Ngày sóng không xô bờ

Con thuyền dập dềnh trên mặt sông. Ra đến khúc giữa, lựa chỗ nước trong nhất, Nhân gập người cố gắng kéo mấy xô nước từ dưới sông lên đổ đầy vào chiếc lu ở cuối thuyền để dùng dần. Nhân đã quen với công việc này mỗi ngày nhưng hôm nay nắng quá, mồ hôi túa ra ướt đầm tấm áo cánh mỏng mà cô đang mặc, để lộ rõ những đường cong gợi cảm của người đàn bà một con. Chiếc mái thuyền cong cong lợp bằng mấy tấm phên nứa và ít cỏ tranh không đủ xua đi cái nóng giữa buổi trưa hè. Ngồi trong thuyền nhìn ra, Nhân thấy hơi nước bốc lên như một làn sương mỏng là là ngay mặt sông, cô chỉ muốn nhảy ùm xuống dòng nước xanh mát kia cho thỏa cơn nóng. Gần đó, vợ chồng chị Lanh đang cố kéo nốt mẻ lưới trước khi về nghỉ trưa. Cách đây ít hôm, chiếc thuyền của cô thủng lỗ chỗ, những mảnh nứa được đan từ đời nảo đời nào đã mục nát, gãy gần hết. Nằm trong thuyền, thấy cả một mảng trời xanh ngắt. Thỉnh thoảng, ánh nắng lại nhảy múa trên sàn thuyền theo nhịp dập dềnh của con sóng. Cũng may, mấy hôm trước anh Lanh tranh thủ giúp cô lợp lại cái mái nên giờ cô mới có chỗ mà tránh nắng.


*
* *


Nhân vốn không phải là người của xóm chài ven sông này. Cô cũng chẳng có chút kinh nghiệm hay tay nghề buông lưới, thả câu trên sông nhưng mỗi ngày cô biết gom hàng của những người trong xóm rồi đem lên cái chợ gần đó bán lại cho người ta. Hình như nụ cười tươi, con mắt lúng liếng và làn da rám nắng của cô rất có duyên nên chuyến cá nào cũng mau chóng được bán hết. Nhiều người trong xóm chài không thích cô, nhất là mấy chị, mấy cô đã lớn tuổi. Người ta xì xào, bàn tán không hiểu tại sao Nhân lại lên chiếc thuyền này, mà lại sống có một mình.

Minh họa: Trần Thắng.


*
* *


Thực ra, trước đó Nhân cũng có một gia đình, chồng cô là công nhân xây dựng. Lâu lâu mới thấy anh xuất hiện ở nhà, khi đó Nhân còn có tiệm cắt tóc gội đầu ở dưới phố. Cứ sáng sáng cô mở cửa tiệm, làm tóc, gội đầu cho khách, chiều tối cô lại về nhà bố mẹ chồng ở cách đó không xa. Đứa con trai hơn 5 tuổi Nhân nhờ ông bà nội chăm giúp để cô yên tâm kiếm tiền. Lẽ ra cuộc sống của Nhân cứ bình lặng trôi đi với những tháng ngày yên ả bên con và gia đình nếu như Chinh, một khách hàng quen không thường xuyên lui tới tiệm của cô. Chinh là nhân viên của một ngân hàng trong phố, anh biết Nhân khi cô thỉnh thoảng tới ngân hàng giao dịch vay, gửi tiền giúp chồng. Vẻ mặn mà của người đàn bà một con làm anh xao xuyến nên thỉnh thoảng anh lại muốn ghé vào thăm. Đôi khi chỉ là hỏi dăm ba câu chuyện, để được đôi bàn tay mềm mại của Nhân gội đầu hay chỉ là cạo giúp mấy sợi lông mặt.


Người ta bắt đầu đồn thổi Nhân có bồ, anh bồ ấy lại có công việc ổn định, lúc nào cũng bóng bẩy, lịch lãm. Cái mác làm ở ngân hàng nên ai cũng nghĩ Chinh có nhiều tiền lắm, và Nhân tha hồ mà đào mỏ. Thỉnh thoảng Nhân lại nghe những lời đưa đẩy của mấy người lắm chuyện trong phố:


“Làm nhiều thế tiền tiêu sao cho hết cô Nhân?”


“Các chị có muốn nhiều em bày cho”- cô chao chát đáp lại.


“Thôi, chúng tôi chả dám”- Một chị mỉa mai.


Chẳng biết nghe được những gì và nghe ở đâu mà dạo này mẹ chồng Nhân tỏ thái độ ra mặt. Không có bằng chứng rõ ràng nhưng mỗi sáng khi Nhân mặc đồ chuẩn bị đi làm bà lại lẩm bẩm:


- Cái cổ áo thì rõ là rộng, cái quần rõ là trễ, có chồng con rồi, ăn mặc cho đứng đắn.


- Thì con vẫn mặc như mọi ngày mà mẹ.


- Chị muốn làm sao thì làm, đừng bôi tro trát trấu vào mặt chúng tôi. Nhà tôi xưa nay nghèo thật nhưng không có mèo mả gà đồng đâu.


- Mẹ nói gì lạ vậy, con chẳng làm gì có lỗi cả.


- Người ta đang đồn ầm lên kia kìa, chờ đấy mà lỗi với lầm.


Nhân bực mình phóng xe đi, thảo nào mà mấy hôm trước chồng cô gọi điện về nhắc nhở, hai người đã gây lộn với nhau. Chẳng biết nhà chồng cô nghe ai nói mà chuyện thành ra như thế này.


Chuyện chỉ thực sự ầm ĩ khi chiều hôm đó, sau giờ làm Chinh có ghé vào tiệm của cô để gội đầu, lấy ráy tai như thường lệ. Cả tiệm đang rôm rả trò chuyện thì có tiếng xe máy đỗ xịch ngay trước cửa tiệm, rồi tiếng đàn bà tru tréo cất lên:


- Đâu, cái con lăng loàn giật chồng người khác đâu?


Nhìn thấy Chinh đang nằm trên ghế cho Nhân vò đầu, vò mặt, người đàn bà điên tiết nhảy xổ lại túm tóc Nhân rồi ấn dúi dụi:


- Cho chừa cái thói dụ dỗ chồng người này.


Mỗi câu nói của chị ta là một cái dúi đầu, là đấm, đá vào người vào mặt Nhân, cô cố gắng vùng ra mà không được. Tiện tay, chị ta túm được cái kéo trên bàn đòi cắt cụt mái tóc của Nhân đang xổ ra rũ rượi. Bên ngoài người ta thấy ồn ào đứng xem đông kín cả quán, bàn tán xôn xao. May mà Chinh nhanh chóng túm được bàn tay của người đàn bà giật lại, anh trừng mắt:


- Về nhà. Nhanh.


Người đàn bà lu loa:


- Giời ơi, có ai khổ như tôi không, bị người ta giật chồng mà chồng còn bênh nhân tình.


Chinh rít lên:


- Cô có thôi ngay không thì bảo.


Nói rồi anh xềnh xệch kéo người đàn bà đi ra khỏi quán.


“Hai năm rõ mười rồi nhé, không làm gì sao người ta đến đánh ghen”.


“ Vậy mà cứ làm như ta đây danh giá lắm.”



Những lời bàn tán, chỉ trỏ Nhân nghe thấy hết, cô đi ra đóng cửa quán. Một mình ngồi trên chiếc ghế gội đầu, tĩnh lặng như pho tượng. Mãi đến tối muộn cô mới thất thểu về nhà. Vừa về đến ngõ, tiếng mẹ chồng đã vang lên the thé:


- Cút đi, nhà này không có loại con dâu đàng điếm, lăng loàn.


- Mẹ, nghe con giải thích đã.


- Người ta đến tận quán đánh ghen như thế, còn giải thích gì nữa. Cút đi.


Bà mẹ chồng vứt hết quần áo của cô ra sân rồi đứng chặn ngay trước cửa không cho bước vào nhà. Đứa con trai 5 tuổi thấy bà nội to tiếng với mẹ chạy ra khóc ré lên: “Mẹ ơi, mẹ ơi”. Nhân chưa kịp ôm con vào lòng, đứa trẻ đã bị bà nội lôi xềnh xệch vào trong nhà đóng cửa lại. Cô cầu xin thế nào bà cũng không cho vào nhà. Lặng lẽ thu dọn đống đồ đạc bừa bộn giữa sân Nhân quay lại tiệm.


Ngay ngày hôm sau chồng cô có mặt ở nhà, chẳng cần nghe cô giải thích, anh chìa ngay cái đơn ly hôn ép cô ký, trong đó viết rõ ràng vì sao hai người phải ly hôn, vì sao cô không được quyền nuôi con.


*
* *


Nhân cũng định cứ nhắm mắt, bịt tai mà sống trước miệng lưỡi của thiên hạ nhưng mỗi lần đi qua thấy người ta túm năm, tụm ba cô lại thấy nhột nhạt trong người. Đóng cửa tiệm làm tóc, cô sẽ đi đến một nơi thật xa, không ai biết gì về nỗi tủi nhục, oan ức của mình để sống. Qua mấy lần chuyển xe, cô xuống ở một thị trấn nhỏ, bước chân đưa cô đến với làng chài ven sông này. Cô nhớ, tối hôm đó, bơ vơ, không nhà, không người thân, cô cứ ngồi trên bờ cát nhìn ra mặt nước mênh mông, những ánh đèn trên mấy con thuyền nhấp nháy ngoài xa. Nhớ con, nước mắt cô cứ trào ra không ngớt, cô ngồi im như pho tượng. Cũng may có người thương tình chỉ cho cô con thuyền nát này để cô có chỗ tá túc qua đêm. Những tưởng rồi cô sẽ tìm một chỗ nào đó để mở lại tiệm nhưng cô quyết định sống ngay trên con thuyền nát này với những người dân ở xóm vạn chài này.


Nói là xóm nhưng thực ra cũng chỉ hơn chục nóc thuyền, toàn dân tứ xứ về đây làm ăn. Mỗi thuyền neo đậu một góc, thỉnh thoảng mới trao đổi dăm ba câu chuyện cuộc sống thường ngày. Nhân cũng không ngoại lệ. Lúc mới nhập khẩu ở xóm, Nhân chỉ biết mỗi gia đình anh Lanh bởi anh chính là người chỉ cho cô con thuyền nát này, cũng chính anh chị giúp cô biết cách chèo, neo giữ thuyền sao cho nó không trôi mất, cũng chính anh hướng dẫn chị những bài học đầu tiên về sông nước. Nhân thấy cuộc đời mình đã nhiều cơ cực nhưng vợ chồng anh chị Lanh còn khổ hơn gấp nhiều lần. Cũng trên con thuyền lá vợ chồng anh đã gắn bó với khúc sông này cả chục năm, từ khi anh còn là chàng thanh niên vạm vỡ. Bây giờ anh đã ngoài ba mươi, làn da đã quen với nắng gió vùng sông nước lên màu bóng loáng, đỏ au. Cứ tưởng hạnh phúc sẽ mỉm cười với đôi vợ chồng trẻ, nhưng cưới nhau lâu rồi mà anh chị vẫn mãi là cặp vợ chồng son. Nhân nhìn thấy nỗi buồn thăm thẳm đượm sâu trong đôi mắt chị. Nó có chút gì đó như day dứt, như cầu mong một điều kỳ diệu nào đó. Thỉnh thoảng đưa thuyền ngang qua Nhân thấy chị ngồi bó gối trước mũi thuyền, nhìn ra khoảng nước mênh mông.


Nhân ngày càng buôn may bán đắt, dù không thích cô nhưng cái xóm chài nhỏ vẫn phải thừa nhận từ ngày có cô thu mua tôm cá, cuộc sống của họ cũng đỡ chật vật hơn nhiều. Đổi lại cô mang gạo, muối, rau về bán lại cho các thuyền, tiện cả đôi đường. Nhưng từ khi kiêm thêm cái tạp hóa di động trên mặt nước, Nhân gặp gỡ nhiều người hơn, cái nắng vùng sông nước làm làn da cô đen giòn hơn, mặn mà hơn. Thỉnh thoảng buổi tối vẫn có những người đàn ông ghé mua cút rượu, con cá khô để lai rai cho đỡ buồn. Dù muộn mấy cô vẫn nhiệt tình bán hàng nên trong khi cánh đàn ông ngày càng thích đi chợ ở gian thuyền của Nhân thì các bà các chị lại tỏ thái độ không hài lòng. Thỉnh thoảng chị Lanh cũng ghé thuyền cô chơi, nói dăm ba câu chuyện bâng quơ:


- Nhân sống có một mình mà sao bán hàng khuya thế? Không sợ à?


- Sợ gì hả chị? Khách có nhu cầu thì mới tìm mình thôi.


- Nhưng chị thấy người ta đang dị nghị đấy.


- Dị nghị gì hả chị?


- Thì mấy chuyện này kia đó.


- Ôi dào, miệng lưỡi thiên hạ, mạnh ai người ấy nói thôi chị ơi.


Câu chuyện của hai chị em im lặng rồi rơi tõm vào giữa mênh mông sông nước, chỉ có tiếng gió luồn qua mái tóc mát rượi của hai chị em. Nhân nhìn sang, thấy chị Lanh lại ngồi bó gối nhìn vào khoảng vô định. Cô cũng chẳng biết chị đang nghĩ gì. Chị cất tiếng nói nhẹ như hơi thở mà không nhìn về phía Nhân.


- Sao em không kiếm ai đó mà bầu bạn cho đỡ buồn. Như chị bây giờ chỉ thèm có một đứa con mà mãi chưa được. Chắc ông trời chưa thương đến anh chị.


- Anh chị thử lên thị trấn khám xem sao, biết đâu y học hiện đại sẽ giúp được hai người.


- Chị cũng mấy lần bảo anh đi nhưng anh cứ lần khân mãi. Vậy mà cũng chục năm rồi, sắp hết tuổi sinh đẻ rồi…


- Chị ráng thuyết phục anh ấy xem sao. Biết đâu…


Nhân khuyên là khuyên thế thôi chứ cô cũng mơ hồ về cái biết đâu của mình. Ngay tương lai của cô cũng không dám chắc được thì làm sao cô dám tin vào những điều kỳ diệu sẽ đến với những người khác.


*
* *


Đôi lần, khi qua những chiếc thuyền trong xóm để lấy cá, Nhân cảm giác như có ai đó đang nhìn mình. Ngẩng lên, bắt gặp ánh mắt anh Lanh nhìn cô như muốn thiêu đốt, cô ngó lơ quay đi chỗ khác. Cũng có lần bị cô bắt gặp anh cười gượng gạo đáp lại. Có cái gì như mơ hồ dấy lên trong lòng Nhân nhưng cứ nghĩ đến dáng ngồi bó gối và ánh mắt nhìn vào khoảng không vô định của vợ anh, Nhân lại rùng mình, ớn lạnh.


Đêm, tĩnh mịch giữa sông nước mênh mông, Nhân nằm nghe thấy cả tiếng cá đớp mồi dưới sông. Cô trằn trọc không ngủ được, nghĩ về đứa con trai làm cô thao thức mãi, lan man nghĩ về anh Lanh, nước da đỏ au, thân hình vạm vỡ, nụ cười như bừng sáng cả khúc sông của anh làm Nhân mơ màng trong giấc ngủ đến muộn. Cô nghe thấy tiếng nước óc ách dưới mạn thuyền, con thuyền chòng chành chao nghiêng, rồi như có người tiến sát vào nơi cô đang ngủ, những giọt nước nhỏ xuống sàn tí tách. Bàn tay thô ráp sờ vào người cô, mát rượi.


Trong cơn mê ngủ chập chờn, Nhân thấy bóng người vạm vỡ, hơi thở gấp gáp phả vào người, vào mặt cô. Con thuyền chòng chành trong đêm đen đặc, chỉ có tiếng nước vỗ ì oạp vào mạn thuyền theo từng nhịp rung.


Đêm nay, sông không có sóng...

Vi Thị Thu Hà

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN