Thực trạng này cùng sự bát nháo trong tranh giành khách, "cát cứ" bến bãi, không những gây bức xúc, hoang mang thậm chí đe dọa quyền lợi của người tham gia vận chuyển, doanh nghiệp kinh doanh và hành khách theo pháp luật, mà còn dấy lên mối lo ngại về tình trạng kinh doanh tự phát theo kiểu “chia phần” giang hồ, gây mất trật tự an toàn trên địa bàn, ảnh hưởng đến hình ảnh của TP. Hồ Chí Minh trong mắt du khách trong và ngoài nước.
Xe ôm kiêm “môi giới”
Do đang thi công bãi giữ xe mới nên bãi giữ xe máy của sân bay Tân Sơn Nhất từ chối giữ xe qua đêm. Tận dụng cơ hội này, nhiều xe ôm đã tụ tập quanh bãi giữ xe, tiếp cận những người có nhu cầu gửi xe máy qua đêm với giá 50.000 đồng cho một lần giới thiệu và chở đón từ sân bay đến nơi gửi với quãng đường chưa đầy 500 m.
Theo quan sát của phóng viên, xe ôm hoạt động xung quanh khu vực sân bay thường tụ tập tại bãi giữ xe máy để mồi chài nơi giữ xe qua đêm hoặc tại cây xăng sát lối vào sân bay trên đường Trường Sơn. Chưa kể nhiều xe ôm còn tụ tập trước cao ốc Parkson C.T Plaza trên đường Trường Sơn hay trước bãi đậu taxi trên đường Bạch Đằng… Bên cạnh những người xe ôm hiền lành cũng có nhiều xe ôm tỏ ra hung dữ, chèo kéo, đe nẹt khách, gây mất trật tư và mỹ quan đô thị.
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết, riêng trong khu vực sân bay không có chuyện xe ôm hoạt động mà chỉ tụ tập phía ngoài. Vì thế, trách nhiệm quản lý không thuộc sân bay mà thuộc công an phường 2, quận Tân Bình.
Cần đảm bảo quyền lợi chính đáng cho khách hàng
Không chỉ mồi chài, bắt chẹt khách, nhiều xe ôm hoạt động tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất còn tự tung đánh nhóm các tài xế GrabBike (thuộc Công ty TNHH Grab Taxi) nhằm giành chỗ làm ăn.
Tài xế GrabBike tường thuật vụ việc tại Công an phường 2, quận Tân Bình với bàn tay bị đánh thương tích. |
Theo thống kê, từ tháng 11/2015 đến nay, đã xảy ra khoảng 20 vụ các tài xế hợp tác vận chuyển bị xe ôm hoạt động tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất hành hung vô lý, nhẹ thì hăm dọa, nặng thì đánh đập, cướp mũ bảo hiểm, phá xe.
Anh Lai C.T, một tài xế GrabBike cho biết: “Phát hiện tôi chở khách, mấy xe ôm tại khu vực sân bay ùa tới đánh tới tấp. Quá sợ hãi, tôi bỏ chạy thì mấy người này liền đuổi theo đánh. Sau đó tôi lại lấy xe thì phát hiện xe hỏng do bị mấy xe ôm tại sân bay bỏ đất cát vào máy xe”.
Trước diễn biến nhiều tài xế vận chuyển bị hành hung, ngày 31/3 vừa qua, đại diện doanh nghiệp cũng đã phối hợp với Công an phường 2, quận Tân Bình gặp và vận động các xe ôm tại khu vực sân bay trao đổi, thậm chí bày tỏ thiện chí sẵn sàng cùng nhau hợp tác để phát triển. Thế nhưng, thiện ý này đã bị từ chối, thậm chí một số tài xế xe ôm truyền thống còn hăm dọa, thách thức ngay cả khi có mặt Công an phường 2, quận Tân Bình: "Còn vào là còn đánh, đánh cho chết luôn".
Chị Thu Trang, một hành khách đứng đón xe tại sân bay Tân Sơn Nhất cho biết: “Việc sử dụng ứng dụng thông minh trên điện thoại để đặt xe đón, rước vừa an toàn vừa kinh tế. Là người tiêu dùng, chúng tôi có quyền lựa chọn tài xế một cách phù hợp, đảm bảo sự yên tâm về chi phí, an toàn khi di chuyển vì hành khách biết rõ về người đón rước. Bên cạnh đó, những doanh nghiệp cung ứng vận chuyển này còn đứng ra bảo đảm nhân thân tài xế. Vì vậy, việc một nhóm các tài xế xe ôm hoạt động quanh khu vực sân bay Tân Sơn Nhất hành hung người khác là không thể chấp nhận được, thể hiện kiểu làm ăn chộp giật, không lành mạnh, thậm chí có biểu hiện bảo kê ngầm. Thiệt thòi cuối cùng vẫn thuộc về người tiêu dùng”.
Qua sự vụ trên cho thấy, cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc để lấy lại trật tự xã hội tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, chấn chỉnh tình trạng làm ăn chộp giật, manh nha theo lối chia phần, đảm bảo quyền lợi chính đáng của khách hàng cũng như đơn vị kinh doanh theo pháp luật.