Mùa hoa cải cuối cùng

Cơn bão đột ngột đổ về khiến căn nhà nhỏ của Lam bị hư hỏng nặng. Mẹ phải thuê thợ đến sửa lại từng phần một. Đối với một người phụ nữ đã ngoài 30, công việc ngụp đầu ở trường mầm non không cho phép mẹ Lam có thể lo toan và quán xuyến được tất cả.


Và với một con nhỏ 7 tuổi như Lam, nó chỉ có thể nhìn mẹ hỏi: “Ba đi đâu mà không giúp mẹ con mình sửa nhà hả mẹ?”. Mẹ nhìn Lam trìu mến: “Ba đi làm ở miền Nam, xa lắm, làm sao về kịp hả con?”. Nó chỉ biết gục gặc cái đầu và không quên nói với mẹ một câu trách móc của trẻ con: “Ba thiệt là tệ. Đi từ hồi mẹ sinh thằng Huy đến giờ mà chẳng về nhà lấy một lần”. Lam nói vậy thôi chứ thật sự từ nhỏ đến giờ, nó cũng chưa biết mặt mũi ba nó ra làm sao.


Tất cả chỉ là những lời kể mà bà ngoại và mẹ nó kể lại. Ba nó vào miền Nam lập nghiệp từ hồi mẹ nó sinh thằng Huy. Giờ thằng Huy đã 4 tuổi rồi mà nó cũng như Lam chẳng có một ký ức gì về ba nó. Tất cả chỉ là con số không tròn trĩnh. Vậy nên ấn tượng về ba của Lam cũng chỉ qua lời kể và nó cũng mang trong lòng một dấu hỏi rằng: Ba nó là ai?


Minh họa: Trần Thắng.


Không trách ba sao được khi nó mới học lớp 6 thì mẹ nó chuyển công tác đến dạy ở một trường mầm non miền núi, cách xa nhà nó cả mấy chục cây số. Mỗi tuần mẹ nó chỉ về nhà một lần vào ngày chủ nhật. Vậy mà ba nó cũng không về. Những đêm dài chỉ có hai chị em đối mặt với bốn bức tường lạnh lẽo khiến Lam và cu Huy thật sự sợ hãi dù có bà ngoại ở bên cạnh. Cái mà nó cần bây giờ là được nằm trong vòng tay vững chãi của ba và những lời vỗ về ngọt ngào của mẹ. Nhưng tất cả, tất cả chỉ mà mong ước của riêng nó mà thôi. Mỗi lần mẹ về là Lam cứ cảm thấy thời gian trôi thật nhanh và lúc mẹ nó nổ xe máy rời xa hai chị em nó cảm giác thời gian thật là dài đằng đẵng. Bây giờ nó không chỉ trách mà nó hận ba. Suốt bốn năm trời, hai chị em Lam phải sống trong sự lo lắng và khó khăn thật sự.


Những lúc cu Huy bị ốm, nó chẳng biết xoay xở ra làm sao. Chỉ biết khóc và cầu cứu sự giúp đỡ của hàng xóm. Nó tự hứa với mình khi ba nó về nó sẽ đánh ba một ngàn cái cho hả giận. Còn thằng Huy thì bông lơn: “Em chỉ đánh ba năm trăm cái thôi vì em và ba đều là đàn ông với nhau, dễ thông cảm”. Lam phì cười xoa đầu cu Huy. Năm lên lớp 10, thật may mắn, mẹ Lam được chuyển trường về dạy gần nhà nên ba mẹ con được gần nhau, kết thúc bốn năm trời hai chị em nó sống trong sự cô đơn và sợ hãi. Thời gian thì cứ trôi, và những câu chuyện về ba cứ thưa dần, thưa dần và nhạt nhòa theo năm tháng. Ai hỏi nó: “Ba mi làm nghề gì?”. Lam trả lời không một chút do dự: “Ba tao chết rồi!”


* *
*


Vào một đêm cuối đông giá rét, mưa lất phất rơi bên hiên nhà. ánh sáng yếu ớt từ chiếc đèn ngủ trong nhà hắt ra ngoài cửa sổ nhìn thấy vạt hoa cải trồng sau nhà ướt sũng, chốc chốc lại nhỏ những giọt nước rơi rơi. Lam theo thói quen lại quờ tay vào mình mẹ. Nhưng lần này, nó tìm mãi không thấy. Mẹ nó đã đi đâu. Lam lồm cồm nhổm dậy gọi mẹ. Nó chỉ gọi thầm vì nghĩ mẹ nó đang ở gần đây và cũng sợ làm tỉnh giấc cu Huy đang ngủ. Ra sau bếp cũng không thấy mẹ. Nó soi đèn vào chiếc đồng hồ treo tường. Đồng hồ chỉ 3 giờ sáng. Nó cứ thắc mắc: Mẹ đi đâu vào giờ này nhỉ? Tìm một lúc quanh nhà không thấy mẹ, nó đâm lo. Rồi Lam đi vòng ra sau vườn cải. Trong ánh sáng leo lét của chiếc đèn ngủ hắt ra, nó nhận ra hai bóng người đứng dưới mưa. Người mang áo trắng là mẹ nó, còn người đứng đối diện là ai?- nó tự hỏi mình. Lam tắt chiếc đèn pin, đứng nép mình vào một góc tường, hồi hộp quan sát. Rồi nó nghe thấy mẹ nó to tiếng với người đàn ông lạ kia.


Anh đến đây làm gì?


Tôi không cần anh nữa, anh về đi!


Anh tưởng đồng tiền có thể mua được tất cả hay sao?!


Người đàn ông đó chỉ biết cúi mặt, không nói thêm được một câu nào và mặc cho mẹ nó đấm liên tục vào ngực. Trời thì lạnh mà Lam thấy người cứ nóng ran, mặt đỏ bừng. Nó cảm thấy vô cùng khó hiểu, không biết đã có chuyện gì xảy ra với mẹ nó.


Sáng hôm sau, Lam cứ nằm lì trên giường, trùm chăn kín mít. Mẹ nó thắc mắc: “Lam, dậy đi con. Dậy đánh răng rửa mặt ăn sáng rồi đi học. Sao con cứ nằm mãi thế?” Mẹ nó chưa dứt câu, nó đã hất phăng cái chăn quấn trên người đi thẳng ra nhà bếp đánh răng, rửa mặt, thay vội áo quần rồi phóng xe đi học, chẳng nói với mẹ nó một câu nào. Vừa đạp xe ra cổng, mẹ nó gọi: “Con không ăn sáng à? Con bị làm sao vậy?”. “Con ra ngoài chỗ cô Tám mua bánh mì ăn”- nó đáp vội một câu rồi đi mất. Nhiều lần ba mẹ con ăn cơm, Lam định hỏi về người đàn ông lạ tối hôm đó gặp mẹ nó. Nhưng Lam không làm được, mỗi lần định hỏi là như có cái gì đó mắc nghẹn ở cổ, nó không sao nói được dù lòng rất muốn. Lam chỉ trông ba nó nhanh về để không phải rơi vào trạng thái hoang mang như thế này.


Năm lớp 12, Lam bận rộn ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp cuối cấp và kỳ thi đại học. Nó phải căng sức ra để ôn luyện, học thêm để nuôi ước mơ trở thành sinh viên, đó cũng là mong mỏi lớn nhất của mẹ. Áp lực hai kỳ thi cuốn nó vào bài vở, công thức, số má khiến Lam dần quên đi câu chuyện đêm hôm đó.


Sau hai tháng ôn tập, cuối cùng, Lam cũng vượt qua kỳ thi tốt nghiệp với số điểm khá cao và nó cũng trúng tuyển vào trường đại học mà nó mơ ước. Lam biết rằng, nó đi học xa, mẹ nó sẽ mất đi một chỗ dựa, và mẹ nó cũng khó khăn hơn để nuôi nó ăn học suốt 4 năm trời. Nhưng Lam luôn tự hứa với lòng mình là sẽ học tốt để làm mẹ vui lòng.


Mẹ và cu Huy đưa Lam đến sân ga. Hôm nay, Lam phải xa quê, xa mẹ, xa cu Huy để lên thành phố nhập học. Cu Huy nắm tay chị: “Chị phải thường xuyên về nhà để chơi với em. Không là không có ai chơi trốn tìm với em ở vườn cải nhà mình đó. Buồn lắm đó”.


- Được rồi, chị nhớ mà- Lam vuốt má cu Huy rồi quay sang mẹ:


- Mẹ ở nhà nhớ giữ gìn sức khỏe nhé, con sẽ cố gắng học tập thật tốt.


- Con cũng vậy, vào thành phố, lạ nước lạ cái phải biết ứng xử sao cho khéo léo. Ăn uống điều độ, không được thức khuya. Mẹ đọc báo thấy sinh viên toàn thức đêm ngủ ngày, mẹ lo lắm.


- Mẹ yên tâm- Lam hóm hỉnh.


Hai mẹ con ôm nhau lần cuối trước khi nó vào thành phố. Nó tự dặn mình không khóc nhưng sao nước mắt nó cứ rơi ướt đẫm trên đôi vai của mẹ.

* *
*


Suốt 3 năm học đại học, học kỳ nào Lam cũng có học bổng, đó là thành quả của những ngày tháng ôn luyện miệt mài của nó. Mẹ nó thì mừng khấp khởi còn cu Huy thì tíu tít diện những bộ đồ mới đến lớp mà chị nó gửi về.


* *
*


Vừa tắm xong, Lam lấy chiếc khăn mặt lau khô mái đầu thì có một cuộc điện thoại gọi tới. Đó là một số điện thoại lạ. Một thoáng ngập ngừng, rồi sau đó Lam bốc máy.


- A lô ai vậy ạ?


Đầu dây bên kia im lặng một khoảng. Rồi giọng nói ngập ngừng của một người đàn ông cất tiếng.


- Cháu là Lam phải không?


- Dạ vâng!


- Chú là… chú là… ba cháu đây.


Lam chưa kịp trấn tĩnh thì đầu dây bên kia nói tiếp: “Chắc con bất ngờ lắm và cũng giận ba lắm. Nhưng ba không còn nhiều thời gian nữa. Thời gian ở trên thế giới này của ba chỉ có thể tính bằng ngày. Con về với ba một lần cuối được không?”.


Nghe xong, Lam lạnh cả sống lưng, mặt nó nóng ran, đỏ ửng. Nó quá bất ngờ vì lần đầu tiên có người tự xưng là ba gọi điện cho nó. Đã từ lâu, ký ức về ba đã chết trong nó, và nó vẫn cứ sống tốt, sống thoải mái. Vậy mà giờ đây…

Nó đứng lặng mình chết trân. Nó không nói được một lời nào hết. Thả điện thoại cái cộp xuống bàn mặc cho chiếc ống nghe vẫn phát ra tiếng gọi “Lam, con có nghe ba nói gì không?”. Lam cúi mặt ngồi bệt xuống đất. Mái tóc chưa kịp chải xõa xuống khuôn mặt nó. Những giọt nước cứ tí tách rơi từ ngọn tóc. Rồi lại có những giọt nước từ má nó nhỏ xuống. Nó khóc!


Một lúc sau, Lam cũng lấy lại bình tĩnh và gọi điện thoại cho mẹ. Mẹ ở quê, đoán được sự việc, rồi nói một câu ngắn gọn: “Sáng mai, con lên tàu về quê. Mẹ sẽ nói tất cả về chuyện của ba, điều mà bấy lâu nay mẹ vẫn giấu hai đứa”.


* *
*


Mẹ Lam về ở với ba nó mà không hề có đám cưới và giấy đăng ký kết hôn. Khi mẹ sinh thằng Huy xong, ba Lam đã bội bạc bỏ ba mẹ con nó đi theo một người đàn bà giàu có ở trong Sài Gòn. Lúc hai đứa còn thơ bé, mẹ Lam không muốn ấn tượng về một người ba trong chúng lại tồi tệ đến vậy, nên đã nói dối là ba đi làm ăn xa, không về được, rồi cũng định sau này khôn lớn, sẽ nói tất cả sự thật cho chúng nghe. Nhưng sự việc xảy ra quá bất ngờ, công ty ông ấy ở trong Sài Gòn làm ăn đổ bể, và ông lấy đã mắc bệnh ung thư máu giai đoạn cuối nên phải chuyển về quê.


- Đêm hôm đó, có phải là ba đã về gặp mẹ ở sau vườn cải không?- Lam hỏi mẹ.


- Ông ấy định gặp hai chị em con và muốn đưa hai đứa vô Sài Gòn nhưng bị mẹ ngăn lại. Mẹ không thể để ông ấy cướp đi tài sản duy nhất của mẹ được.


* *
*


Năm nay Lam lại về quê vào đúng mùa hoa cải. Sắc vàng hoa cải nhuộm cả một khoảng sân phía sau nhà. Hoa cải mang một vẻ đẹp bình dị nhưng đầy quyến rũ. Nó ngắt một chùm hoa và lặng mình suy tư. Những ký ức về đêm đầu tiên mà nó gặp ba lại hiện về, cứ ngỡ mọi chuyện chỉ xảy ra ngày hôm qua. Lam trách ba nó, thậm chí là hận ba. Nhưng ở trong hoàn cảnh này, một đứa con làm sao có thể để lòng thù hận lấn át tình máu mủ được. Tâm trạng nó rối như tơ vò, khi không biết phải làm sao. Lam vẫn nhớ như in giọng nói yếu ớt mà người đàn ông lạ kia gọi cho nó. Lam giờ đã là một sinh viên và nó đã trở thành một cô gái biết suy nghĩ.


* *
*


Sáng hôm sau, chuyến đò ngang đưa Lam và cu Huy sang xã bên. Ngôi nhà cấp bốn nhỏ xíu nằm sâu trong một con đường đất ngoằn ngoèo, mái ngói đã bạc màu và phủ một chút xanh của rêu phong. Căn nhà đông người nhưng bao trùm một không khí u ám. Lam ngập ngừng trước cửa. Một người đàn bà đứng tuổi (chắc là vợ của ba) đi ra nhỏ nhẹ:


- Lam đến rồi hả, vào đây con.


Nó rón rén bước vào, cu Huy đi sau nắm chặt tay chị.


Trước mặt Lam là một người đàn ông tóc lấm tấm bạc, khuôn mặt gầy gò hốc hác nằm ngay ngắn trên một chiếc giường nhỏ. Đôi mắt ấy cứ hướng về Lam. Nó thấy sợ và khựng lại. Bàn tay người đàn ông ấy chầm chậm đưa lên. Lam rón rén nắm lấy bàn tay yếu ớt đó, rồi nó ngồi xuống ghế. Bàn tay này sao lạnh quá. Người đàn ông giữ chặt tay nó và nói nhỏ: “Ba… ba xin lỗi hai chị em. Ba thật là một người tệ bạc”. Nó òa khóc, ôm chặt lấy ba và gọi: “Ba”. Lần đầu tiên trong đời nó được gọi một tiếng “ba”. Nó ước giá như mùa đông năm ấy, nó dũng cảm gọi khi mẹ nó gặp ba thì nó sẽ được gặp ba sớm hơn và không ở trong hoàn cảnh như thế này. Cu Huy nắm chặt tay ba mà mắt cứ đỏ hoe, nhòe nước.


* *
*


Đêm hôm đó, ba nó mất. Đám tang đưa ba Lam an nghỉ trên ngọn đồi ngập tràn hoa cải. Chỉ còn lại nó trên phần mộ của ba. Mưa lất phất rơi, mẹ và cu Huy biểu nó về nhưng nó cứ ở lại. Lam đặt một chùm hoa cải lên phần mộ. Lặng thinh. Đó là mùa hoa cải cuối cùng Lam được ở bên ba. Rồi cơn gió nhẹ đưa một bông hoa cải vương lên mái tóc nó…

Hà Thế An

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN