Thế là chỉ còn vài ngày nữa là Tết. Trong đơn vị có sự chộn rộn khác thường. Tết năm nay đến với mọi người lính chúng tôi thật khác lạ; đó là sẽ đón cái Tết đầu tiên trên đất bạn.
Đơn vị chúng tôi vừa hỗ trợ cho một đơn vị bạn tiêu diệt bọn diệt chủng Pôn Pốt, xâm lấn biên giới Tổ quốc ta. Theo yêu cầu của bạn, chúng tôi tạm thời đứng chân ở một vùng thuộc tỉnh Côngpông Chơnăng trù phú.
Trạm phẫu thuật của sư đoàn đóng trong một trường học nhỏ, có khoảng bốn, năm lớp. Ông hiệu trưởng, tuổi ngoài bốn mươi, dáng người đậm chắc và bốn cô giáo chừng đôi ba mươi tuổi. Hàng ngày, tiếng ê a của trẻ con học bài vẫn vọng vào lán điều trị. Trong các cô giáo, cô Phari là quen biết chúng tôi nhất. Cô tuổi chừng hai lăm, hai sáu, dáng cao mảnh, nước da trắng hồng và đôi mắt đen thăm thẳm. Có lẽ cô là người Khơme lai Việt, hoặc người thành phố. Ngày nào để về nhà, cô cũng phải đi qua lán chúng tôi. Nghe nói chồng cô đã bị bọn Pôn Pốt giết hại. Cô hiện sống với một đứa con gái chừng năm tuổi trong ngôi nhà nhỏ gần kề đơn vị chúng tôi.
Phari rất quý anh Đồng, bác sĩ phụ trách của chúng tôi. Anh Đồng năm ấy tuổi chừng ba mươi, chưa có vợ, tính tình có phần khô khan, kín đáo. Anh là bác sĩ phẫu thuật có tiếng của quân đoàn. Hồi mới về đây, chính anh Đồng là người đã trực tiếp điều trị cho cháu Chăn Tha, con của Phari qua khỏi một cơn bệnh hiểm nghèo. Phari cứ mỗi lần nhắc đến chuyện ấy, lại rơm rớm nước mắt.
Thỉnh thoảng, Phari và một, hai cô giáo sau giờ dạy học đi ngang qua, thường ghé vào thăm chúng tôi. Anh Đồng và tôi ngồi tiếp. Tấn, bạn tôi rót nước trà mời khách.
- Mời các cô giáo uống nước trà!
- Ót phấc tức te phấc tức dôông! (Không uống nước trà. Uống nước dừa cơ).
Phari cười tinh nghịch chỉ lên mấy cây dừa ngoài vườn. Mấy cô giáo đi theo cũng cười. Anh Đồng bảo Tấn leo lên hái mấy trái dừa. Khi thấy Tấn đi về phía mấy cây dừa, các cô hiểu ý xua tay rối rít: “Tê! Tê! Ni dây lêng” (Không! Không! Nói giỡn thôi). Tấn đành phải quay lại. Các cô lại ngồi nói chuyện vui vẻ.
Để đón Tết, chúng tôi đã chuẩn bị khá chu đáo. Thuốc, trà, kẹo, bánh, lạp xưởng và cả heo trong nước đưa sang.
Ngay từ ngày 29 Tết, chúng tôi đã dọn dẹp sửa sang doanh trại, cắt giấy kết hoa trang trí, chuẩn bị đón cái Tết thật lịch sự, đàng hoàng mặc dù trong hoàn cảnh sẵn sàng chiến đấu. Không hiểu sao những ngày ấy, tự dưng tôi thấy nhớ nhà quá thể. Giờ này ở quê tôi, trời còn đang lạnh. Vườn nhà tôi chắc cam đang chín ửng vàng. Những cánh đào đỏ thắm, những cánh mận trắng tinh trong giá rét. Mỗi ngày Tết đến ở quê hương, tôi đều thấy có một không khí thiêng liêng đến kỳ lạ. Và cũng thật lạ kỳ về sự chuyển giao vô cùng chính xác của thời tiết. Trong đêm 30 Tết, trời vẫn còn lạnh; qua giao thừa, trời đã ấm hẳn lên. Những cơn gió nồm nam thổi rười rượi. Và sáng ra, mưa xuân bay bay. Bụi mưa ấm lành. Không còn cái giá rét căm căm của ngay chiều hôm trước. Qua giao thừa, tôi thường theo bà lên chùa. Bà tôi sắp lễ lên cúng Phật. Chiếc áo dài tứ thân bằng the nâu quanh năm chỉ có ngày ấy bà tôi mới mặc. Tôi lon ton xách làn đi cùng bà. Con đường dẫn vào chùa làng tôi mọc đầy cỏ mần trầu đi rất êm chân. Mùi hương trong chùa trầm mặc và thành kính. Thế giới tâm linh của con người tụ cả về đây.
Năm nay chúng tôi ăn Tết ở một nơi xa Tổ quốc. Tết Chol Chnam Thmay của đồng bào ở đây vào tháng tư dương lịch. Thời tiết và cảnh sắc đều khác. Trong lòng chúng tôi lại càng nôn nao nhớ Tổ quốc, quê hương khi đến Tết cổ truyền của dân tộc tới.
Chương trình đón giao thừa dự định sẽ tổ chức khá xôm. Ngoài việc tăng thêm một tiểu đội canh gác vòng ngoài đề phòng bọn tàn quân Pôn Pốt, còn tất cả anh em, thầy thuốc, nhân viên và thương binh nhẹ đều tập trung ở phòng giao ban để đón giao thừa. Chiếc rađiô sẽ được đặt ở giữa phòng, dưới bàn thờ Tổ quốc và ảnh Bác Hồ, mở lớn để anh em nghe tiếng nói từ Tổ quốc thân yêu vào thời khắc thiêng liêng. Sẽ có bánh kẹo, một chút đồ ăn nhẹ và ít rượu mùi cho thêm chút lâng lâng, hưng phấn. Sáng ra anh em ăn mặc chỉnh tề để chuẩn bị tiếp đón đại diện của bạn đến chúc Tết.
Đêm 30 Tết, tôi còn đang nằm đọc sách. Anh Đồng đang thiu thiu trên giường thì đồng chí trực ban vào báo: “Có ca cấp cứu, các anh ra ngay”. Anh Đồng vội nhỏm dậy. Chúng tôi cùng đi đến phòng trực. Nạn nhân là một thiếu phụ khoảng hai lăm, hai sáu tuổi, đang đi cấy ngoài đồng thì bị một viên đạn lạc vào bụng. Bị từ chiều hôm qua, ở xa nên giờ mới được chuyển đến đây. Máu ra nhiều. Bệnh nhân nằm thiêm thiếp. Mặt tái mét. Anh Đồng khám một lúc và bảo Tân: “Chuẩn bị phòng mổ. Phải tiến hành mổ ngay”. Đoạn, quay sang tôi: “Tuấn sẽ phụ mổ cùng mình”.
Tôi nhìn anh ái ngại. Cả buổi chiều anh vừa cắt mấy ca cụt chi, mổ một ca ruột thừa, vừa mới nghỉ được chừng hơn tiếng. Lại ca mổ này nữa. Sức anh có chịu đựng nổi không? Trong bữa cơm chiều, anh chỉ nhấp một ly rượu và gắp mấy gắp làm phép vì mệt. Ca mổ này sẽ phức tạp vì viên đạn lọt sâu trong ổ bụng, chưa biết nó sẽ đi tới những đâu. Rách ruột là cầm chắc. Biết đâu nó sẽ còn gây thương tổn đến các phủ tạng khác nữa. Tính mạng nạn nhân đang treo trên sợi tóc và phụ thuộc vào việc bác sĩ tiến hành phẫu thuật sớm hay muộn. Để càng chậm càng mất thêm máu, gây viêm phúc mạc toàn bộ thì khó lòng cứu chữa. Lương tâm của người thầy thuốc không cho phép chậm trễ. Tôi đứng dậy về phòng pha một ly sữa lớn mang lại cho anh Đồng. Anh đang ngồi dựa lưng vào tường mắt nhắm nghiền. Nghe tiếng bước chân, anh khẽ gật đầu, đón lấy ly sữa. Hiểu sự lo lắng của tôi, anh nói: “Không sao. Mình nghỉ tí là khỏe ngay mà. Mười lăm phút nữa chúng ta tiến hành. Bảo anh em cứ tổ chức đón giao thừa, nhớ canh phòng cho cẩn mật”.
Hơn 10 giờ đêm, chúng tôi bước vào phòng mổ. Đúng như dự đoán, đây là vết thương khá phức tạp. Mở ổ bụng, chúng tôi tìm kỹ từng quai ruột, phát hiện một vài vết rách mà vẫn không tìm thấy viên đạn. Anh Đồng tiếp tục mở rộng vết mổ, tìm phía dưới rồi phía trên. Hơn một tiếng đồng hồ trôi qua mới tìm thấy “thủ phạm”. Viên đạn đi chếch lên trên, làm rách một số đoạn ruột non, rồi chui qua cơ hoành cách nằm kẹt dưới thùy phổi trái. Chỉ nhích lên một chút xíu nữa thì chạm tim. Ca phẫu thuật kết thúc thì kim đồng hồ đã nhích đến con số 1.
Chúng tôi bước ra ngoài. Đã sang một ngày mới, chợt anh Đồng lảo đảo đứng dựa vào tường. Tôi chạy lại dìu anh về phòng. Thế là gần như cả một ngày đêm anh làm việc ròng rã. Trong đơn vị, anh em tổ chức đón giao thừa xong đã về ngủ cả. Mùi hoa chămpa thơm ngọt ngào, nồng ấm. Gió đêm rười rượi mát lạnh. Rất mệt nhưng tôi không làm sao ngủ được. Nỗi nhớ quê hương lại ập đến.
*
* *
- Boòng Đồng! Boòng Tuấn!
- Boòng Đồng! Boòng Tuấn!
Có tiếng ai gọi- tôi khó nhọc mở con mắt cay xè. Phari đã đứng ngay trước mặt, dắt theo cháu nhỏ với bó hoa hồng trên tay. Tôi vội ngồi dậy, kéo ghế mời khách.
- Phari thông cảm, chúng tôi vừa từ phòng mổ về.
- Phari biết - anh Tuấn cứ để cho anh Đồng nghỉ.
Hôm nay Phari ăn mặc thật đẹp. Chiếc xà rông màu tím than, chiếc áo sơ mi trắng bó thân càng tôn thêm vẻ đẹp thanh tú của cô. Giường bên anh Đồng cũng đã dậy. Anh xin phép Phari đi rửa mặt, sửa quần áo rồi bước vào. Lúc ấy, tôi thấy Phari lúng túng hẳn. Đang nói chuyện liến thoắng với tôi tự nhiên cô im bặt, đôi má đỏ bừng lên.
- Boòng Đồng… mệt lắm không? - Cô hồi hộp hỏi.
- Mệt chút thôi, Phari à.
Giọng anh Đồng cũng có cái gì xúc động.
- Phari đến chúc Tết các anh - Chúc các anh sang năm mới mạnh khỏe, gặp mọi sự tốt lành.
- Phari cũng biết Tết của chúng tôi.
- Ồ, Phari biết chứ! Phari còn biết nhiều hơn thế nữa. Chỉ có anh Đồng là không biết đó thôi.
Phari nói và chiếu thẳng đôi mắt đen thẳm vào anh Đồng làm thủ trưởng của chúng tôi luống cuống.
Tôi kéo cháu nhỏ, con của Phari, chạy ra ngoài.
Buổi sáng thật trong trẻo. Một mùa xuân mới đã về trên đất nước chúng tôi. Một mùa Xuân mới, hồi sinh đã về với dân tộc bạn.
(Côngpông Chơnăng, 1980,Biên Hòa, 2009).
Truyện ngắn của Nguyễn Tuấn