Nỗi sợ hãi của lái tàu
Sáng 14/6, Tàu SE2 đang chạy hành trình từ TP Hồ Chí Minh - Hà Nội khi đến địa phận tỉnh Bình Thuận tại khu gian đoạn đường sắt nối hai ga liền kề Sông Phan - Suối Vận, lý trình Km1572 thuộc xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam thì bị sự cố trật bánh khỏi đường ray, khiến tuyến đường sắt Bắc Nam bị gián đoạn. Sự cố khiến tàu SE11 và một số tàu chạy tuyến Bắc Nam phải điều tiết dừng lại tại các ga lân cận để chờ khắc phục.
Sự cố khiến nhiều hành khách lo lắng, nhưng may mắn không xảy ra thương vong về người. Ngay sau khi sự việc xảy ra, ngành Đường sắt đã điều động lực lượng cứu hộ khẩn trương đến hiện trường tập trung sửa chữa, gia cố lại đường ray... để đảm bảo thông tuyến sớm nhất. Đến trưa cùng ngày, tuyến đường sắt Bắc Nam đã thông tuyến.
Về những sự cố bất ngờ xảy ra thường xuyên trên tuyến đường sắt Bắc Nam được nhiều lái tàu chia sẻ, chỉ đến khi tàu về đến các ga cuối, toàn bộ tổ lái, nhân viên, người lao động phục vụ trên từng chuyến tàu mới thở phào nhẹ nhõm. Lái tàu trong điều kiện đường ngang, lối đi tự mở nhan nhản, không biết trước điều gì sẽ xảy ra...
Đơn cử, anh Lê Công Thức (lái tàu thuốc Đội lái máy 10, Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội) chia sẻ, Đội lái máy 10 đảm nhận lái tàu khu đoạn Hà Nội - Đà Nẵng. Tuyến này có 2 khu đoạn thường xuyên xảy ra tai nạn, sự cố tại các vị trí đi qua huyện Thanh Trì (Hà Nội), Phủ Lý (Hà Nam). Mỗi lần tàu đi qua những vị trí này, lái tàu đều cảm thấy căng thẳng, áp lực, trước khu dân cư đông đúc, lối đi tự mở bám trụ đường sắt và không biết khi nào sẽ có người, phương tiện vượt ẩu qua đường sắt để đề phòng tai nạn...
Từ thực tế nhiều vụ tai nạn, sự cố đường sắt mà các lái tàu đã chứng kiến, theo anh Lê Công Thức, nguyên nhân chủ yếu là do ý thức người tham gia giao thông chưa cao. Tại các đường ngang, lối mở tự phát hiện này chưa có cảnh báo gác chắn, cần chắn tự động, khi chuông đã kêu, đèn đỏ nháy sáng báo hiệu có tàu đến... nhưng nhiều lái xe vẫn cố tình điều khiển xe vượt qua đường sắt, dẫn đến tai nạn tàu va. Hay tại các lối đi tự mở, người dân chưa có hiểu biết về đặc thù của đường sắt nên đi, đứng, ngồi sát đường sắt, lái tàu nhiều khi bị khuất tầm nhìn bởi các khúc cong cua, khi phát hiện chướng ngại phía trước thì đã muộn...
"Nếu nhìn từ xa, sẽ thấy đoàn tàu từ từ chạy, tưởng là chậm, nên nhiều người vẫn cố vượt qua đường sắt, nhưng thực tế, đoàn tàu là cả khối sắt thép nặng 500 - 600 tấn, chạy tốc độ bình quân 70 km/giờ, không thể hãm phanh, giảm tốc độ như ô tô. Tàu muốn dừng được phải có cự ly hãm phanh an toàn trước chướng ngại vật khoảng 800 m. Bên cạnh đó, thời gian tàu dừng còn phụ thuộc vào địa hình lên dốc, xuống dốc, đường cong hay thẳng, phụ thuộc vào tốc độ tàu chạy và cả chiều dài đoàn toa xe...", anh Lê Công Thức chia sẻ.
Giải pháp ngăn tai nạn đường sắt
Theo rà soát của Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ GTVT), triển khai Quyết định số 358/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt, đến nay, các địa phương có tuyến đường sắt đi qua đã chủ động đầu tư kinh phí rào đóng, xóa bỏ hơn 500 lối đi tự mở nguy hiểm, nhưng hiện vẫn tồn tại hơn 3.500 lối đi tự mở khác; công tác xây dựng đường gom, hàng rào ngăn cách đường bộ, đường sắt mới được hơn 8,5/650 km; xây dựng được 4/297 đường ngang...
Cục Đường sắt Việt Nam cũng đã có nhiều văn bản đôn đốc các địa phương chưa thực hiện hoặc chậm thực hiện việc lập kế hoạch kiến nghị các cấp có thẩm quyền ưu tiên bố trí vốn triển khai Quyết định 358/TTg, với tổng kinh phí dự kiến hơn 7.185 tỷ đồng.
Còn theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, qua thống kê, 5 tháng đầu năm 2023 đã xảy ra 68 vụ tai nạn đường sắt, trong đó 31 vụ xảy ra tại lối đi tự mở (chiếm tỷ lệ 46%), 27 vụ xảy ra dọc đường sắt (40%), 10 vụ tại đường ngang cảnh báo tự động (15%).
Ông Phan Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho hay, khắc phục các nguyên nhân trên, giải pháp hữu hiệu hiện nay là đầu tư các công trình hạ tầng nhằm ngăn ngừa người, phương tiện vượt ẩu, đi lại trên đường sắt.
Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 358/TTg ban hành Đề án đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông đường sắt và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt, đề ra lộ trình cụ thể với nhiều giải pháp về hạ tầng như: Làm hàng rào, đường gom, cầu vượt, hầm chui, mở đường ngang...
Trong đó nêu rõ, nguồn vốn Trung ương, địa phương đặt mục tiêu đến năm 2025 xóa bỏ hoàn toàn lối đi tự mở. Đây là các giải pháp căn cơ để giảm thiểu các nguy cơ uy hiếp đến an toàn giao thông đường sắt.
Ngoài ra, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đang triển khai ký hợp đồng đặt hàng lắp đặt bổ sung thiết bị tín hiệu tự động tại 270 đường ngang qua đường sắt, chia thành 65 công trình, với tổng số vốn 400 tỷ đồng nguồn ngân sách Nhà nước.
Bên cạnh nỗ lực của các cơ quan chức năng, quan trọng hơn cả vẫn là mỗi người dân cần tự nâng cao ý thức, trách nhiệm khi tham gia giao thông qua những điểm giao cắt với đường sắt. Khi nào người dân vẫn còn chưa chủ động trong việc phòng tránh tai nạn giao thông, cố tình tái diễn các hành vi vi phạm pháp luật như: Tự mở lối đi dân sinh; lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt để xây dựng công trình, tụ tập buôn bán, đổ rác thải bừa bãi… thì ẩn họa tai nạn giao thông vẫn sẽ thường trực.