Phóng viên Báo Tin Tức đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Thanh Sơn, Cục trưởng Cục quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp) về vấn đề này.
Thưa ông, sau khi Nghị định số 46/2016/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, bên cạnh những ý kiến đồng tình, có khá nhiều ý kiến cho rằng một số điều khoản trong Nghị định còn thiếu tính thực tế, chưa hợp lý. Chẳng hạn, quy định xử phạt hành vi “sử dụng chân chống hoặc vật khác quệt xuống đường” hay phạt tiền đối với người điều khiển xe không sử dụng hoặc sử dụng không đủ đèn chiếu sáng trong thời gian từ 19h ngày hôm trước đến 5h ngày hôm sau”. Ông đánh giá như thế nào về những quy định này?
Việc xử phạt đối với người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ về hành vi “sử dụng chân chống hoặc vật khác quệt xuống đường khi xe đang chạy” được căn cứ vào điểm a khoản 7 Điều 6 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP. Thực tế, quy định này có sự kế thừa từ quy định tại điểm a khoản 6 Điều 6 của Nghị định số 171/2013/NĐ-CP trước đây. Tôi cho rằng, một trong những dấu hiệu cơ bản để đánh giá tính chất xâm hại của hành vi này được thể hiện qua từ “sử dụng”; hiểu theo cách thông thường nhất thì sử dụng là “dùng một vật có chủ ý, mục đích”.
Theo cách phân tích này, tôi đồng tình với một số ý kiến đã nêu trước đó, cho rằng các trường hợp như vô ý hoặc quên không gạt chân chống lên hoặc chở vật cồng kềnh mà không may chân chống bị quệt xuống đường khi tham gia giao thông thì không thuộc trường hợp thực hiện hành vi “sử dụng” và không bị xử phạt theo quy định tại điểm a khoản 7 Điều 6 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP nêu trên. Điều đó có nghĩa việc xử phạt đối với hành vi nêu tại điểm a khoản 7 Điều 6chỉ áp dụng đối với trường hợp đối tượng vi phạm cố ý dùng chân chống hoặc vật khác quệt xuống đường khi tham gia giao thông.
Thực tế thời gian vừa qua, nhiều đối tượng khi tham gia giao thông đã cố tình để chân chống hoặc gậy sắt quệt xuống đường để tạo ra tia lửa, âm thanh náo động khi điều khiển phương tiện, gây mất trật tự và an toàn xã hội. Do vậy, Nghị định 46/2016/NĐ-CP mới ban hành quy định tăng mức phạt cao như vậy so với mưc phạt quy định tại Nghị định số 171/2013/NĐ-CP trước đây tăng cường tính răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung. Tuy nhiên, tôi cũng cho rằng, trong một số trường hợp, với cách quy định như trong Nghị định số 46/2016/NĐ-CP hiện hành thì người có thẩm quyền xử phạt, trong một số trường hợp, có thể khó xác định, chứng minh người vi phạm thực hiện hành vi với lỗi cố ý hay vô ý. Vì vậy, thiết nghĩ cơ quan có thẩm quyền cần tiếp tục nghiên cứu, mô tả hành vi này với những dấu hiệu rõ ràng và cụ thể hơn nữa để việc áp dụng pháp luật trong thực tiễn được thuận lợi, chính xác, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ và tự giác chấp hành pháp luật giao thông đường bộ của người dân và cộng đồng xã hội.
Sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển phương tiện giao thông sẽ bị xử phạt nặng. Ảnh: Quang Quyết/TTXVN |
Còn t
ại điểm g khoản 3 Điều 5 và điểm ckhoản 2 Điều 6 Nghị định số 46/2013/NĐ-CP quy định xử phạt 600.000 đồng – 800.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô, xử phạt 80.000 đồng – 100.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà có hành vi “không sử dụng hoặc sử dụng không đủ đèn chiếu sáng trong thời gian từ 19 giờ ngày hôm trước đến 05 giờ ngày hôm sau”. Hành vi vi phạm này trong Nghị định hiện hành không phải là hành vi mới mà được kế thừa từ quy định tại Nghị định số 171/2013/NĐ-CP và Nghị định 34/2010/NĐ-CP trước đây. Mức phạt tiền áp dụng đối với hành vi nêu trên cũng không tăng lên so với mức phạt tiền quy định áp dụng cho hành vi này tại Nghị định số 171/2013/NĐ-CP.
Tuy nhiên, so với nội dung quy định tại Nghị định số 171/2013/NĐ-CP trước đây thì nội dung quy định tại Nghị định số 46/2016/NĐ-CP nêu rõ ràng, cụ thể, chính xác, minh bạch hơn về khung thời gian phải bật đèn chiếu sáng, thay vì quy định chung chung “khi trời tối” như quy định tại Nghị định số 171/2013/NĐ-CP. Tôi cho rằng việc cơ quan có thẩm quyền quy định rõ khung thời gian phải sử dụng đèn chiếu sáng như Nghị định số 46/2016/NĐ-CP là phù hợp với thực tiễn, bảo đảm nguyên tắc “hành vi vi phạm hành chính phải được mô tả rõ ràng, cụ thể để có thể xác định và xử phạt được trong thực tiễn” được quy định tại điểm c khoản 1Điều 2 của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính, giúp cho việc xác định hành vi vi phạm và áp dụng xử phạt được thuận lợi, thống nhất, hiệu quả. Việc quy định chung chung “khi trời tối” như trước đây dễ xảy ra tranh cãi vì không có thước đo rõ ràng như thế nào là trời tối mà phụ thuộc vào cảm tính. Có người cho rằng trời tối là phải khi trời tối hẳn (đèn đường phải bật mới nhìn thấy xung quanh), cũng có người cho rằng thời điểm mặt trời vừa lặn vào chiều tối hoặc sắp mọc lúc sáng sớm cũng tính là trời tối. Chính vì vậy, quy định như đã nêu tại Nghị định số 46/2016/NĐ-CP mới ban hành sẽ tạo tiền đề thuận lợi cho việc xây dựng thói quen tự giác tuân thủ quy định về thời gian sử dụng đèn chiếu sáng của người điều khiển các phương tiện tham gia giao thông thống nhất trên toàn quốc.
Liên quan đến việc xử phạt đối với chủ phương tiện, một số trường hợp vi phạm giao thông trên đường sẽ áp dụng hình thức xử phạt tại chỗ mà không cần lập biên bản. Nếu thực hiện, liệu quy định này có phát sinh tiêu cực không thưa ông?
Trước hết, phải khẳng định rằng, việc xử phạt tại chỗ, không lập biên bản vi phạm hành chính không phải là quy định mới. Trước đây, tại Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) cũng đã có quy định này. Kế thừa quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính nói trên, khoản 1 Điều 56 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 cũng quy định rõ: Trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức thì không cần lập biên bản mà người có thẩm quyền phải ra quyết định xử phạt tại chỗ.
Mặc dù theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật này thì việc xử phạt tại chỗ không phải lập biên bản vi phạm hành chính nhưng quy trình áp dụng đối với việc xử phạt được quy định rất chặt chẽ: Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính có quy định và ban hành kèm theo mẫu quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thủ tục xử phạt không lập biên bản. Theo đó, quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ phải ghi rõ hành vi vi phạm; địa điểm xảy ra vi phạm; chứng cứ và tình tiết liên quan đến việc giải quyết vi phạm; họ, tên, chức vụ của người ra quyết định xử phạt; điều, khoản của văn bản pháp luật được áp dụng. Trường hợp phạt tiền thì trong quyết định phải ghi rõ mức tiền phạt. Bên cạnh đó, người ra quyết định xử phạt phải là người có thẩm quyền xử phạt được quy định trong nghị định xử phạt vi phạm hành chính có quy định hành vi vi phạm hành chính bị áp dụng xử phạt tại chỗ không phải lập biên bản. Tuy nhiên, đối với những trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ hoặc hành vi đang được xác minh dù thuộc trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức thì vẫn phải lập biên bản mà không ra quyết định xử phạt ngay.
Trong trường hợp hành vi vi phạm bị áp dụng hình thức xử phạt tiền thì sau khi nhận quyết định xử phạt, người vi phạm sẽ đóng tiền trực tiếp cho người có thẩm quyền xử phạtvà nhận biên lai thu tiền phạt tương ứng với số tiền đã nộp. Biên lai này do Kho bạc nhà nước cấp và sẽ được Kho bạc nhà nước tổ chức đối chiếu, rà soát với số tiền thực nộp vào kho bạc của người có thẩm quyền thu tiền phạt trực tiếp (khoản 3 Điều 4 Thông tư số 153/2013/TT-BTC).
Tuy nhiên, việc xử phạt tại chỗ cũng có thể tiềm ẩn những yếu tố không minh bạch trong áp dụng (ví dụ: việc người vi phạm đóng tiền trực tiếp cho người có thẩm quyền xử phạt có thể dẫn đến những hiểu lầm đáng tiếc). Để giảm thiểu tối đa khả năng phát sinh tiêu cực thì cần thiết phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như người bị xử phạt có thể lựa chọn nộp phạt trực tiếp cho người có thẩm quyền xử phạt hoặc nộp tại kho bạc, nộp qua bưu điện...tổ chức kiểm tra kiểm soát thường xuyên đối với lực lượng có thẩm quyền xử phạt đang thực thi công vụ và xử lý kịp thời, nghiêm minh những trường hợp vi phạm; tuyên truyền rộng rãi, khuyến khích, tăng cường vai trò giám sát của người dân, các cơ quan truyền thông, báo chí đối với lực lượng xử phạt... Đây là vấn đề thuộc về tổ chức thực thi pháp luật.
Theo ông, để tăng tính hiệu quả, khả thi trong việc triển khai áp dụng các quy định tại Nghị định số 46/2016/NĐ-CP thì cần thực hiện những giải pháp gì?
Thời điểm hiện nay, khi Nghị định số 46/2013/NĐ-CP vừa mới có hiệu lực thi hành, để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả trong việc triển khai áp dụng, bên cạnh việc tăng cường công tác tập huấn bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng áp dụng pháp luật (nhất là đối với nội dung Nghị định số 46/2016/NĐ-CP mới ban hành, tập trung vào những điểm mới, những nội dung có sự thay đổi so với Nghị định số 171/2013/NĐ-CP trước đây, kỹ năng xử lý vi phạm trong các tình huống phức tạp, nhạy cảm...),đào tạo, chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức công vụ cho các lực lượng thực thi việc xử phạt vi phạm hành chính, các cơ quan có thẩm quyền cũng cần chú trọng, đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực để tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm soát thường xuyên, chặt chẽ, hiệu quả đối với lực lượng thực thi công vụ, đảm bảo việc xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt được thực hiện chính xác, minh bạch, công bằng, giảm thiểu hiện tượng tiêu cực, nhũng nhiều người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cũng cần phải tập trung tuyên truyền, phổ biến rộng rãi cho người dân hiểu đúng ý nghĩa, nội dung, nhất là những điểm mới, những thay đổi của Nghị định số 46/2016/NĐ-CP mới ban hành so với Nghị định số 171/2013/NĐ-CP trước đây để tạo sự đồng thuận xã hội, sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của người dân, góp phần nâng cao ý thức tự giác tuân thủ pháp luật cũng như để người dân có thể tự bảo vệ quyền của mình, tham gia giám sát sự tuân thủ pháp luật của các lưc lượng có thẩm quyền xử phạt trong thực thi công vụ.
Quá trình triển khai thi hành các quy định của Nghị định số 46/2016/NĐ-CP trong thực tiễn quản lý nhà nước, trường hợp quy định nào bộc lộ hoặc phát sinh những khó khăn, vướng mắc hoặc chưa phù hợp với thực tế, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp thì các cơ quan có thẩm quyền cần phải nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hoặc hướng dẫn kịp thời.
Xin trân trọng cảm ơn ông.