Ngời sáng huyền thoại vòng cung

                                                                                                 Kính viếng hương hồn liệt sỹ Tạ Quang Ngôn 

 

Gió tháng bảy từ dưới mé kinh Xáng Xà No thổi lên bờ rát rạt. Trong căn nhà nhỏ tươm tất, thím Tư nằm thiêm thiếp trên chiếc ghế bố thỉnh thoảng lại ho lên từng hồi rồi thở gấp gáp. Hai tay thím cứ ôm lấy di ảnh thằng Ngôn áp vào má mình như sợ nó lại bỏ đi xa. Những giọt nước mắt nóng hôi hổi lại tràn ra từ hai hố mắt sâu hoắm, nhăn nheo. Làm vậy chớ thím có còn thấy gì đâu với đôi mắt mờ mờ, đục đục. Hai tấm bằng Tổ quốc ghi công cứ rung lên đập vào vách tường phát ra những tiếng kêu lạch cạch.


- Má ráng ngồi dậy ăn miếng cháo rồi uống thuốc nghe, tiếng Trung – đứa con thứ mười của thím dỗ dành.

Minh họa: Trần Thắng


- Ngôn hả? Bây đi đâu mà bỏ má hoài. “Chiến” nầy dìa ở luôn với tao nghe. Nói xong hai tay thím lần dò ra phía trước như đang tìm khuôn mặt con mình.


- Con là thằng mười. Anh sáu chết mấy mươi năm rồi, bộ má quên hả?


- Ờ... ờ, tao quên, nó chết rồi, mà chết có nguyên vẹn như người ta đâu. Trời ơi, sao tụi nó mần ăn ác đức, ác nhơn đến vậy, tụi nó là quỷ sứ hổng phải con người. Nói đến đó thím bật khóc nức nở, hơi thở rất khó nhọc kèm theo những tràng ho liên tục cất lên.


Trung bước ra vườn dưới những tán lá bưởi Năm Roi đang xanh tốt, nhẹ nhàng đốt lên mấy cây nhang trầm cắm vào cái lư hương dưới chân mộ. Phía trước là di ảnh cậu học trò trường Phan Thanh Giản đang cười chúm chím, nghịch ngượm, đôi mắt mở rất to, phía dưới mộ chí có ghi: Liệt sỹ Tạ Quang Ngôn, hy sinh năm 1962 tại Vàm Xáng, Phong Điền, Cần Thơ.


Ngày đó vùng quê nầy bị Mỹ - ngụy bắn phá ngày đêm, ruộng vườn xơ xác tiêu điều, nhà nhà phải làm “tăng xê” tránh pháo. Đêm đêm hỏa châu của chúng từ chi khu Phong Điền, chi khu Một Ngàn bắn lên trời sáng rực. Ở đây nói đến thằng đồn trưởng Thạch ác ôn thì không ai không biết. Cái thằng giết người không gớm tay. Không ai biết nó say hay nó tỉnh bởi lúc nào cũng bắt gặp đôi mắt đục ngầu đang tóe lên những sợi vân đỏ màu huyết, mùi ruợu bay nồng nặc, chửi thề luôn miệng. Đàn bà con gái xa xa thấy bóng nó là phóng xuống sông trốn mất cho yên chuyện.


- Ba, chuyến nầy cho con nghỉ học đi theo du kích nghe. Thấy tụi nó ác ôn quá con chịu hổng nổi, tiếng Ngôn năn nỉ.


- Bộ mầy khùng hả? Chuyện thiên hạ lo chi cho mệt tấm thân, nhà mình có của ăn của để, ruộng đất bề bề, cò bay thẳng cánh, ăn tới già cũng hổng hết, mắc mớ gì đụng tới Việt cộng, lỡ mấy cha quốc gia biết được thì chết cả đám. Thôi lo học đi, tiếng chú Tư trả lời.


Nói vậy, chớ ruột gan chú cũng đau như cắt. Ai đời đất mình, mồ mả ông cha mình lại bị tụi Mỹ- ngụy chà đạp bắn phá lung tung, tức nhưng làm sao chống đối thì chú cũng chịu thua, lỡ có gì thì tán gia bại sản, vợ với mười đứa con biết ai nuôi nấng.


Chiều nay linh tính báo cho chú biết có chuyện gì đó không may sắp xảy đến. Chú ra mé sông trông tới trông lui, chờ đợi thằng Ngôn đi học ở Cần Thơ sao chưa thấy về. Lạ, thằng nầy vốn rất lẹ làng, bơi xuồng lanh lợi nhất nhà sao tới giờ chưa thấy. Lòng chú nóng như lửa đốt, thấp thỏm đi ra đi vào, trên môi những điếu thuốc cứ cháy liên tục. Đêm đó cả nhà thức trắng. Thím Tư trải chiếu trước bàn ông thiên, quỳ lạy phật trời phù hộ cho con mình tai qua nạn khỏi trong tiếng khóc nức nở.


Chú vừa thương vừa giận thằng Ngôn. Giận ở chỗ nó làm liều đi theo Việt cộng chưa biết mai nầy sống chết ra sao, thương cái chỗ nhỏ mà khẳng khái, không khuất phục bọn ác tâm. Không khí gia đình chú lạnh như tiền, không ai nói một câu gì, cơm nước cũng hổng ai đếm xỉa tới. Thím Tư khóc sưng cả mắt, biểu người tới cạo đầu xuống tóc vái van cầu nguyện cho con mình. Mấy đêm liên tục lính ở đồn Vàm Xáng phục kích phía sau khu vườn bưởi nhà chú Tư để rình bắt cho được thằng Việt cộng con trời đánh tên Ngôn. Qua những khe cửa, chú thím Tư thấy rõ mồn một những bóng đen đang rình rập, lúc ẩn, lúc hiện. Tim chú thím đập thình thịch. Chú thím lạy trời cho thằng Ngôn đừng mò về, nếu có thì chết chắc. May là sau cả tháng mai phục không thấy gì nên chúng rút lui.


Mấy ngày sau, Việt cộng bất ngờ đánh đồn Vàm Xáng lúc nửa đêm, súng nổ ầm ầm, lửa sáng một góc trời, từng đoàn xuồng thoăn thoắt vượt sông Cần Thơ, kinh xáng Xà No, tiếng la hét hoảng loạn của bọn ngụy rền vang. Hỏa châu sáng rực. Sáng hôm ấy, nhà chú Tư nhận được một lá thư chữ học trò viết vội vàng nhét qua khe cửa “... Ba má đừng giận mà hãy tha lỗi cho con, con đi làm cách mạng xong chuyện nước con về tạ tội, cho con gởi lời thăm anh em trong nhà, đánh đồn xong phải rút đi ngay nên không thể ghé nhà sợ lộ. Con Ngôn...”. Cả nhà đọc thư vừa mừng, vừa khóc.


Mấy tháng sau, khi trời vừa rạng sáng, cô tư Bông đã hớt hải chạy sang báo tin:


- Anh chị Tư ơi! Chết rồi, hồi nãy đi chợ Vàm Xáng, qua Vàm Bồn tui thấy thằng Ngôn đang bị trói thúc kéo dẫn đi, mình mẩy thằng nhỏ máu me tùm lum, sình đất đầy đầu. Hổng biết còn sống hôn nữa? Anh chị đi lẹ lẹ ra đồn coi sao?


Cả nhà chú Tư bơi xuồng đi vội vã dưới màn sương đêm. Nước sông mùa nầy chảy ngược ào ào mà không ai thấy mệt. Thím Tư khóc bù lu bù loa lồng lộng trên sông “... Ngôn ơi! Con đừng chết bỏ má, Ngôn ơi...”.


Vậy mà có kịp đâu. Khi xuồng vừa cặp bến thì người ta đã lôi xác thằng Ngôn vào mé trong đồn sau khi mổ bụng sống thằng Việt cộng gan lì. Máu lênh láng tạo thành từng vệt dài ướt đẫm nền xi măng sân đồn. Mùi tanh của máu xồng xộc đến nỗi cách xa mười mét còn ngửi được. Tàn ác hơn, cả lũ lính do thằng Thạch cầm đầu còn hả hê moi gan thằng Ngôn xào với lá cách làm mồi nhậu ngon lành. Nó còn tuyên bố: Không có mồi nhậu nào ngon bằng tim gan Việt cộng, mấy người thấy gương nầy mà liệu hồn. Mấy ngày sau chúng mới cho nhà chú Tư đem xác về chôn cất. Xác đó nhưng gan nó đã không còn. Thím Tư ngẹn ngào kêu tên con ba lần rồi ngất lịm.


Một chiều cuối năm. Mưa khá nặng hạt. Trong căn chòi nhỏ bên sông Trà Niền có hai người nói chuyện rất khẽ khàng.


- Tui hối hận quá. Lúc đó trời xui đất khiến nên tui làm bậy, chú nói gia đình tha tội cho tui. Tiếng đồn trưởng Thạch lắp bắp, van nài.


- Không tha thứ thì tui đâu tìm ông làm chi. Thôi chuyện qua rồi bỏ đi. Tui muốn biết những phút giây ngắn ngủi sau cùng của anh tui ra sao mà thôi? Tiếng Trung từ tốn, âm trầm, rộng lượng.


- Anh chú nửa đêm vô đồn chọi lựu đạn giết tui với mấy thằng lính nữa. Lựu đạn hổng nổ, “ổng” bỏ chạy ra ngoài thì tụi tui rượt theo bắt được, rồi... rồi thì như chú biết mọi chuyện đó. “Ổng” gan cùng mình lắm, bị mổ bụng mà ổng chửi Mỹ - ngụy liên hồi tới khi tắt thở. Từ đó tới nay đêm nào tui cũng thấy “ổng” dìa đòi lại gan mình, tui lập bàn thờ cúng vái xin “ ổng” tha thứ mà có yên đâu. Tui bị ung thư “giai đoạn” cuối rồi, chắc xuống dưới gặp “ổng” xin tha tội.


Trung bước ra phía ngoài căn chòi lá thấp lè tè, nhìn lên bầu trời xanh thăm thẳm. Cái nghiệp chướng gieo gió gặt bão đây rồi. Đồn trưởng Thạch gian ác ngày nào giờ đã bị trả giá bằng một sự trốn chạy cuộc đời quẩn quanh cánh đồng hay ruộng vườn heo hút không dám ngước mặt nhìn ai. Sức khỏe đã dần tàn vì bệnh tật, vì đói nghèo, vì sự xa lánh của mọi người trong đó có cả gia đình mình. Đau đớn nhất là khi màn đêm buông xuống, ông ta rất sợ hãi bóng đêm bởi trong đó bao giờ cũng ẩn hiện mơ hồ hình dáng cậu học trò trường Phan Thanh Giản tươi cười, nghịch ngượm. Ông ta nghe rất rõ âm thanh của lưỡi dao lê cứa vào bụng của người Việt cộng tí hon kèm theo những dòng máu phun trào nóng hổi. Mấy hôm sau hàng xóm phát hiện đồn trưởng Thạch nằm chết trong căn chòi lá của mình vì đói, vì suy kiệt.


Tiếng thím Tư trở mình đưa Trung về thực tại. Anh bước tới gần mẹ, lau khô những giọt nước mắt đang rịn ra ươn uớt. Thím Tư chợt mở mắt nhìn anh rồi lại ôm cái khuôn hình Ngôn vào lòng cười mãn nguyện. Chắc thím đang hạnh phúc lắm bên cạnh lũ con mình. Tiếng thím gọi con lại vang lên:


- Ngôn ơi. Ngôn ơi. Ngôn ơi.


Gió tháng bảy lại ùa về. Trời xanh cao lồng lộng. Nước kinh xáng Xà No trong xanh vời vợi. Trong gió, trong mây, trong làn nước xanh rờn ấy văng vẳng tiếng gọi con của bà mẹ quê mùa cứ lồng lộng vang xa.



Song Anh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN