Để bảo vệ trẻ trên môi trường mạng, cơ quan quản lý đó có những chính sách và hành động cụ thể nào thưa bà?
Trong thời gian vừa qua, đặc biệt là từ năm 2021 cho đến nay, khi có Quyết định 830/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác sáng tạo lành mạnh trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025, Việt Nam đã thành lập mạng lưới ứng cứu và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng bao gồm một số cơ quan quản lý nhà nước đến từ một số đơn vị của Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an, Bộ Lao động Thương binh Xã hội, một số doanh nghiệp cung cấp các cái sản phẩm trên môi trường mạng, cơ quan báo chí và một số tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội hoạt động liên quan đến bảo vệ quyền trẻ em tại Việt Nam.
Trong thời gian qua, bên cạnh những mặt tích cực mà mạng xã hội mang lại thì trẻ em cũng đối mặt với một số rủi ro, thách thức, đặc biệt là việc tiếp cận với những hình ảnh, clip, nội dung không phù hợp với sự phát triển của trẻ em được phản ánh đến Tổng đài 111 hoặc từ các đơn vị trong mạng lưới ứng cứu và bảo vệ trẻ em chuyên môi trường mạng. Khi có thông tin phản ánh, ngay lập tức chúng tôi sẽ cho kiểm tra, xác minh về những nội dung hoặc là những vi phạm theo quy định của Luật Trẻ em, Luật An ninh mạng hoặc theo hệ thống pháp luật của Việt Nam.
Chúng tôi cũng đề nghị các cơ quan chức năng của Bộ Thông tin Truyền thông và Bộ Công an đồng thời làm việc với các nhà mạng mà chưa có văn phòng đại diện tại Việt Nam để kiểm tra, xử lý, đặc biệt là đã có những nội dung mà chúng tôi yêu cầu tháo bỏ, gỡ và chặn toàn bộ những cái nội dung vi phạm theo quy định của pháp luật Việt Nam. Đồng thời A05 của Bộ Công an xử lý đối tượng cũng như là tổ chức đã đăng tải.
Sự phối hợp giữa các đơn vị là chặt chẽ, kịp thời của các cơ quan chức năng đã giúp ngăn chặn những hình ảnh có nội dung xấu độc và vi phạm theo cái quy định của Việt Nam. Chúng tôi cũng nhận được sự hợp tác rất tích cực từ một số đơn vị, doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm trên môi trường mạng.
Để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, việc trang bị kỹ năng cho trẻ có vai trò quan trọng. Vậy trong thời gian tới, cơ quan chức năng có giải pháp nào, thưa bà?
Bên cạnh các giải pháp của cơ quan chức năng, việc nâng cao về kỹ năng và giáo dục có vai trò quan trọng.
Tôi cũng cho rằng, để bảo vệ trẻ em nói chung, đặc biệt là bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, công tác phòng ngừa là quan trọng nhất. Để làm tốt công tác phòng ngừa có rất nhiều những giải pháp mà chúng ta cần thực hiện.
Trước tiên là giải pháp truyền thông để nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ, cho giáo viên, cho cha mẹ và cho chính trẻ em là quan trọng. Trong thời gian vừa qua và trong năm 2022, Cục Trẻ em coi nhiệm vụ truyền thông về bảo vệ trẻ em, nhất là bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đi trước một bước. Cục đã xây dựng những sản phẩm truyền thông mẫu bao gồm cả các vấn đề là sách mỏng, tờ rơi, video clip.
Chúng tôi đăng tải những sản phẩm này trên các fanpage của tổng đài 111, truyền hình vì trẻ em và cũng gửi đến 63 tỉnh, thành phố để có những tài liệu mẫu tuyên truyền trên các báo, đài phát thanh truyền hình của tỉnh và đặc biệt là gắn với truyền thông cộng đồng, trực tiếp là phổ biến cho cha mẹ và cho chính trẻ em.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã tổ chức những hội thảo chia sẻ, định hướng truyền thông với cơ quan báo chí, đồng thời cũng tận dụng các thế mạnh của mạng xã hội để chuyển tải thông tin. Trong năm 2022, chúng tôi cũng đang xây dựng quy trình phối hợp giữa Tổng đài 111 với các cơ quan chức năng trong việc tiếp nhận và xử lý các thông tin phản ánh từ người dân, cũng như chính trẻ em gọi điện phản ánh đến Tổng đài 111.
Trong nâng cao nhận thức và kỹ năng, vai trò của nhà trường đóng vai trò quyết định. Bên cạnh đó, Cục Trẻ em phối hợp với Hiệp hội an toàn thông tin Việt Namphổ biến qua các cuộc thi an toàn thông tin trong năm 2022 đã thu hút gần 600.000 em tham gia.
Bên cạnh đó, để trang bị kiến thức, kỹ năng cho học sinh tự bảo vệ bản thân khi tham gia không gian mạng thì ngành giáo dục sớm đưa các chương trình chính khóa hoặc là tổ chức các chương trình ngoại khóa khi sử dụng mạng internet.
Có thể nói, với cái sự bùng nổ của công nghệ thông tin hiện nay, việc hạn chế hay là việc cấm trẻ em, cấm học sinh tham gia môi trường mạng là không phù hợp. Quan trọng là chúng ta phải tạo vaccine số cho trẻ em để các em có thể tăng được sức đề kháng, sức phòng ngừa, tự bảo vệ được mình, tự phân loại được những nội dung nào là phù hợp với lứa tuổi và biết các địa chỉ cần thông báo, phản ánh khi tiếp xúc những nội dung, clip mà không tuân theo tiêu chuẩn cộng đồng của các nhà mạng hoặc vi phạm cái quy định của pháp luật Việt Nam.
Qua một số dự án về nâng cao kiến thức, kỹ năng cho học sinh mà Cục Trẻ em phối hợp với một số tổ chức quốc tế triển khai tại một số tỉnh thành cho thấy khi các em được tham gia các lớp truyền thông kiến thức, kỹ năng tham gia môi trường mạng được an toàn đều có thể tự bảo vệ mình trước thông tin từ mạng xã hội “bủa vây” ngày càng nhiều.
Xin trân trọng cám ơn bà!