Theo PGS. TS Đặng Thanh Toán, ĐH Sư phạm Hà Nội, với môn lịch sử, thí sinh cần nắm vững kiến thức cơ bản; nhớ được những sự kiện lịch sử, hiểu nội dung sự kiện, tránh học vẹt.
Thí sinh nên học từ khái quát đến chi tiết. Ví dụ, nắm được chương trình lịch sử lớp 12 bao gồm những phần nào, bài nào; mỗi phần, mỗi bài có những nội dung quan trọng nào, tiếp đó, đi vào các sự kiện của từng bài. Bài làm phong phú và viết súc tích sẽ mang lại kết quả cao.
Để thuộc bài và nắm vững kiến thức, thí sinh phải kết hợp các phương pháp học tập khác nhau như: Làm đề cương, thảo luận tập thể, ghi chép nhiều lần, kiểm tra kiến thức thông qua học nhóm, học tổ. Việc ôn tập phải được tiến hành thường xuyên, lặp đi lặp lại. Kiến thức lịch sử nếu không thường xuyên nhắc đi nhắc lại thì sẽ quên ngay, trở lại số không.
Khi làm bài cần đọc kĩ đề bài. Đề thi tốt nghiệp tuy không khó nhưng có phân hóa. Câu nào dễ làm trước, khó làm sau, trả lời thẳng vào vấn đề. Hình thức bài làm cũng rất quan trọng, như: Chữ viết phải sạch sẽ, ít sai lỗi chính tả. Bài làm tránh viết lan man, dài dòng, viết theo cảm hứng. Lịch sử là môn khoa học, đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối cả số liệu và nhận định.
Lê Vân (ghi)