Thức ăn đã nấu xong. Vẫn là ba bốn món nhưng nhà vắng lặng, chỉ có mình chị. Dọn ra làm gì để rồi ngồi nhìn đống chén, dĩa, tô... nhảy múa qua làn nước mắt chực trào ra. Chén muỗng còn có bạn, chị thì không…
Cái ghế ở bàn ăn bằng thứ gỗ gì mà nặng quá. Chị chỉ biết là nó đắt tiền. Bộ bàn ăn gần cả trăm triệu đồng. Chị đã thấy vô lý khi bộ bàn chỉ dùng để ngồi ăn cơm có thể xây được một căn nhà nho nhỏ nhưng là mơ ước của những đôi uyên ương “duyên và số nghèo”. Khi chồng chị hô hào đám lính lác khiêng bộ bàn ăn vô nhà, trong chị là cánh rừng trơ trọi, là cái nhìn khắc khoải của ba mẹ chị trong một trận lụt nước ngập tới nóc nhà. Thế nên chị đứng thẫn thờ. Không mừng không vui như những bà vợ khác. Chồng chị trừng mắt: “Tưởng em nhảy cẫng lên vì thích”. Dạ thì thích, chị nói và với tay bật bếp gas nấu nướng gì đó cho có chuyện để làm.
Không nhấc hẳn cái ghế của bàn ăn mà chị lật nghiêng nó qua một bên. Kiểu ba chân hỏng đất, một chân tựa. Xoay ngược lui phía sau, cái bếp kiêm luôn bàn ăn. Chảo đồ xào là dĩa. Nồi nấu canh là tô. Chị bới chén cơm vừa trệu trạo nhai vừa nhìn gạch bếp sáng loáng, mặt bếp bằng đá granít đen bóng, tủ bếp làm bằng gỗ (lại gỗ) đỏ au. Tất cả vật dụng nhà bếp toàn hàng cao cấp. “Giang sơn mơ ước của những bà vợ”. Chồng chị đã nói như thế khi thợ lắp cái bếp âm, đặt lò vi sóng, gắn chiếc ti vi siêu mỏng vào tường…
Nhai được hai miếng, nước mắt chị ứa ra. Giờ này không biết mẹ đã về tới nhà chưa. Sáng nay hai mẹ con còn ngồi ăn sáng chung với nhau trước khi mẹ “quá giang” xe con rể ra sân bay. Khi mẹ nói: “Con cho mẹ quá giang với. Con Giang khỏi đi, mất công bịn rịn” không biết mẹ thuận miệng nói vậy hay vẫn còn giận chồng chị. Không muốn ngồi chung xe để mẹ lại nặng lòng khi vợ chồng mặt nặng mày nhẹ nên chị đưa con đi học, đi chợ và loanh quanh dọn dẹp như mọi ngày.
Không ngồi ăn ở bếp nữa, chị bưng tô cơm ra phòng khách. Cố níu kéo chút hình ảnh mẹ sáng nay cầm mấy tờ tạp chí bỏ vô giỏ xách nói ở đây con vứt lăn lóc vậy chứ ngoài quê mình không có mà đọc. Sách báo con gửi về, khi nào cũng đọc đến mấy tua! Ba đọc xong đến hàng xóm mượn.
Tô cơm vẫn chưa ăn xong. Vẫn ngầng ngậng nước mắt. Giờ này vẫn chưa thấy mẹ gọi. Có cơn gió lùa đánh khung cửa ở tầng trên cái ầm làm chị giật mình. Tiếp tục bưng tô cơm lên đóng cửa xong, ăn trên đó luôn. Một miếng kính vỡ toang. Nếu là bình thường, chị sợ đến điếng hồn khi nghĩ tới trận đay nghiến của chồng lúc khuya về. “Đồ đàn bà phá nhà” là câu chửi của chồng mỗi khi chị làm hư một đồ vật gì đó. Nhưng giờ, chị cứ trơ ra. Không sợ. Cũng không vội vàng nhặt những miếng kính vỡ đến nỗi chảy máu tay như mọi lần.
Tô cơm vẫn đắng. Bỗng thấy nóng ruột. Mẹ vẫn chưa về tới nhà. Không biết có chuyện gì. Chị nhận ra mình đã hơi no no. Đó là kiểu ăn không nghĩ đến chuyện ăn. Tâm trí cứ bị dẫn dắt đi đâu như thế nên không thấy miếng cơm ngon hay dở. “Bàn ăn” của chị lâu nay vẫn thế, có khi là bếp, phòng khách, phòng ngủ hay tuốt luốt trên sân thượng vừa ăn vừa nhìn giò lan. Ăn một mình, ở đâu mà chẳng được.
Đến gần tối con mới về nên chị lại vẫn quanh quẩn trong nhà dọn dẹp. Nhớ ra miếng kính vỡ, chị vội đi nhặt, gọi điện cho ông thợ “bảo kê chuyện sửa nhà nên khi hư hỏng gì, chị cứ gọi em!”. Chị nói chú làm như cũ nhé, để chồng tôi khỏi phát hiện.
Ông thợ nhặt miếng kính xong nói cho tui về gắn cái lỗ chắn gió. Bữa giờ trời xui đất khiến gì có mấy con dơi hay bay vô. Người ta nói dơi vô nhà xui. Của vỡ nhà này là của lành nhà khác. Chị ừ, chú cứ lấy. Lấy hết thứ gì chú muốn. Hả? Chị nói gì? Ông thợ ngạc nhiên hỏi lại. À không, tôi tiện miệng nói thế thôi, không có thứ gì là của tôi. Muốn cho cũng không được.
Nấu - hâm - ăn - dọn dẹp - nấu - hâm – ăn… chị cứ mãi hoài với những kiểu ăn một mình như thế và đã nhiều lần nghe mặn nước mắt hay mặn canh gì đó cũng không biết nữa.
Chiều tối, đến giờ con về. Chị tưởng ít ra được ăn cơm với con gái nào ngờ nó tót đi tắm, thay quần áo đẹp bảo đi ăn sinh nhật bạn. Chị nửa muốn nói nó ngồi vào bàn ăn chơi thôi cho chị có tinh thần ăn miếng cơm đỡ trệu trạo nửa muốn không. Con gái “thưa ma ma con đi”, chị đã nghe chén cơm nguội ngắt. Vừa đưa con ra cổng để khóa cửa, vừa ăn cơm. Lại thêm một kiểu ăn…
Chuông điện thoại reo. Mẹ chứ không ai nữa. Chị mừng húm chạy hai bậc cầu thang một để nghe điện thoại. Mẹ đây, về tới nhà khi xế trưa thôi. Đúng là đi máy bay. Vù cái tới. Nhưng mẹ lo cơm nước cho ba con trước nên lu bu quên mất. Ai đời mẹ đi có mấy ngày ổng xuống cân thấy rõ. Ốm nhom à… Mẹ à, mẹ quên chuyện nhà con đi nhé. Ừ, quên rồi. Nhiều người ở quê vô chịu cảnh đó lắm. Con rể hấm hứ khi mẹ vợ lỡ làm dơ nhà vì nước trầu đỏ lòm. Con rể xấu hổ khi có khách đến chơi nhìn mẹ vợ tóc vấn khăn quê rề rề đi gom đồ ve chai… Mà có nhớ cũng chẳng để làm gì. Ai bảo con nghèo lấy chồng giàu sang làm chi. Thương là thương cho con kìa…
Mẹ nói không nhớ chuyện khó chịu của chồng chị với mẹ hôm qua nhưng chị nghe mẹ thở dài. Nghe não nề… Ba chị hỏi gì đó loáng thoáng. Mẹ chị nói à không, mẹ con tui nói chuyện chơi ấy mà…
Con chị về lúc nửa đêm. Bước chếnh choáng vì men bia. Nó vừa chào ma ma vừa về phòng riêng. Chồng chị về lúc quá nửa đêm. Nồng nặc rượu. Đó là giờ bình thường…
Sáng ra chị đang bưng chén cơm nguội ăn vội dưới bếp bởi từ hôm qua nấu ăn cho ba người chỉ một người ăn, bỏ đi mang tội với trời đất thì nghe tiếng ầm ầm loảng xoảng. Kính rơi, vỡ tan. Tim chị cũng thót lên, tan chảy.
Gì thế này. Chồng chị gầm lên. Thằng nào thay tấm kính trời đánh này. Thứ phẩm. Thứ cấp. Hạng của cô chỉ có chừng này thôi à? Một tấm kính xịn với tấm kính đểu cũng không biết phân biệt được sao… Chị nghe tai ù đi. Sao chồng chị không phân biệt trái tim đau và không đau. Đến khi nào chồng chị nhìn vào vợ chứ không chăm chăm nhìn vào ngôi nhà, của cải, địa vị.
Con gái chị đã thay xong bộ đầm đẹp để đi làm. Nó liếc mắt nhìn ba, lắc đầu nhìn mẹ. Không nói gì. Như là chuyện đó chẳng liên quan đến nó.
Chồng chị sau khi đập tan ô cửa kính trên cửa sổ gần tầng thượng cũng lái xe đi làm… Chị ngạc nhiên thấy mình trơ ra, không khóc.
Mình là gì trong cái nhà này? Người giữ nhà? Ô-sin? Hay là nơi để một người đàn ông quát tháo khi không vừa ý và làm tình khi có nhu cầu?…
Bác sĩ nói chị coi chừng buồn và bỏ ăn có khi chết trước cái bệnh chị đang mang, đang giấu. Không ăn cơm được nữa. Chồng, con chị không hề biết đã mấy ngày, mấy tháng chị không ăn cơm.
Cho đến khi chị nhẹ bỗng đi, bay được. Chị bay về ngồi ăn cơm với ba mẹ, trong mái tranh nghèo. Một bữa cơm đạm bạc mà hạnh phúc!
Nhưng, mẹ chị đang lặng lẽ lau nước mắt gắp thức ăn bỏ vào cái chén cơm lưng lửng không người ăn. Ăn đi con, về ăn cơm với mẹ… Ba chị cũng khóc. Bà đừng như thế nữa được không, con nó có về được đâu… Và lúc này, chị khóc! .
Trần Thị Quỳnh Như