Yêu thương đong đầy trong mỗi món ngon
Chị Thùy Dung (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, từ khi bùng phát dịch COVID-19, thói quen sinh hoạt của gia đình chị thay đổi khá nhiều. Trước đây, do bận công việc, nên chỉ có buổi tối cả nhà mới ăn cơm cùng nhau, bữa sáng thường ăn qua loa. Hiện tại, do có nhiều thời gian ở nhà hơn, chị tự đặt ra thử thách “365 bữa sáng ngon” cho bản thân, mỗi sáng là một món khác nhau.
“Tôi thường "trưng cầu ý kiến" chồng và các con muốn ăn sáng món gì từ hôm trước, rồi chuẩn bị nguyên liệu sẵn. Đa phần đều là các món truyền thống như phở gà, phở bò, bún riêu... Thực sự có những món chưa làm bao giờ, nhưng nghĩ đến niềm vui của chồng con mỗi khi thưởng thức món ăn, tôi lại có thêm động lực lên mạng tìm hiểu công thức và tập làm”, chị Dung chia sẻ.
Nhiều bà nội trợ tâm sự, do tác động của dịch COVID-19, bữa cơm gia đình cũng có sự thay đổi. Trên các diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm nấu ăn, các chị em tích cực đăng tải hình ảnh những bữa cơm nhà.
Từ khi các con nghỉ học đến nay, cũng là khoảng thời gian chị Thanh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) tích cực mày mò tìm cách nấu các món ngon. Mỗi ngày chị đều lên thực đơn các món sao cho đảm bảo dinh dưỡng cho cả nhà nhưng không quá nhàm chán. Hôm thì chị làm món gà rán kiểu KFC, khi thì ngan cháy tỏi...
Thời gian này, chồng chị được cơ quan cho làm việc tại nhà, nên cả nhà cùng nhau ăn 3 bữa mỗi ngày - điều mà trước đây hiếm khi có được. Có thời gian, nên chồng chị cũng phụ giúp những công việc bếp núc thường ngày.
“Chồng phụ giúp nấu nướng, rồi ở nhà, chứng kiến mỗi ngày vợ vất vả như thế nào nên đã đầu tư mua đủ các loại máy hỗ trợ việc nấu nướng như máy vắt cam, nồi hấp, nồi chiên không dầu... để mình thỏa thích chế biến các món mà không quá vất vả”, chị Thanh chia sẻ.
Cơ hội để "làm mới" mối quan hệ gia đình
Mới được lập ra trong vài ngày gần đây, nhưng kênh Youtube với tên gọi “Tối nay ăn gì?” của chị Thanh Nhàn (Mỹ Đình) đã có lượng người theo dõi tăng nhanh đáng kể. Mỗi ngày chị đều đặn up lên những video hướng dẫn nấu các món ăn của gia đình.
Chị Nhàn chia sẻ, trước đây chị khá vụng về, không biết nấu ăn, việc vào bếp chủ yếu do chồng đảm nhiệm. Nhưng rồi công việc của chồng bận rộn hơn và có thêm hai con nên chị là người vào bếp chính. Công việc của chị thường đi từ sáng sớm và trở về nhà tầm 18h - 19h, nên nhiều khi chị hay mua đồ ăn sẵn hoặc làm các món ăn đơn giản luộc, xào, rán thông thường khiến bữa ăn trở nên khá nhàm chán.
Thời gian gần đây, khi được làm việc tại nhà thay vì đến cơ quan, chị có nhiều thời gian để có thể học hỏi cách nấu các món ăn ngon. Chị tham gia các nhóm, hội về nấu ăn trên facebook, học hỏi cách nấu và nhờ các chị em khác tư vấn. Khi nấu được các món ăn rồi thì chị bắt đầu cân đối chi phí và cách trang trí cho một bữa ăn của 5 thành viên của gia đình, nhờ có việc cân đối tài chính mà các bữa ăn mình làm không quá nhiều món, ăn vừa đủ không bị lãng phí.
“Từ ngày mình chăm chỉ nấu ăn thay vì mua đồ ăn sẵn ông xã và tụi nhỏ cũng thích hơn, vui hơn, mỗi bữa ăn hai bé đều khen các món ăn mình nấu. Đó là động lực cho mình mỗi ngày. Thời gian qua, mình và chồng đã quá bận rộn, đã quá vì công việc và các mối quan hệ xã hội thì nay là thời gian vàng để làm mới lại mối quan hệ trong gia đình mình”, chị Nhàn chia sẻ.
Đối với chị Hoàng Quyên (Bắc Từ Liêm), dịch COVID-19 làm cho cuộc sống của chị có “điểm dừng nghỉ” hơn so với trước kia. Hiện giờ chị có nhiều thời gian dành cho con cái, chơi với con nhiều hơn.
“Với mình, đây là khoảng thời gian cực kỳ quý báu, khi gia đình được bên nhau nhiều. Hơn nữa, được khám phá bản thân hơn bao giờ hết. Bao nhiêu công thức món ngon sưu tập được, dịp này là cơ hội cho mình trổ tài, mỗi bữa đều được ăn một món mới và được trang trí cầu kỳ. Cả nhà thưởng thức món ăn mới, trong tiếng nhạc không lời và không khí đầm ấm là những điều mà trước kia dường như là xa xỉ với gia đình mình. Đây cũng là thời gian mình được “yêu” bản thân hơn khi dành nhiều thời gian tập luyện những bản nhạc piano đã yêu thích từ lâu”, chị Hoàng Quyên cho biết.
Chia sẻ một bức hình chụp bữa cơm gia đình mình với những món ăn giản dị gồm rau muống luộc, cà muối, thịt rang cháy cạnh, anh Ngọc Hiện (Hoàng Mai) cho biết, lâu nay anh quen với các bữa nhậu, thịt cá ê hề nhưng chẳng thấy ngon, một tuần chỉ được vài bữa ăn tối cùng gia đình. Nhưng bây giờ có thời gian thư thái ăn những bữa cơm ngon vợ nấu và nhâm nhi thưởng thức lon bia thì mới thấy quý báu những giây phút hạnh phúc bình dị.
“Mùa dịch” khiến cho mỗi người có thêm thời gian ở bên gia đình nhiều hơn, bữa cơm gia đình cũng trở nên ấm áp hơn bao giờ hết. Điều này đã làm thay đổi không ít những thói quen ăn uống của nhiều người theo hướng tích cực và chắc chắn, khi dịch bệnh qua đi thì mỗi người cũng sẽ tự ý thức được ý nghĩa của những bữa cơm gia đình. Mỗi người sẽ tự sắp xếp, cân bằng cuộc sống, công việc để dành những khoảng thời gian gắn bó bên nhau.