Một tháng sau khi nghỉ Tết Âm lịch, học sinh một số trường THPT dân lập sẽ hoàn thành chương trình học cơ bản để tham gia ngay những kỳ thi thử đại học do trường tổ chức.
Dù được phép kết thúc năm học sớm, song nếu cắt thời gian học của môn này để ôn thi môn khác, là các trường đã làm sai quy định.
"Chủ động" thời gian học?
Theo phân phối chương trình học của khối THPT thì khoảng đầu tháng 5/2011, các trường mới kết thúc chương trình cơ bản. Tuy nhiên, trên thực tế, mọi năm, một số trường THPT dân lập vẫn có thể chủ động kết thúc sớm chương trình học cơ bản nhằm tập trung để ôn thi tốt nghiệp cho học sinh.
Giờ ôn tập của học sinh lớp 12 trường Đinh Tiên Hoàng. Ảnh (minh họa): Bích Ngọc - TTXVN |
Bày tỏ về vấn đề này, GS Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường Dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội), cho biết: “Nói chung, đến khoảng tháng 4 hoặc 5/2011 là kết thúc chương trình.
Nhưng với một số môn trọng điểm ở các môn thi đại học như khối A (Toán, Lý, Hóa), khối D (Văn, Toán, Ngoại ngữ)… thì kết thúc sớm hơn. Sau Tết Âm lịch một thời gian ngắn, học sinh lớp 12 có thể kết thúc chương trình. Đối với trường công lập sẽ không thể đẩy chương trình lên được.
Ví dụ, đối với môn Toán họ chỉ học được 3 tiết cơ bản/tuần và 4 tiết nâng cao/tuần. Còn với các trường dân lập lại linh động được số tiết. Ví dụ, đối với môn Toán, trường dân lập có thể học 6 tiết cơ bản/tuần. Việc đẩy chương trình còn có một lý do nữa là các trường công lập nghỉ hè ba tháng trong khi các trường dân lập chỉ nghỉ hè một tháng thôi”.
Thầy Cương cho biết thêm, ra Tết Âm lịch khoảng một tháng, một số môn cơ bản sẽ kết thúc, học sinh THPT Dân lập Lương Thế Vinh có thể thi thử đại học lần thứ nhất. “Để học sinh đến cuối tháng 5 mới kết thúc chương trình học mà chuẩn bị thi là không hợp lý” - ông Cương khẳng định.
Học sinh Nguyễn Mạnh Tưởng, lớp 12 THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho biết: “Ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp vẫn được các thầy cô ôn luyện trong quá trình dạy. Những môn như Văn, Toán, Ngoại ngữ có thể sẽ kết thúc sớm hơn so với kế hoạch năm học để chúng em có thể ôn tập tốt hơn”.
Còn ông Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường Đinh Tiên Hoàng cho hay, những môn như: Văn, Toán, Ngoại ngữ là những môn chắc chắn nằm trong danh sách những môn thi tốt nghiệp thì ngay từ đầu năm học nhà trường đã có kế hoạch dạy kiến thức trong chương trình, song song với củng cố kiến thức cho học sinh. “Rút kinh nghiệm từ những năm trước, vài năm trở lại đây, việc ôn tập cũng như học chương trình cơ bản của học sinh khối 12 được nhà trường lên kế hoạch rõ ràng. Với những trường dân lập thì nhà trường có thể linh động được” - thầy Lâm cho biết.
Theo ghi nhận, việc kết thúc chương trình học sớm hơn so với quy định cũng xảy ra ở một số trường THPT dân lập ở TP Hồ Chí Minh.
"Cắt tiết học" là sai quy định
Xác nhận lại thông tin này, ông Nguyễn Thành Kỳ, Trưởng phòng Trung học phổ thông, Sở GD- ĐT Hà Nội, cho biết: “Theo phân phối chương trình năm học thì đến ngày 25/5 kết thúc học kỳ II. Vì thế từ khoảng 1-15/5, các trường có thể kết thúc chương trình.
Về mặt quy định, các trường THPT công lập và dân lập phải tuân thủ theo kế hoạch này. Tuy nhiên, chúng tôi biết tại một số trường dân lập có hiện tượng kết thúc chương trình học sớm do họ bắt đầu năm học sớm hơn so với các trường công lập.
Cụ thể, theo quy định của Sở GD- ĐT, bắt đầu từ ngày 17/8 của năm trước, học sinh lớp 12 bắt đầu học kỳ I, nhưng các trường dân lập bắt đầu học sớm hơn”.
Ông Kỳ cũng cho biết thêm, việc một số trường dân lập hoàn thành sớm tiến độ chương trình sẽ liên quan đến số tiết mỗi bài. Tức là có thể có hiện tượng cắt số tiết của môn này để dành thời gian cho những môn trọng tâm. “Sở sẽ sớm có đoàn kiểm tra về vấn đề này” - ông Kỳ nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển thì theo hướng dẫn nhiệm vụ năm học 2010 - 2011 đối với cấp THPT là buổi sáng dạy không quá 5 tiết, buổi chiều không quá 3 tiết, mỗi tuần học không quá 6 ngày.
Các trường phải tuân thủ theo quy định này. Đồng thời phải báo cáo với Sở GD- ĐT về việc xây dựng phân phối chương trình, nội dung dạy học và hoạt động giáo dục phù hợp với đặc điểm địa phương và điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ của nhà trường.
Ưu tiên bố trí các tiết học theo lớp vào buổi sáng, các tiết dạy học tự chọn, phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi và các hoạt động giáo dục theo các nhóm đối tượng học sinh vào buổi chiều.
Lê Vân