Bộ Quốc phòng triển khai công tác phòng chống, ứng phó với bão số 9

Từ đêm 27/10, bão số 9 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến ven biển và đất liền các tỉnh khu vực Trung và Nam Trung Bộ, hoàn lưu bão gây mưa lớn trên diện rộng. Mức độ tàn phá của cơn bão này có thể tương đương hoặc mạnh hơn bão số 12 năm 2017 đã đổ bộ vào các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận, gây thiệt hại nặng nề.

Ngày 26/10, Bộ Quốc phòng có điện số 72/TK gửi: Tổng cục Chính trị; các Tổng cục: Hậu cần, Kỹ thuật, Công nghiệp quốc phòng, Tổng cục II; Bộ Tư lệnh Quân khu 4, 5; Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; Bộ Tư lệnh Quân chủng: Hải quân, Phòng không - Không quân; Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển; Bộ Tư lệnh Công binh, Thông tin liên lạc, Đặc công, Hóa học, Pháo binh, Tăng Thiết giáp; Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 về việc triển khai công tác phòng, chống, ứng phó bão số 9. 

Chú thích ảnh
Đường đi của bão số 9. Ảnh minh họa: nchmf.gov.vn

Nội dung bức điện nêu rõ: Bão Molave đang hoạt động trên khu vực miền Trung Philippines. Sáng 26/10, bão đã đi vào Biển Đông và trở thành cơn bão số 9. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, đây là cơn bão có cường độ rất mạnh, phạm vi ảnh hưởng rộng, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão có thể đạt tới cấp 12-13, giật cấp 15, sóng biển cao từ 8-10 m. Sau khi vào Biển Đông, bão sẽ di chuyển nhanh về phía vùng biển và đất liền nước ta.

Từ đêm 27/10, bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến ven biển và đất liền các tỉnh khu vực Trung và Nam Trung Bộ, hoàn lưu bão gây mưa lớn trên diện rộng. Khi đổ bộ vào đất liền, mức độ tàn phá của cơn bão này có thể tương đương hoặc mạnh hơn bão số 12 năm 2017 đã đổ bộ vào các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận, gây thiệt hại nặng nề.

Thực hiện Công điện số 1470/CĐ-TTg ngày 26/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tập trung ứng phó khẩn cấp với bão số 9 (Molave), để chủ động phòng, chống, ứng phó hiệu quả, Bộ Tổng Tham mưu yêu cầu các cơ quan, đơn vị triển khai ngay một số nội dung công việc. 

Các cơ quan, đơn vị duy trì nghiêm chế độ trực, thường xuyên cập nhật, nắm chắc diễn biến bão số 9, mưa lũ do hoàn lưu sau bão, tuyệt đối không chủ quan; rà soát, điều chỉnh kế hoạch, phương án; chủ động bố trí lực lượng phương tiện, trang thiết bị, vật tư tại những nơi xung yếu để sẵn sàng xử lý các tình huống khẩn cấp và ứng cứu, khắc phục kịp thời các sự cố; có biện pháp bảo đảm an toàn cho bộ đội, kho tàng, doanh trại và vũ khí, trang bị; sẵn sàng lực lượng, phương tiện chủ động giúp nhân dân ứng phó mưa lũ, sạt lở đất…

Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng chỉ đạo Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố ven biển từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận phối hợp với chính quyền địa phương và gia đình chủ tàu tiếp tục thông báo cho các phương tiện đang hoạt động trên biển (kể cả các tàu vận tải, du lịch) biết vị trí, diễn biến của bão để di chuyển tránh, trú hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm; hướng dẫn sắp xếp neo đậu tàu thuyền tại nơi tránh trú; chủ động đề nghị chính quyền địa phương sơ tán người ở vùng ven biển, trên các lồng bè nuôi thủy sản, có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện hoạt động trên biển, đảo.

Quân chủng Hải quân, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển có biện pháp bảo đảm an toàn cho các phương tiện đang hoạt động trên biển; duy trì lực lượng, phương tiện, chủ động tham gia cứu hộ, cứu nạn trên biển khi có yêu cầu. Quân chủng Phòng không - Không quân sẵn sàng lực lượng, phương tiện bay cứu hộ, cứu nạn trên biển và trên đất liền.

Bộ Tư lệnh Quân khu 4, 5 chỉ đạo các đơn vị tăng cường cập nhật diễn biến bão, mưa lũ sau bão, phối hợp với các đơn vị đứng chân trên địa bàn thông tin kịp thời đến chính quyền, người dân nhất là các khu vực ngập lụt đô thị, vùng trũng thấp ven sông, suối, ngoài bãi sông, hạ du các hồ đập xung yếu; chủ động tham mưu, phối hợp triển khai công tác ứng phó theo phương châm "4 tại chỗ”; giúp chính quyền các địa phương chằng chống nhà cửa, kịp thời sơ tán nhân dân ở khu vực nguy cơ đến nơi an toàn.

Các đơn vị sẵn sàng điều động lực lượng, phương tiện ứng phó, cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả bão, mưa lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất và các sự cố đê, kè, hồ đập có thể xảy ra, góp phần bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, chú ý bảo đảm an toàn cho lực lượng, phương tiện khi làm nhiệm vụ.

Ngay sau bão, các cơ quan, đơn vị chủ động điều động lực lượng, phương tiện khẩn trương tham gia tìm kiếm cứu nạn, giúp nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ, khôi phục cơ sở hạ tầng, sửa chữa nhà cửa, trường học; vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh, góp phần ổn định đời sống và sản xuất.

Bộ Tổng Tham mưu đề nghị Tổng cục Chính trị chỉ đạo các đơn vị làm tốt công tác tuyên truyền, đưa tin về hoạt động của bộ đội giúp dân ứng phó, khắc phục hậu quả, mưa lũ và cứu hộ, cứu nạn; kịp thời động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.

Các Tổng cục: Hậu cần, Kỹ thuật, Công nghiệp quốc phòng, Tổng cục II, theo chức năng, nhiệm vụ tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các đơn vị thuộc quyền làm tốt công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, bảo đảm an toàn kho xưởng, nhà máy, vũ khí trang bị; tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền chuẩn bị tốt công tác bảo đảm về hậu cần, kỹ thuật phục vụ công tác ứng phó thiên tai; chủ động phối hợp, xuất cấp và vận chuyển kịp thời vật tư, trang bị cứu hộ - cứu nạn giúp đỡ các địa phương ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

TTXVN/Báo Tin tức
Ứng phó với bão số 9: Bình Định cấm biển, đưa tàu vận tải đến các vùng biển an toàn
Ứng phó với bão số 9: Bình Định cấm biển, đưa tàu vận tải đến các vùng biển an toàn

Ngày 26/10, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng đã ký lệnh cấm tàu thuyền trong tỉnh Bình Định xuất bến.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN