Cụ thể, Tập đoàn VNPT sẽ hỗ trợ 37.000 máy tính bảng cùng các chính sách hỗ trợ khác. “Trong chương trình Sóng và máy tính cho em, Tập đoàn VNPT sẽ tham gia hỗ trợ 37.000 máy tính bảng để giúp học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16 triển khai học trực tuyến, bảo đảm không để học sinh nào “bị bỏ lại phía sau”, ông Nguyễn Nam Long, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT cho biết.
Hệ sinh thái giáo dục thông minh vnEdu 4.0 do Tập đoàn VNPT phát triển bao gồm hơn 20 sản phẩm, dịch vụ theo 4 nhóm: quản lý số; học tập số, nghiên cứu số ; tích hợp số. Hệ sinh thái này đã bao phủ toàn bộ các quy trình, nghiệp vụ của ngành giáo dục và đã được triển khai trên 63 tỉnh/thành phố, với hơn 32.000 cơ sở giáo dục, hơn 800.000 hồ sơ giáo viên và hơn 8 triệu hồ sơ học sinh/sinh viên. Có một số giải pháp, ứng dụng trong hệ sinh thái giáo dục thông minh vnEdu4.0 của VNPT đã và đang phục vụ hiệu quả cho công tác dạy và học trực tuyến của ngành GD&ĐT như VNPT E-Learning, VnEdu, giải pháp Học và thi trực tuyến.
VNPT có chương trình miễn phí giải pháp học và thi trực tuyến VNPT E-Learning cho toàn bộ các trường phổ thông, đại học; Miễn phí 4Gb dữ liệu di động/ngày cho 1 triệu học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo khi được tặng máy tính trong thời gian 3 tháng để học tập trực tuyến; Hỗ trợ các gói cước hạ tầng công nghệ thông tinT cho các cơ sở đào tạo đại học gồm: Máy chủ hoặc chỗ đặt máy chủ, đường truyền đảm bảo dạy, học trực tuyến.
Bên cạnh đó, ngày 10/9/2021, theo chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), VNPT đã phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông khác thực hiện phủ sóng và nâng cao chất lượng sóng di động tại các thôn/bản chưa có sóng di động. VNPT đã bắt tay ngay vào việc triển khai khảo sát, phân tích, đưa ra phương án và triển khai thực hiện cuốn chiếu tại từng điểm theo thứ tự ưu tiên. Hiện các hạng mục công việc đang được VNPT triển khai với tiến độ khẩn trương nhất để đảm bảo hoàn thành phủ sóng các thôn/bản còn lại trong tháng 9/2021 theo đúng thời hạn mà Bộ TT&TT đã yêu cầu.
Tham gia vào chương trình “Sóng và máy tính cho em”, trong năm 2021, MobiFone và các doanh nghiệp viễn thông, CNTT sẽ cùng hỗ trợ 1 triệu máy tính giúp cho 1 triệu học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo học trực tuyến. MobiFone sẽ kêu gọi mỗi cán bộ công nhân viên hỗ trợ tối thiểu 1 máy tính bảng để ủng hộ 4.000 máy đảm bảo thiết bị học tập cho các em nhỏ trên cả nước, công việc ý nghĩa này dự kiến hoàn thành trong tháng 9/2021.
MobiFone sẽ miễn phí 100% cước kết nối Internet di động tới các nền tảng học trực tuyến Việt Nam được Bộ TT& TT công bố. Đồng thời MobiFone sẽ cùng với các nhà mạng cung cấp miễn phí 4GB/ngày trong thời gian 3 tháng cho 1 triệu học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo được tặng máy tính trong chương trình.
MobiFone đã gấp rút lắp đặt bổ sung các trạm phát sóng, tăng công suất trạm để tăng cường vùng phủ trạm 4G. MobiFone cũng đã triển khai nhân đôi băng thông kết nối Internet cho thuê bao băng thông rộng, giữ nguyên giá gói cước. Trong tháng 9, MobiFone sẽ chủ trì hoàn thành phủ sóng 54 thôn/bản tại 5 tỉnh Cần Thơ, Bình Phước, Đồng Tháp, Khánh Hòa, Phú Yên. Cùng với đó MobiFone sẽ cùng hai nhà mạng Viettel, Vinaphone triển khai phủ sóng 1910 thôn/bản còn chưa sóng điện thoại trên toàn quốc trong năm 2021.
Phục vụ cho công tác dạy và học trực tuyến, MobiFone đã phát triển sản phẩm MobiEdu. Đây là nền tảng hỗ trợ chuyển đổi số toàn diện trong ngành giáo dục, giúp duy trì việc học tập giữa nhà trường và học sinh thông qua mô hình học tập online với đường truyền và kết nối ổn định, thông suốt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Nền tảng học trực tuyến MobiEdu được MobiFone đã triển khai miễn phí từ tháng 5/2021. Cho đến thời điểm này đã có hơn 400 trường học sử dụng và sẽ tiếp tục miễn phí đến hết học kỳ I năm học 2021-2022. Dự kiến sẽ có 500 trường học, tương ứng khoảng 500.000 học sinh, sinh viên được nhận hỗ trợ.
Đại diện của MobiFone cho biết: MobiFone đánh giá "Sóng và máy tính cho em” là một chương trình rất nhân văn và thiết thực, mang lại quyền bình đẳng về học tập, tiếp cận tri thức. Nhờ đó, các hoạt động học tập của các em học sinh, sinh viên nói riêng, của xã hội nói chung không bị gián đoạn vì đại dịch. Giữa bối cảnh giãn cách xã hội để phòng dịch COVID-19, kết nối việc dạy và học mang ý nghĩa nhân văn cao cả, bởi đó là sự kết nối của tri thức, kết nối với tương lai".