Ngôi nhà không có đàn ông

Cơn mưa đầu mùa kéo dài hơn nửa tiếng mà vẫn chưa tạnh, khiến khách hành hương phải vào quán trọ trú thật lâu, nhiều người áo quần bị ướt đẫm và lạnh run. Chị Nhung trong bọn ba người chúng tôi sốt ruột lên tiếng:


- Thôi mình cứ dầm mưa mà đi cho biết cảm giác thế nào là mưa núi!


Thế là ba đứa tiếp tục quẩy gói. Đường lên dốc núi Cấm quanh co lượn khúc, chúng tôi vừa đi vừa nghe tiếng suối, tiếng gió rì rào, lòng cảm thấy thanh thản, nhẹ nhàng như lạc vào cõi thần tiên.

Minh họa: Trần Thắng


Sau hơn hai tiếng đồng hồ leo núi, chúng tôi đã tới hang Ông Hổ. Nhà má Hai cách đó không xa ...


Má đang ngồi chặt củi, vừa trông thấy chúng tôi, vội bỏ dao xuống.


- Thằng Thành đó hả? Cha chả, lâu dữ rồi tụi bay mới lên tới đây. Còn hai cháu này là ai? Có lên đây lần nào chưa?


- Dạ bạn con. Nhỏ này là Nhung, phóng viên đó má. Còn đây là Hằng, giáo viên. Cô ta mới lên núi lần đầu nên cái gì cũng thích cả.


- Tụi bay vô nhà tắm rửa, nghỉ ngơi một chút rồi ăn cơm. Chắc đói rồi phải không? Để má kiếm cái gì cho tụi bay ăn đỡ cái đã.


Một lát sau má dẫn theo hai người phụ nữ, một chị chân đi khập khiễng còn chị kia thì có tật ở tay. Họ thẩy lên bộ ván ngựa một buồng chuối xiêm chín bói vàng hực và một trái mít bị chuột khoét để lộ những múi no tròn, vàng ươm phát thèm.


- Cây nhà lá vườn, tụi bay tha hồ mà ăn.


Nói xong má và chị Thủy bỏ ra sau bếp loay hoay nấu cơm.


Chị Thu, người có tật ở chân xẻ mít ra mời chúng tôi.


Căn nhà của má tuy đơn sơ nhưng rộng rãi, thoáng mát và ngăn nắp. Xung quanh trồng toàn là xoài, mít, mãng cầu và nhiều cây rừng xanh um, trên vòm xanh lúc nào cũng có tiếng chim réo gọi ríu rít. Lúc vừa mới bước chân tới vùng non cao xanh thẫm này, quả thật lòng tôi cảm thấy khoan khoái và có thiện cảm ngay với chủ nhân của ngôi nhà. Một người biết chọn miền đất lành như thế này để sống nhất định phải là người có một tấm lòng...


Sáu người ngồi quay quần bên mâm cơm bốc khói, món gà xào xả ớt thoáng lên mùi cay cay, thơm lừng làm hai cô bạn gái của tôi háo hức chưa mời đã vội cầm đũa. Có thể nói đó là bữa ăn ngon nhất và nhiều kỷ niệm nhất trong đời của chúng tôi.


Cơm nước vừa xong, nắng chiều đã tắt hẳn, cũng là lúc tiếng côn trùng bắt đầu râm ran. Má Hai sai chị Thu lấy đèn bình ra đốt còn chị Thủy thì lấy mẻ un ra un muỗi. Ngọn đèn 12 vôn tỏa màu sáng xanh lung linh huyền ảo khiến cho căn phòng trở nên ấm cúng lạ thường. Nhung và Hằng dọn bánh, nước ra nền chiếu rồi mời má và mọi người cùng thưởng thức.


Ngồi bên cạnh tôi, hai mắt má bỗng rưng rưng. Rồi má chậm rãi cất giọng buồn: đã lâu lắm rồi trong nhà này mới nghe thấy tiếng nói của đàn ông.


Thấy không khí chẳng được vui, Nhung gợi chuyện:


- Thưa má, vì sao má lại chọn vùng núi non ngàn dặm như thế này để dưỡng lão?


- Cuộc đời của má đã từng trải qua những năm tháng hào hùng pha lẫn chút buồn vui cay đắng. Sau ngày về hưu, má được một người bạn cũ trong kháng chiến rủ lên đây chơi, không ngờ vẻ đẹp kỳ lạ và quyến rũ của một vùng thủy tú sơn kỳ đã làm má say mê thích thú nên má đã dùng hết số tiền dành dụm lên đây mua đất và dựng lên ngôi nhà này với tâm nguyện sẽ làm bạn với cỏ cây hoa lá cho đến cuối đời.


Sống ở đây, má rất mãn nguyện. Tiền lương hưu và chế độ thương binh 1/4 cộng lại má dư sức xài. Huống hồ má có tới 15 công đất rừng, nếu khai thác đúng mức sẽ giàu to. Nói chung, đời sống vật chất của má dư ăn dư để nhưng đời sống tình cảm lại thiếu vắng một thứ mà không có gì bù đắp nỗi. Đó là mái ấm gia đình...


*
* *


Đêm đã về khuya, tiết trời lành lạnh, bên ngoài gió thổi mỗi lúc càng dữ dội, má với tay lấy chiếc áo túi mặc thêm vào, vẫn với nụ cười hồn hậu, má kể tiếp:


- Má sinh ra và lớn lên trên mảnh đất nghèo. Ngày tháng trôi đi, đói nghèo lam lũ, cả nhà má phải sống với con cua con ốc, với củ co bông súng. Trăm công nghìn việc đè nặng lên đôi vai gầy guộc của mẹ già. Suốt thời thơ ấu hầu như má không bao giờ được mặc chiếc áo mới. Mười tuổi má đi bỏ mạ cho các đám cấy để được ăn xôi. Mười ba tuổi má bắt đầu đi ở đợ, giữ em và làm đủ mọi công việc nặng nhọc. Rồi cách mạng bùng lên, rồi kháng chiến, má đi theo các chú các bác vào căn cứ từ năm 16 tuổi. Lớn lên làm giao liên rồi du kích xã, từng đánh bót diệt đồn, chiến công vang dội. Hồi còn con gái má có giọng hát rất hay nên được đoàn Văn công nhiệt tình dạy dỗ và bồi dưỡng nhưng má vẫn thích cầm súng. Lúc còn là một du kích xã, má được một đồng đội đem lòng yêu mến thiết tha nhưng hai người chưa kịp nói với nhau một lời hẹn ước thì anh ấy đã hy sinh. Nỗi buồn chưa nguôi thì hai năm sau má lại bị thương cụt mất một cánh tay. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tuổi má đã vượt qua tứ tuần, đó là cái tuổi xế chiều của đời một người con gái.


Đến khi má được phân công làm cán bộ quản giáo trại giam, má có để ý một phạm nhân bị hai năm tù về tội hành hung người gây thương tích. Trông ông ấy hiền từ và có vẻ học thức nên má tìm cách động viên an ủi, giúp ông ta lao động học tập tốt để được hưởng ân xá. Lúc ra tù thì vợ ông ta đã bỏ nhà đi lấy chồng khác. Buồn bã, chán đời, ông đã nhiều lần quay lại trại giam tìm má và ngỏ lời xin sống chung với má để có dịp trả ơn.


Má cảm thông với hoàn cảnh của ông ta nên nhận lời nhưng khi xin ý kiến của lãnh đạo Trại thì mọi việc không thành. Tập thể cơ quan không thể nào chấp nhận cho một cán bộ Đảng viên như má kết hôn với một phạm nhân vừa ra khỏi tù ... Thời gian như nước chảy qua cầu, mới đây mà đã mười mấy năm rồi còn gì! Không biết giờ này ông bạn của má ra sao?


Tưởng đâu sự yên tịnh của núi rừng sẽ giúp má tìm được sự thanh thản, bình yên trong những năm tháng cuối đời, không ngờ đất trời mênh mông hiu quạnh lại càng làm cho má cảm thấy cô đơn trống trải hơn bất cứ lúc nào. Mỗi lần nhìn lại cánh tay bị cụt, má nhớ đến bạn bè, đồng đội như cháy thịt cháy da. má mong mỏi được gặp lại họ dù chỉ một lần cho vơi bớt nỗi nhớ niềm thương. Thế nhưng nhiều năm rồi chẳng mấy ai tới chỗ đèo hiu hút gió này thăm má. Mà cũng phải, họ đến đây để làm gì? Tụi bay nghĩ coi!


- Cũng như bao người phụ nữ khác, má lúc nào cũng có những khát vọng về tình yêu và cuộc sống, má mơ ước có một mái ấm gia đình, thèm nghe được tiếng khóc của trẻ thơ nhưng cả cuộc đời này má không có cái diễm phúc được làm vợ, làm mẹ thì làm gì có trẻ thơ. Con Thu, con Thủy xúi má đi xin một thằng con trai để làm cho ngôi nhà này có tiếng khóc của “đàn ông” nhưng má chưa bằng lòng.


- Sau này tụi bay mới thấu hiểu thế nào là cô đơn, nhất là ba ngày Tết mà trong nhà không có bóng dáng đàn ông, không có tiếng cười, lúc đó mới cảm thấy thấm thía. Người già ngồi xem sách báo mãi cũng chán, ăn hoài cũng vô bổ. Cứ đi ra đi vào một mình lủi thủi như chiếc bóng. Lại nữa, tuổi già đâu phải nằm xuống là ngủ được, càng thức càng nghĩ mông lung. Những kỷ niệm xa vời tưởng đâu đã chìm khuất vào dĩ vãng, vậy mà nó cứ dồn dập hiện về trong đầu má như một cuốn phim quay chậm…


- Nhiều lúc má cảm thấy ngôi nhà này như đang hụt hẫng một cái gì rất quan trọng nếu không muốn nói là một nhu cầu, một thứ nhu cầu thiêng liêng và kỳ diệu mà không có bất cứ thứ gì thay thế được. tụi bay thử nghĩ coi, muốn leo lên nóc sửa lại mái nhà, muốn trèo lên cây bẻ trái mít, muốn đào cái giếng để lấy nước hoặc đêm hôm khuya khoắt trong nhà có người ốm đau bệnh hoạn ... mà không có đàn ông thì khổ sở biết dường nào! má nghe mấy anh kể lại có một triết gia nào đó nói rằng “Một cái hôn làm trẻ lại nửa đời người” còn ông bà mình thì bảo “Tuổi già mà còn người bạn đời là phúc lớn”. Ở đây làm gì có thứ hạnh phúc đó! má nói có đúng không tụi bay?


- Dạ đúng!


Nghe má kể, tụi tôi mới thấu hiểu thế nào là cô đơn, nhất là lúc tuổi xế chiều. Rõ ràng, hạnh phúc của người già không phải là tiền bạc, là danh vọng và quyền uy mà là một mái ấm gia đình.


*
* *


Ngoài trời ánh trăng vằng vặc. Ánh trăng hạ tuần xuyên qua rừng cây kẽ lá, chập chờn trên vách núi, mông lung và huyền ảo. Mùi thơm của lá cây khuynh diệp lẫn một ít mùi hương hoa cỏ dại đã làm mọi người lâng lâng thoát tục, như muốn quên hết nhọc nhằn sau một ngày trèo núi.


Tôi day qua má:


- Má và các chị đi ngủ trước, tụi con ngồi đây hóng gió một chút. Vả lại, hôm nay trăng đẹp quá!


- Mấy thuở tụi bay lên đây, tao cũng muốn thức một đêm, chết chóc gì mà sợ.


- Con Thu, con Thủy tụi bay vô nhà bắt con gà trống bự mần nấu cháo đậu xanh đãi tụi nó, rồi tụi bay thức chơi luôn thể.


- Dạ!


Đợi cho hai chị vào trong, má mới kể tiếp:


- Tội nghiệp hai đứa nó, đứa nào cũng tật nguyền lại không cha không mẹ, nghèo đói, lang thang. Cả hai đều trên ba mươi mà chưa có một mảnh tình vắt vai! Nói là nói vậy chứ ai mà cưới. Phận nghèo lại duyên số hẩm hiu. Tụi nó tuy được nuôi dưỡng bằng tấm lòng nhân ái của mọi người nhưng tình cảm đó cũng không xóa được cái bi kịch “gái không chồng”.


Là người cùng cảnh ngộ nên má mới kêu tụi nó về đây đùm bọc, dắt díu nhau vượt qua nỗi cô đơn tật nguyền. Tội nghiệp, tụi nó tuy nghèo nhưng được cái siêng năng, tốt bụng nên má coi chúng như con.


Tâm nguyện cuối đời của má là sẽ đón nhận thêm mười đứa nữa có hoàn cảnh bất hạnh lên đây để cùng nhau chia sẻ và giúp chúng hướng tới tương lai. Hiện nay, má đã dùng số tiền tiết kiệm giúp cho Nhà trẻ mồ côi dưới chân núi. Mỗi lần xuống thăm, chúng chạy ùa ra níu tay níu chân má kêu ngoại, ngoại … Ôi, chúng sao mà dễ thương, giống như những thiên thần tuổi thơ!


Nghe má kể mà mọi người muốn ngồi mãi để nghe, để thấu hiểu. Ai cũng muốn nhìn má thật lâu, nhìn mái tóc bạc trắng rồi nhìn khuôn mặt hiền từ, nhân hậu của má. Tôi hình dung ra bóng dáng má năm xưa, một nông dân nghèo đi theo cách mạng, một nữ du kích vừa gan dạ anh hùng vừa yếu đuối khóc nức nở trước thi hài của người yêu ...


Má tiễn chúng tôi một đỗi mới chịu quay về, mọi người ngoái lại thấy lưng má đã còng, bước đi hơi chậm, một mình lủi thủi bước vào nhà - ngôi nhà không có đàn ông.

Hoài Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN