng Thủ đô, vừa làm mất mỹ quan đô thị, vừa gây lãng phí nguồn lực đất đai. Sau những lớp tôn cũ nát, bên trong các khu đất quây tôn này, lẫn trong những đám cỏ cây dại mọc ùm tùm, là cảnh máy móc thiết bị hỏng hóc vứt chỏng chơ, không biết bao giờ có dấu hiệu được khởi động lại...

Câu chuyện xử lý những dự án BĐS chậm triển khai nêu trên hay còn gọi là dự án “treo” là vấn đề tồn tại nhiều năm nay, mặc dù được nhắc đến nhiều lần trong những kỳ họp Quốc hội, được cử tri đặc biệt quan tâm và đã có không ít trường hợp được nêu tên, bị xử lý nghiêm, nhưng “đâu lại vào đấy” gây bức xúc trong dư luận xã hội. Nhiều người dân sinh sống xung quanh những dự án này cho rằng, quy định pháp luật hiện nay đối với dự án bỏ hoang chưa rõ ràng là nguyên nhân chính khiến việc thu hồi đất dự án dạng này gặp nhiều khó khăn.

Video ghi nhận những dự án bất động sản quây tôn 'om đất' để hoang tàn giữa lòng thành phố:

Dạo một vòng quanh Hà Nội, có thể dễ dàng và xót xa ghi nhận được những hình ảnh về đất công, đất vàng bị bỏ hoang, nhất là tại những quận nội đô đang có tốc độ đô thị hóa cao như: Hà Đông, Long Biên, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy... Đáng chú ý nhất là tại quận Hà Đông đang có nhiều dự án rộng hàng nghìn m2, quây tôn rồi bỏ không cả chục năm nay, nhưng vẫn chưa có tín hiệu khởi động. Riêng tại phường Mộ Lao, có cả chục khu đất dự án bị bỏ hoang tàn và đáng buồn là tình trạng tập kết phế thải gây ô nhiễm môi trường, hiện tượng biến tướng trông xe giữ đất, cỏ cây mọc dại... khiến bộ mặt đô thị tăng thêm phần nhếch nhác bên ngoài những hàng rào tôn cũ nát. 

Đơn cử, trên đường Vũ Trọng Khánh có 4 - 5 khu đất được quây tôn từ hàng chục năm nay, như các lô đất của Công ty TSQ Việt Nam, Tổ hợp chung cư Booyoung Vina... Qua tìm hiểu, tất cả các dự án bỏ hoang này đều có điểm chung là bị kéo dài do điều chỉnh quy hoạch dự án, điều chỉnh địa giới hành chính, nên các chủ đầu tư kéo dài thời gian làm thủ tục tiếp theo, khiến cơ quan chức năng địa phương khó xử lý. Bên cạnh đó, cũng có nguyên nhân từ chủ đầu tư, như khi thị trường BĐS hết “nóng”, nhà đầu tư không ngừng "rót vốn", nên dự án không triển khai được...

Chú thích ảnh
Dự án Chung cư 175 Nguyễn Thái Học - Chung cư Tiến Bộ Plaza là một trong số ít dự án của Hà Nội nhộn nhịp thi công ngay sau khi khởi công.
Chú thích ảnh
Bên ngoài dự án quây tôn bỏ hoang, để cây cỏ mọc um tùm trên đường Cổ Linh (quận Long Biên).
Chú thích ảnh
Hàng rào tôn hoen rỉ, xuống cấp bên ngoài dự án BĐS đã bỏ hoang từ nhiều năm nay trên phố Hoàng Minh Đạo (quận Long Biên).
Chú thích ảnh
Cảnh hoang tàn, vật liệu xây dựng chỏng chơ, cây cỏ dại mọc um tùm... bên trong dự án.

Theo quy định tại Luật Đất đai, “Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng; trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này; hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng”. Tuy nhiên trên thực tế, những dự án như thế này thu hồi còn quá ít, khiến dư luận không khỏi băn khoăn. Còn theo quy định tại Luật Đầu tư, chủ đầu tư dự án BĐS phải ký quỹ để đảm bảo tiến độ xây dựng dự án và bàn giao khách hàng.

Chú thích ảnh
Nhức mắt cảnh bên ngoài hàng rào tôn cũ nát tại dự án Trường THPT chất lượng cao Mùa Xuân đã bị bỏ hoang từ lâu trên phố Hồng Tiến, quận Long Biên.
Chú thích ảnh
Hàng rào tôn cũ nát theo thời gian kéo dài cả km dựng ngoài khu đất trên phố Nguyễn Khánh Toàn, quận Cầu Giấy, bên trong trở thành các điểm rửa xe, trông giữ xe.... 
Chú thích ảnh
Một dự án BĐS quây tôn giữ đất trên phố Đào Tấn, quận Ba Đình không cho thấy dấu hiệu thi công từ nhiều năm nay.
Chú thích ảnh
Biển báo công trình Trung tâm thương mại Capital House đã phai mờ theo năm tháng trên đường Tố Hữu, quận Nam Từ Liêm. 

Các chuyên gia xây dựng nhận định, đây là hiện tượng làm lãng phí nguồn lực tài sản công của Nhà nước, tác động tiêu cực đến quyền và lợi ích của người dân, gây bức xúc xã hội. Nguyên nhân xuất hiện tình trạng này là do nhà đầu tư không có đủ năng lực tài chính, nhưng vẫn tìm cách đề xuất dự án rồi giữ đất chờ tăng giá để chuyển nhượng. Thêm vào đó, cơ chế “xin cho” cũng là nguyên nhân khiến tình trạng xin dự án rồi bỏ không diễn ra tràn lan, trong khi quy định xử lý dự án treo vẫn chưa thực sự quyết liệt, dẫn đến việc xử lý xong rồi “đâu lại vào đấy”.

Bên cạnh đó, pháp luật về quy hoạch xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản đã có các quy định cụ thể về việc lập, thẩm định, phê duyệt, quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch dự án BĐS; yêu cầu đối với dự án kinh doanh bất động sản, dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trách nhiệm của chủ đầu tư dự án. Việc xử lý các dự án “treo” tại Hà Nội cần chế tài kiên quyết hơn, thay vì thu hồi đất, nên có chế tài xử phạt nặng chủ đầu tư để răn đe.

Chú thích ảnh
Không biển báo công trình, đăng sau hàng rào tôn cũ nát, bên trong khu đất dự án BĐS trên đường Vũ Trọng Khánh (quận Hà Đông) này là cảnh chỏng chơ máy móc, thiết bị xây dựng đã cũ hỏng.
Chú thích ảnh
Bên ngoài dự án, người dân sinh sống quanh khu vực đã tranh thủ trồng rau màu.
Chú thích ảnh
Khu đất quây tôn cũ nát của Công ty TQS Việt Nam bỏ hoang nhiều năm nay trên đường Vũ Trọng Khánh (quận Hà Đông).
Chú thích ảnh
Cảnh nhếch nhác bên ngoài lớp tôn quây tại hầu hết các dự án quây tôn giữ đất hiện nay tại Hà Nội. 
Chú thích ảnh
Lô đất dự án chung cư Booyoung tại Khu đô thị Mỗ Lao, bỏ hoang suốt gần chục năm qua trên phố Vũ Trọng Khánh (quận Hà Đông).

Hàng trăm dự án chậm triển khai, “đắp chiếu” giữa lòng Thủ đô đang để lại những hệ lụy lớn về kinh tế, môi trường sinh thái, quản lý đô thị. Việc thanh tra, kiểm tra các dự án bỏ hoang là cần thiết. Các dự án thu hồi để tiếp tục triển khai thì cần đấu thầu, đấu giá chặt chẽ, minh bạch để lựa chọn được chủ đầu tư đủ năng lực, nếu không “dự án đen” lại tái diễn.

 

Bài, ảnh, video: Vân Sơn/Báo Tin tức
Nhếch nhác chung cư nghìn tỷ bỏ hoang, xót xa đất vàng bị lãng phí
Nhếch nhác chung cư nghìn tỷ bỏ hoang, xót xa đất vàng bị lãng phí

Hàng loạt dự án chung cư cao cấp, bệnh viện nghìn tỷ đã được xây dựng cao tầng từ 10 năm, thậm chí gần 20 năm qua, nằm trên những tuyến phố "đất vàng" tại nhiều quận nội đô Hà Nội, nhưng đang bị bỏ hoang, nhếch nhác, như những "hạt sạn" gây mất mỹ quan đô thị, lãng phí ngân sách, trong khi các doanh nghiệp có năng lực khác thì mất cơ hội đầu tư.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN